Tìm hiểu một số quy định mới của Luật Điện Lực (sửa đổi)

Ngày 30/11/2024, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) số 61/2024/QH15 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2025 trong đó có một số điểm mới quan trọng.

Luật Điện lực năm 2004 được sửa đổi, bổ sung qua 04 lần vào các năm 2012, năm 2018, năm 2022 và năm 2023. Sau gần 20 năm triển khai thi hành, đến nay còn tồn tại một số vấn đề vướng mắc, bất cập, một số quy định hiện hành của luật chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung. Việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật còn nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 29- NQ/TW ngày 17/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các chính sách mới của Nhà nước; đồng thời cũng để đảm bảo sự phù hợp với các luật có liên quan…
Theo đó, Luật Điện Lực (sửa đổi) gồm có 09 chương và 81 Điều, trong đó có một số nội dung, quy định mới. Cụ thể như bổ sung các quy định cần thiết để phù hợp với luật quy hoạch và là cơ sở pháp lý để ban hành các quy định pháp luật về điện có liên quan như: quy trình phát triển dự án điện trong các trường hợp, lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu; kế hoạch phát triển thị trường bán lẻ điện cạnh tranh; mua bán điện trực tiếp; điện gió ngoài khơi; nguồn điện tự sản xuất, tự tiêu thụ. Đặc biệt, Luật điện lực sửa đổi bổ sung quy định về điện hạt nhân, cho thấy kế hoạch tiếp tục phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam trong tương lai.
Bên cạnh đó, Luật Điện lực quy định giá bán điện được thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết giá của Nhà nước phù hợp với cấp độ thị trường điện cạnh tranh. Đồng thời, thực hiện cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hợp lý và giảm dần, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng không tham gia thị trường bán lẻ điện cạnh tranh khi chưa đủ điều kiện tham gia hoặc không lựa chọn tham gia mua bán điện trên thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Giảm dần, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, vùng, miền phù hợp với cấp độ thị trường điện cạnh tranh; bảo đảm quyền tự quyết định giá mua điện, giá bán điện không vượt quá khung giá điện, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện do Nhà nước quy định. Giá điện bảo đảm thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các đơn vị điện lực; xây dựng cơ chế giá điện phù hợp đối với các nhóm khách hàng đặc thù theo các chủ trương của Nhà nước phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở từng thời kỳ.
Về chính sách phát triển điện vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Luật quy định ưu tiên ngân sách Nhà nước, kết hợp huy động các nguồn lực trong nước và nước ngoài cho đầu tư phát triển nguồn điện, lưới điện bảo đảm cung cấp điện an toàn, thường xuyên, tin cậy cho các hộ gia đình và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh tại địa phương; Ưu đãi về đầu tư, tài chính và ưu đãi, hỗ trợ khác đối với các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài xây dựng công trình nguồn điện, lưới điện, kinh doanh cấp điện cho các hộ gia đình bảo đảm bền vững và hiệu quả.
Về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới. Đây là nội dung hoàn toàn mới tại Luật Điện lực năm 2024, trong đó quy định các nội dung về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới; điều tra cơ bản về tài nguyên điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới; phát triển điện tự sản xuất, tự tiêu thụ từ nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới; cải tạo, sửa chữa, thay thế thiết bị nhà mát điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới; tháo dỡ công trình thuộc dự án điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới. Các quy định về phát triển điện gió ngoài khơi, trong đó quy định chung về phát triển điện gió ngoài khơi; khảo sát dự án; chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư dự án điện gió ngoài khơi, lựa chọn nhà đầu tư dự án điện gió ngoài khơi.
Đặc biệt, Luật quy định Nhà nước sẽ thực hiện hỗ trợ tiền điện theo hướng ngân sách Nhà nước hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt đối với hộ nghèo, hộ chính sách xã hội theo tiêu chí, cơ chế do Thủ tướng Chính phủ quy định phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ; Chính phủ ban hành phương án hỗ trợ giảm tiền điện trong trường hợp có sự cố, thảm họa theo quy định của Luật Phòng thủ dân sự để ổn định phát triển kinh tế - xã hội.
Luật Điện lực (sửa đổi) là một bước tiến quan trọng trong việc phát triển khung pháp lý về điện lực và cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành điện lực tại Việt Nam. Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tính tương thích với cam kết quốc tế có liên quan. Bảo đảm sự quản lý thống nhất của Nhà nước đối với các hoạt động điện lực, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Chú trọng đổi mới, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến và tận dụng có hiệu quả cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư. Thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các Nghị quyết của Quốc hội về lĩnh vực điện lực. Kế thừa, tiếp tục phát triển và hoàn thiện những quy định pháp luật về điện lực còn phù hợp với thực tế, sửa đổi, bổ sung những quy định đã phát sinh hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Điện lực năm 2004 và các Luật sửa đổi, bổ sung.
Để triển khai thi hành Luật Điện lực (sửa đổi), Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang khẩn trưởng xây dựng, trình ban hành 07 Nghị định của Chính phủ, 02 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và ban hành theo thẩm quyền 20 Thông tư của Bộ trưởng theo trình tự, thủ tục rút gọn trong tháng 01/2025./.
Đức Khiêm
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật