Quy định về thực hiện công tác xã hội trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

Ngày 31/12/2024, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 51/2024/TT-BYT quy định về thực hiện công tác xã hội trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (Thông tư số 51/2024TT-BYT). Thông tư số 51/2024/TT-BYT áp dụng đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được cấp giấy phép hoạt động theo hình thức bệnh viện và quy định về dịch vụ công tác xã hội trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, quy trình cung cấp dịch vụ công tác xã hội, nội dung kế hoạch can thiệp và đánh giá kế hoạch can thiệp. Cụ thể như sau:

Về dịch vụ công tác xã hội trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: Dịch vụ công tác xã hội trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh với người bệnh, thân nhân người bệnh (sau đây gọi chung là người bệnh) bao gồm một hoặc nhiều dịch vụ gồm:
Cung cấp dịch vụ trợ giúp khẩn cấp cho người bệnh: (i) Đánh giá nguy cơ, nhu cầu về tâm lý, xã hội để sàng lọc, phân loại người bệnh (lưu ý người bệnh là trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật, người bị rối loạn sức khỏe tâm thần, người cao tuổi là nạn nhân của bạo lực, bạo hành, xâm hại, thảm họa hoặc nghi ngờ là nạn nhân của bạo lực, bạo hành, xâm hại và các trường hợp cần hỗ trợ khẩn cấp khác); (ii) Phối hợp với các khoa, phòng, đơn vị và các cơ quan chức năng liên quan để hỗ trợ các vấn đề tâm lý, xã hội và đáp ứng nhu cầu khẩn cấp của người bệnh về chăm sóc y tế, tài chính, nước uống, thực phẩm, quần áo, đồ dùng thiết yếu phù hợp với tình hình thực tế của người bệnh và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; (iii) Trường hợp cần thiết thì chuyển gửi người bệnh tới các cơ sở y tế, giáo dục, cơ quan công an hoặc các cơ quan, tổ chức khác phù hợp với nhu cầu hỗ trợ của người bệnh.
Cung cấp các dịch vụ hướng dẫn, can thiệp và phục hồi cho người bệnh: (i) Tổ chức tiếp đón, tạo điều kiện tốt nhất cho người bệnh khi đến khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở, hướng đến sự hài lòng của người bệnh; (ii) Lập Hồ sơ Công tác xã hội (trong trường hợp cần thiết và phù hợp) theo quy định; (iii) Lập, triển khai kế hoạch can thiệp, trợ giúp người bệnh; (iv) Giám sát, đánh giá các hoạt động can thiệp theo quy định.
Truyền thông giáo dục sức khỏe: (i) Lập kế hoạch truyền thông giáo dục sức khỏe cho cộng đồng; (ii) Phối hợp với các khoa, phòng, đơn vị trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để lập kế hoạch truyền thông, giáo dục sức khỏe cho người bệnh; (iii) Phối hợp xây dựng nội dung, tài liệu để giới thiệu, quảng bá hình ảnh, các dịch vụ và hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đến người bệnh và cộng đồng thông qua tổ chức các hoạt động, chương trình, sự kiện, hội nghị, hội thảo, các kênh thông tin nội bộ và trên nền tảng số.
Tổ chức vận động nguồn lực thực hiện hoạt động công tác xã hội: (i) Làm đầu mối trong việc xây dựng kế hoạch vận động nguồn lực để thực hiện hoạt động công tác xã hội, bao gồm cả việc vận động nguồn lực hỗ trợ cho cá nhân người bệnh; (ii) Tổ chức vận động nguồn lực để thực hiện hoạt động công tác xã hội theo kế hoạch và quy định của pháp luật.
Về quy trình cung cấp dịch vụ công tác xã hội: Quy trình cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho người bệnh trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 110/2024/NĐ-CP ngày 30/8/2024 của Chính phủ về công tác xã hội bao gồm 05 bước: (i) Tiếp nhận, thu thập thông tin và đánh giá nhu cầu trợ giúp của đối tượng; (ii) Xây dựng kế hoạch trợ giúp đối với đối tượng; (ii) Thực hiện kế hoạch trợ giúp đối tượng; (iv) Theo dõi, rà soát, đánh giá và điều chỉnh kế hoạch trợ giúp; (v) Kết thúc quá trình trợ giúp và lưu trữ hồ sơ.
Nội dung cơ bản của kế hoạch can thiệp gồm một hoặc nhiều hoạt động sau đây: (i) Tư vấn, cung cấp thông tin, giới thiệu về dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh; chương trình, chính sách xã hội về khám bệnh, chữa bệnh, bảo hiểm y tế, trợ cấp xã hội và các chế độ chính sách khác có liên quan đến người bệnh và hỗ trợ giải đáp ý kiến thắc mắc của người bệnh trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh; (ii) Hỗ trợ tâm lý, xã hội cho người bệnh; thực hiện các kỹ thuật của công tác xã hội để hỗ trợ người bệnh.
Đánh giá việc thực hiện kế hoạch can thiệp, bảo đảm thường xuyên đánh giá trong quá trình thực hiện kế hoạch để nếu cần thiết thì điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp. Trường hợp đã thực hiện hết nội dung trong kế hoạch và đánh giá là người bệnh không còn nhu cầu tiếp tục hỗ trợ thì kết thúc kế hoạch và thực hiện lưu trữ Hồ sơ Công tác xã hội theo quy định cùng Hồ sơ bệnh án để quản lý người bệnh toàn diện. Trường hợp đã thực hiện hết nội dung trong kế hoạch và đánh giá là người bệnh còn nhu cầu hỗ trợ thì tùy theo nhu cầu hỗ trợ của người bệnh mà thực hiện việc lập kế hoạch can thiệp mới hoặc thực hiện việc chuyển gửi người bệnh đến cơ sở trợ giúp phù hợp.
Bên cạnh đó, Thông tư số 51/2024/TT-BYT còn quy định cụ thể trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong việc bố trí nguồn lực, bảo đảm triển khai mô hình công tác xã hội thông qua hình thức Tổ Công tác xã hội hoặc Phòng Công tác xã hội hoặc Trung tâm Công tác xã hội; việc bảo đảm đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức công tác xã hội cho người làm công tác xã hội; tổ chức việc thực hành công tác xã hội và cấp giấy chứng nhận cập nhật kiến thức công tác xã hội, giấy xác nhận thực hành công tác xã hội theo quy định của pháp luật cũng như trách nhiệm cụ thể của người làm công tác xã hội.
Thông tư số 51/2024/TT-BYT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2025, thay thế Thông tư số 43/2015/TT-BYT ngày 26/11/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về nhiệm vụ và hình thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác xã hội của bệnh viện. Thông tư được ban hành nhằm tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc triển khai thực hiện tốt hoạt động công tác xã hội của các cơ sở khám, chữa bệnh. Hoạt động công tác xã hội trong các bệnh viện đóng góp một phần quan trọng giúp nâng cao chất lượng của cơ sở khám, chữa bệnh, là cầu nối tình nghĩa giữa bệnh viện, y bác sĩ, nhân viên y tế của bệnh viện với người bệnh, thân nhân người bệnh,  giúp giải quyết nhiều vướng mắc tâm lý – xã hội của người bệnh cả về tinh thần và vật chất, góp phần mang đến cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế tốt hơn cho người bệnh./.
Lê Nguyên Thảo
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật