Một số nội dung cơ bản của Luật Địa chất và khoáng sản năm 2024

Luật Địa chất và khoáng sản năm 2024 (số 54/2024/QH15) được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8 vào ngày 29/11/2024 trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp, hiệu quả, bãi bỏ các quy định bất cập, vướng mắc của Luật Khoáng sản năm 2010, đồng thời sửa đổi, bổ sung các quy định cho phù hợp với thực tiễn.

Các chính sách được xây dựng thống nhất, xuyên suốt, trọng tâm tại Luật Địa chất và khoáng sản năm 2024 và tập trung vào tài nguyên địa chất, khoáng sản; điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản; thông tin, dữ liệu địa chất, khoáng sản; oàn thiện chính sách về bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản; chiến lược, quy hoạch địa chất, khoáng sản; hoàn thiện chính sách về khu vực khoáng sản; hoàn thiện chính sách trong quản lý hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản; hoàn thiện chính sách tài chính về địa chất và khoáng sản.
Theo đó, Luật Địa chất và khoáng sản đã quy định chi tiết nội dung và trách nhiệm của Nhà nước trong việc thực hiện điều tra cơ bản địa chất, bao gồm các nhiệm vụ quan trọng như điều tra, khoanh định, lập bản đồ các khu vực di chỉ địa chất, di sản địa chất, tài nguyên vị thế. Ngoài ra, luật còn mở rộng phạm vi điều tra địa chất môi trường, tai biến địa chất, địa chất công trình và địa chất đô thị, đồng thời bổ sung nội dung điều tra các điều kiện địa chất khác, như lập bản đồ không gian địa chất, không gian lòng đất, tài nguyên địa nhiệt và tài nguyên địa chất tái tạo. Quy định này cũng nêu rõ quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điều tra cơ bản địa chất, nhằm đảm bảo sự phối hợp hiệu quả và tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực này. Những nội dung trên không chỉ góp phần nâng cao năng lực quản lý nhà nước mà còn thúc đẩy việc sử dụng hợp lý và bền vững các tài nguyên địa chất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Để phù hợp với quan điểm "địa phương quyết, địa phương làm", tạo điều kiện cho địa phương chủ động trong quản lý và triển khai các hoạt động địa chất, khoáng sản, Luật đã quy định mở rộng nguồn kinh phí cho các hoạt động điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản và thăm dò khoáng sản, bao gồm cả ngân sách từ địa phương. Đặc biệt, luật dành riêng một điều khoản (Điều 49) quy định việc sử dụng vốn ngân sách Nhà nước cho việc thăm dò các loại khoáng sản chiến lược, quan trọng, cũng như các khoáng sản có giá trị kinh tế cao và nhu cầu sử dụng lớn. Quy định này không chỉ đảm bảo nguồn lực tài chính mà còn ưu tiên cho các hoạt động thăm dò mang tính chiến lược, góp phần quản lý hiệu quả và khai thác bền vững tài nguyên khoáng sản quốc gia.
Về phân nhóm khoáng sản, trên cơ sở công dụng và mục tiêu quản lý, khoáng sản được phân chia thành các nhóm I, II, III và IV. Việc phân nhóm khoáng sản như Luật quy định sẽ cho phép xác lập cách tiếp cận phù hợp từ khâu quy hoạch đến cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản, cho phép thu hồi khoáng sản, kiểm soát hoạt động khoáng sản, khoáng sản đóng cửa mỏ, từ đó quy định phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương, cải cách thủ tục hành chính phù hợp với từng nhóm khoáng sản. Bên cạnh đó, Luật đã bổ sung và làm rõ các hoạt động thu hồi khoáng sản, khai thác khoáng sản nhóm IV.
Về phân cấp quản lý, cắt giảm quy trình, thủ tục hành chính. Đối với phân cấp quản lý cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Luật Địa chất và khoáng sản đã có những thay đổi quan trọng trong quản lý và cấp phép hoạt động khoáng sản. Việc quản lý và cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản đối với nước khoáng thiên nhiên và nước nóng thiên nhiên được chuyển giao cho địa phương thay vì do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện như trước đây. Điều này nhằm đồng bộ với thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư cho các dự án xây dựng khu đô thị, khu nghỉ dưỡng sử dụng nước khoáng, nước nóng để ngâm tắm và chữa bệnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Luật cũng cho phép địa phương phê duyệt đề án, báo cáo kết quả điều tra cơ bản địa chất bằng nguồn vốn ngân sách địa phương, giúp các tỉnh, thành phố chủ động đánh giá điều kiện địa chất phục vụ quy hoạch không gian lòng đất và xây dựng công trình kiên cố. Đối với khoáng sản nhóm III (như cát, sỏi) và nhóm IV, luật quy định các địa phương sử dụng nguồn vốn ngân sách để đánh giá tiềm năng, tổ chức đấu giá quyền khai thác nhằm nâng cao hiệu lực và hiệu quả cấp phép hoạt động khoáng sản; cho phép quyết định việc thu hồi khoáng sản nhóm I, II trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, giúp phòng chống lãng phí tài nguyên; tăng cường kiểm soát và giám sát chặt chẽ mọi hoạt động khai thác, thu hồi khoáng sản trên địa bàn, đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả trong quản lý và sử dụng tài nguyên khoáng sản.
Đặc biệt, để cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, Luật Địa chất và khoáng sản năm 2024 đã bỏ một số quy trình, thủ tục hành chính như thủ tục hành đăng ký khảo sát thực địa để lập đề án thăm dò khoáng sản; quy trình, thủ tục hành chính về cấp phép thăm dò, công nhận trữ lượng khoáng sản nhóm IV (đối với các dự án quan trọng quốc gia, các dự án đầu tư công khẩn cập, chương trình mục tiêu quốc gia, dự án thi công công trình phòng chống thiên tai, không phải thực hiện thủ tục trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư, thẩm định và phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường, đăng ký môi trường); cho phép khai thác khoáng sản không phải có quy hoạch khoáng sản…
Bên cạnh đó, Luật còn quy định một số nội dung về ưu tiên tổ chức, cá nhân đang khai thác khoáng sản hợp pháp được thăm dò xuống sâu và mở rộng mà không phải đấu giá quyền khai thác khoáng sản để đánh giá đầy đủ, khống chế hết thân khoáng sản đối với loại khoáng sản đã được cấp giấy phép khai thác. Quy định rõ hoạt động thu hồi khoáng sản và khai thác khoáng sản, bao gồm: khu vực khai thác khoáng sản, diện tích khu vực thực hiện dự án đầu tư khai thác khoáng sản; các hoạt động thu hồi khoáng sản là hoạt động kết hợp nhằm lấy được khoáng sản trong quá trình thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình hoặc các hoạt động khác theo kế hoạch được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc chấp thuận… cần lưu ý rằng, việc thu hồi khoáng sản được thực hiện theo cơ chế khác so với khai thác khoáng sản. Quy định các trường hợp đặc thù cho phép khai thác khoáng sản không phải có Quy hoạch khoáng sản (khai thác khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ; thu hồi khoáng sản; khai thác tận thu khoáng sản).
Để triển khai thi hành Luật Địa chất và khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương được giao xây dựng, trình Chính phủ ban hành 02 Nghị định hướng dẫn thi hành, quy định chi tiết một số điều của Luật, đồng thời ban hành theo thẩm quyền 04 Thông tư của Bộ trưởng trong khoảng thời gian từ tháng 12/2024 đến tháng 5/2025./.
Mai Anh
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật