Quy định mới về hoạt động bảo tàng theo Luật Di sản văn hóa năm 2024

Luật Di sản văn hoá năm 2024 được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 23/11/2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025 quy định về di sản văn hóa, hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng và cá nhân trong hoạt động quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Một trong những điểm mới của Luật là quy định về hoạt động bảo tàng nhằm bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Cụ thể như sau:

Về tổ chức và quản lý bảo tàng, Điều 64 Luật Di sản văn hóa năm 2024 quy định bảo tàng có thể được tổ chức theo các cấp từ quốc gia đến địa phương, bao gồm bảo tàng công lập và ngoài công lập. Quy định về thành lập bảo tàng công lập; sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể bảo tàng công lập và cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập… Quy trình quản lý bảo tàng được thực hiện bởi người có thẩm quyền, đảm bảo hiệu quả trong quản lý tài sản, tài chính và nhân sự của bảo tàng. Bên cạnh đó, Luật Di sản văn hoá năm 2024 đã quy định rõ các nhiệm vụ của bảo tàng và chi tiết các nhiệm vụ chuyên môn, hoạt động dịch vụ của bảo tàng; xếp hạng, xếp lại hạng bảo tàng. Trong khi đó Luật Di sản văn hóa năm 2001, sửa đổi bổ sung năm 2009 chỉ quy định chung về thành lập bảo tàng, thẩm quyền quyết định thành lập, các nhiệm vụ quyền hạn,... và quy định bảo tàng gồm: bảo tàng quốc gia, bảo tàng chuyên ngành, bảo tàng cấp tỉnh, bảo tàng tư nhân.

Về hợp tác và đầu tư, Luật mới khuyến khích các bảo tàng hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để phát triển hoạt động bảo tồn và phát huy di sản, cụ thể những quy định về đầu tư, xây dựng, cải tạo, nâng cấp công trình kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật và trưng bày bảo tàng công lập phải có đề cương trưng bày được phê duyệt trước khi thực hiện dự án. Đồng thời, bảo tàng cũng được hỗ trợ tài chính và chính sách để đầu tư vào các dự án bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. (Trước đây, Luật Di sản văn hóa năm 2001, sửa đổi bổ sung năm 2009 chỉ quy định chung về việc đầu tư, Nhà nước ưu tiên đầu tư ngân cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt, bảo tàng quốc gia, bảo vật quốc gia, di tích lịch sử cách mạng và di sản văn hoá phi vật thể có giá trị tiêu biểu; đầu tư cho công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá).
Căn cứ vào số lượng và giá trị của hiện vật, sưu tập hiện vật; chất lượng kiểm kê, bảo quản, trưng bày, giáo dục và truyền thông; cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật; mức độ chuẩn hóa nhân lực chuyên môn, nghiệp vụ; hiệu quả hoạt động, bảo tàng được xếp hạng theo ba cấp: Bảo tàng hạng I, Bảo tàng hạng II và Bảo tàng hạng III (so với Luật Di sản văn hóa trước đây, bảo tàng không được xếp hạng mà chỉ phân loại theo là bảo tàng quốc gia, bảo tàng chuyên ngành, bảo tàng cấp tỉnh, bảo tàng tư nhân). 
Ngoài ra, Luật mới khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa và phát huy giá trị di sản trên môi trường điện tử. Việc chuyển đổi số được quy định trong Luật Di sản văn hóa năm 2024 góp phần thực hiện thành công cuộc cách mạng chuyển đổi số như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Tạo ra bước đột phá trong phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất để đưa đất nước ta, dân tộc ta vươn mình vược bậc trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của tiên tiến, văn minh và hiện đại”./.
Vi Sa
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật