Sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý, sử dụng tài sản công

Ngày 15/9/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 114/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 30/10/2024.

Trong đó, Nghị định số 114/2024/NĐ-CP sửa đổi Điều 3 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP về mua sắm tài sản công phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước. Theo quy định mới, thẩm quyền, trình tự, thủ tục quyết định mua sắm tài sản công trong trường hợp phải lập thành dự án được thực hiện theo quy định của pháp luật khác có liên quan. Thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản công trong trường hợp không thuộc phạm vi quy định trên được thực hiện như sau: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương quy định thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản công phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trung ương. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản công phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương.
Nghị định số 114/2024/NĐ-CP quy định căn cứ phạm vi dự toán ngân sách được giao và nguồn kinh phí được phép sử dụng, cơ quan nhà nước tổ chức thực hiện mua sắm tài sản theo quy định của pháp luật về đấu thầu.Việc tổ chức thực hiện mua sắm tài sản theo phương thức tập trung được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu và quy định tại Chương VI Nghị định này. Việc mua sắm tài sản quy định trên không bao gồm mua sắm dịch vụ phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước. Việc mua sắm dịch vụ phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.
Đồng thời, Nghị định số 114/2024/NĐ-CP cũng bổ sung thêm Điều 3a quy định mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công là vật tiêu hao phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước. Cụ thể, vật tiêu hao là nguyên nhiên liệu, thuốc, sinh phẩm, vật tư, vật liệu, văn phòng phẩm và các vật khác khi đã qua một lần sử dụng thì mất đi hoặc không giữ được tính chất, hình dáng và tính năng sử dụng ban đầu. Thẩm quyền quyết định mua sắm vật tiêu hao: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương quy định thẩm quyền quyết định mua vật tiêu hao phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trung ương. Đối với vật tiêu hao bị mất đi trong quá trình sử dụng, cơ quan nhà nước quản lý, sử dụng vật tiêu hao không phải thực hiện việc xử lý. Đối với vật tiêu hao không bị mất đi trong quá trình sử dụng, cơ quan nhà nước quản lý, sử dụng vật tiêu hao thực hiện hủy bỏ sau khi hết hạn sử dụng hoặc hết giá trị sử dụng.
Ngoài ra, Nghị định số 114/2024/NĐ-CP cũng sửa đổi Điều 4 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP về thuê tài sản phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước. Về thẩm quyền quyết định thuê tài sản, Nghị định số 114/2024/NĐ-CP quy định Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương quy định thẩm quyền quyết định thuê tài sản phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trung ương. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định thẩm quyền quyết định thuê tài sản phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương. Căn cứ phạm vi dự toán ngân sách được giao và nguồn kinh phí được phép sử dụng, cơ quan nhà nước tổ chức thực hiện thuê tài sản theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Việc thuê tài sản phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước quy định tại Điều này không bao gồm thuê dịch vụ công nghệ thông tin và các dịch vụ khác phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước. Việc thuê dịch vụ công nghệ thông tin và các dịch vụ khác phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và pháp luật có liên quan.
Nghị định còn bổ sung quy định khai thác tài sản công tại cơ quan Nhà nước. Cụ thể: (i) Danh mục tài sản công tại cơ quan Nhà nước được khai thác gồm: Nhà ở công vụ; quyền sở hữu trí tuệ, bản quyền phần mềm ứng dụng; cơ sở dữ liệu; tài sản phục vụ hoạt động phụ trợ, hỗ trợ cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan Nhà nước (nhà ăn, căn tin; nhà/bãi để xe; vị trí lắp đặt máy rút tiền tự động, máy bán hàng tự động; vị trí lắp đặt, xây dựng công trình viễn thông; vị trí lắp đặt màn hình led, tấm pano phục vụ thông tin, tuyên truyền); tài sản là di tích lịch sử - văn hóa, di tích lịch sử gắn với đất thuộc đất xây dựng trụ sở cơ quan; phòng truyền thống của cơ quan; tài sản khác được khai thác theo quy định của pháp luật có liên quan. (ii) Việc khai thác tài sản công tại cơ quan Nhà nước phải bảo đảm các nguyên tắc sau: Không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan Nhà nước; không vi phạm các điều cấm của luật; bảo đảm tính công khai, minh bạch; tuân thủ các quy định của pháp luật; không làm thay đổi kết cấu, kiến trúc, nguyên trạng tài sản công (trừ trường hợp đầu tư thêm để nâng cao giá trị sử dụng của tài sản; phần giá trị tài sản đầu tư thêm thuộc về cơ quan có tài sản sau khi hết thời hạn khai thác); không làm mất quyền sử dụng đất của cơ quan, quyền sở hữu về tài sản công.
Bổ sung quy định giao tài sản bằng hiện vật cho cơ quan Nhà nước. Theo đó, việc giao tài sản cho cơ quan Nhà nước được thực hiện như sau: Thẩm quyền quyết định giao tài sản công thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Thủ tục giao tài sản của dự án sử dụng vốn Nhà nước thực hiện theo quy định tại Mục 1 Chương VI Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Chương IX Nghị định 151/2017/NĐ-CP. Thủ tục giao tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân được thực hiện theo quy định tại Mục 2 Chương VI Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định quy định thẩm quyền, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân. Thủ tục giao đất để xây dựng trụ sở làm việc được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai./.
Thùy Nhung
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật