Những điểm mới tại Luật quy hoạch đô thị và nông thôn năm 2024

Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn số 47/2024/QH15 đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8, ngày 26/11/2024 với tỷ lệ tán thành cao (94,99%). Luật có hiệu lực thi hành ngày 01/7/2025 và thay thế Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn năm 2009.

Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn năm 2024 gồm 05 chương và 59 điều, đã bao quát cụ thể hoá 03 nội dung chính sách cơ bản là: (i) Hoàn thiện các quy định về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn; (ii) Hoàn thiện các quy định về lập, thẩm định, phê duyệt, rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn; (iii) Hoàn thiện các quy định về lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch, nguồn kinh phí và các quy định có liên quan khác nhằm nâng cao chất lượng, tính khả thi của quy hoạch đô thị và nông thôn, quyền được tiếp cận, cung cấp thông tin về quy hoạch đô thị và nông thôn.
Về nội dung trọng tâm và những điểm mới của Luật gồm 7 nội dung chính như sau:
Thứ nhất, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn năm 2024 quy định rõ hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn về loại, cấp độ quy hoạch gồm 05 loại và 03 cấp độ quy hoạch và các trường hợp phải lập quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết; giản lược tối đa các trường hợp lập quy hoạch và cấp độ quy hoạch phải lập như không yêu cầu lập riêng cấp độ quy hoạch phân khu đối với các đô thị vừa và nhỏ (loại III, IV, V); không yêu cầu lập quy hoạch chung khu chức năng không phải là khu kinh tế, khu du lịch quốc gia;…
Thứ hai, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn năm 2024 đã bổ sung yêu cầu, nguyên tắc về xử lý trong trường hợp có mâu thuẫn giữa các quy hoạch đô thị và nông thôn khi xem xét sự phù hợp của dự án cới quy hoạch đô thị và nông thôn để phù hợp giữa các loại, cấp độ quy hoạch, trong hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn; quy hoạch các nội dung phải có trong quy hoạch đô thị và nông thôn đối với từng cấp độ quy hoạch.
Thứ ba, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn năm 2024 đã đơn giản hóa trình tự, thủ tục trong lập, phê duyệt quy hoạch, quy định rõ thời gian tối thiểu (ít nhất là 20 ngày) và thời gian tối đa (không quá 30 ngày) lấy ý kiến cộng đồng bảo đảm minh bạch, khả thi, thuận lợi, đồng thời, vẫn đảm bảo đầy đủ về thực hiện dân chủ ở cơ sở (so với Luật quy định trước đây thời gian lấy ý kiến ít nhất là 15 ngày đối với cơ quan, 30 ngày đối với tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư).
Thứ tư, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn năm 2024 tăng cường phân cấp, phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn; việc phân cấp đảm bảo kế thừa, ổn định hệ thống pháp luật. Theo quy định tại Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, đối với quy hoạch chung đô thị loại II, III, IV và đô thị mới,... trước khi phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải lấy ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng, tuy nhiên Luật mới đã điều chỉnh Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chỉ cần thực hiện lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Xây dựng trước khi họp Hội đồng thẩm định với quy hoạch chung đô thị loại III trở lên, quy hoạch chung đô thị mới có quy mô dân số tương đương đô thị loại III trở lên. Đồng thời điều chỉnh tính chất của việc Bộ Xây dựng, cơ quan chuyên môn cho ý kiến tham gia tay vì cho ý kiến thống nhất để tăng tính chủ động khi địa phương thực hiện theo phân cấp phê duyệt.
Thứ Năm, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn năm 2024  đã bổ sung quy định chặt chẽ về điều kiện, yêu cầu đối với việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch như không làm thay đổi phạm vi, ranh giới, quy mô, tính chất, chức năng của khu vực điều chỉnh, không làm quá tải hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, quy chuẩn, tiêu chuẩn có liên quan... Phân biệt giữa “rà soát định kỳ” và “rà soát khi xuất hiện nhu cầu điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn trên cơ sở các điều kiện điều chỉnh” quy định tại Luật; cơ bản phải thực hiện rà soát trước khi thực hiện điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn, trừ trưởng hợp liên quan đến quy hoạch chi tiết gắn liền với dự án đầu tư xây dựng cụ thể quy định tại khoản 8 Điều 45 thì được điều chỉnh cục bộ mà không phải thực hiện rà soát.
Thứ sáu, thực hiện chủ trương đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật, nội dung Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn năm 2024 đã bảo đảm những vấn đề mang tính nguyên tắc trong công tác quy hoạch đô thị và nông thôn, bảo đảm tính ổn định và giá trị lâu dài, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt trong điều hành, nhất là những vấn đề mới, đang trong quá trình vận động, thực tiễn biến động thường xuyên...
Thứ bảy, bổ sung quy định rõ về nguồn kinh phí cho công tác quy hoạch, bảo đảm nguồn lực thực hiện quy hoạch; bổ sung quy định rõ điều kiện năng lực và trách nhiệm của tổ chức tư vấn trong công tác lập và tổ chức thực hiện quy hoạch; lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch; bổ sung các điều quy định về Hợp tác quốc tế...
Có thể thấy, Luật quy hoạch đô thị và nông thôn được sửa đổi, bổ sung mang lại hướng phát triển bền vững, đảm bảo tính đồng bộ, tăng cường quản lý nhà nước, tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho việc phát triển đô thị và nông thôn ở Việt Nam trong giai đoạn mới, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững./.
Vi Sa
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật