Quy định mới về hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Bảo hiểm xã hội tự nguyện được thực hiện từ ngày 01/01/2008 theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội số 71/2006/QH11 và được sửa đổi, bổ sung tại Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 và từ ngày 01/7/2025 trở đi là Luật Bảo hiểm xã hội số 41/2024/QH15. Trải qua các lần sửa đổi, bổ sung, chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện đã từng bước được hoàn thiện, quan tâm đến đối tượng người lao động không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhằm bảo đảm chế độ an sinh xã hội đến với mọi người dân

Việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện từ ngày 01/01/2018 đã tạo thêm động lực, khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, góp phần vào việc phát triển nhanh số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thời gian qua. Tính đến hết tháng 9/2024, tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là 1,993 triệu người, chiếm 4,23% lực lượng lao động trong độ tuổi[1], gấp 332,2 lần số người tham gia của năm 2008; 9,18 lần số người tham gia năm 2015.
Nhằm quy định chi tiết các quy định tại  Luật Bảo hiểm xã hội số 41/2024/QH15 về bảo hiểm xã hội tự nguyện, đồng thời tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 28-NQ/TWngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, ngày 25/6/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 159/2025/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện. Trong đó, tại Điều 5 Nghị định số 159/2025/NĐ-CP quy định cụ thể về mức hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện từ ngân sách nhà nước cho người dân. Đây là chính sách mang tính nhân văn sâu sắc, đồng thời thể hiện rõ nỗ lực cải cách, hoàn thiện hệ thống BHXH theo hướng đa tầng, linh hoạt, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng đóng góp của người dân, nhất là người lao động tự do.
Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
Khoản 4 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 quy định đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện bao gồm:
-  Công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và không phải là người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng;
- Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên, kể cả trường hợp người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên; cán bộ, công chức, viên chức đang tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận về việc đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong thời gian này.
          Mở rộng đối tượng hỗ trợ và tăng mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện
Theo Điều 5 Nghị định số 159/2025/NĐ-CP, Nhà nước thực hiện hỗ trợ một phần tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người dân theo tỷ lệ phần trăm căn cứ vào mức chuẩn hộ nghèo ở khu vực nông thôn, với các mức cụ thể như sau:
- 50% đối với người thuộc hộ nghèo hoặc người đang sinh sống tại xã đảo, đặc khu theo quy định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
- 40% đối với người thuộc hộ cận nghèo.
- 30% đối với người là dân tộc thiểu số.
- 20% đối với các đối tượng khác.
Nếu người tham gia đồng thời thuộc nhiều nhóm đối tượng hỗ trợ khác nhau thì sẽ được hưởng mức hỗ trợ cao nhất.
Thời gian hỗ trợ: Người dân được hỗ trợ theo thời gian thực tế tham gia BHXH tự nguyện nhưng không quá 10 năm (120 tháng).
Phương thức hỗ trợ
Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc đối tượng hỗ trợ nộp số tiền đóng bảo hiểm xã hội phần thuộc trách nhiệm đóng của mình cho cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc tổ chức dịch vụ thu bảo hiểm xã hội tự nguyện do cơ quan bảo hiểm xã hội ủy quyền.
Định kỳ 03 tháng, 06 tháng hoặc 12 tháng, cơ quan bảo hiểm xã hội tổng hợp số đối tượng được hỗ trợ, số tiền thu của đối tượng và số tiền, ngân sách nhà nước hỗ trợ theo mẫu do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành, gửi cơ quan tài chính để chuyển kinh phí vào quỹ bảo hiểm xã hội.
Cơ quan tài chính căn cứ quy định về phân cấp quản lý ngân sách của địa phương và bảng tổng hợp đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ do cơ quan Bảo hiểm xã hội chuyển đến, có trách nhiệm chuyển kinh phí vào quỹ bảo hiểm xã hội mỗi quý một lần; chậm nhất đến ngày 31 tháng 12 hẳng năm phải thực hiện xong việc chuyển kinh phí hỗ trợ vào quỹ bảo hiểm xã hội của năm đó.
Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đã đóng theo phương thức đóng 03 tháng hoặc 06 tháng hoặc 12 tháng một lần hoặc đóng một lần cho nhiều năm về sau mà trong thời gian đó có sự thay đổi về đối tượng được hỗ trợ hoặc thay đổi mức chuần hộ nghèo của khu vực nông thôn thì không điều chinh mức chênh lệch số tiền đã đóng.
Khuyến khích các cơ quan, tổ chức và cá nhân hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Nghị định số 159/2025/NĐ-CP quy định cho phép tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng cân đối ngân sách, kết hợp huy động các nguồn lực xã hội, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn ngoài mức hỗ trợ chung của theo quy định tại Nghị định. Quy định này tạo cơ chế linh hoạt, giúp các địa phương năng động hơn trong công tác an sinh, đồng thời thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh giữa các tỉnh trong việc chăm lo đời sống người dân.
Quy định về hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tại Nghị định số 159/2025/NĐ-CP là bước tiến quan trọng trong nỗ lực hoàn thiện hệ thống bảo hiểm xã hội toàn dân. Việc tăng mức hỗ trợ, mở rộng đối tượng thụ hưởng và linh hoạt cơ chế thực hiện thể hiện sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy chính sách an sinh – từ hỗ trợ thụ động sang chủ động, từ khuyến khích cá nhân sang huy động toàn xã hội cùng tham gia. Chính sách này không chỉ giúp hàng triệu người dân có cơ hội hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội (như hưu trí, thai sản, tử tuất) mà còn là minh chứng rõ ràng cho cam kết của Nhà nước trong việc bảo vệ quyền lợi an sinh xã hội cho mọi người dân Việt Nam, không để ai bị bỏ lại phía sau./.
Nguyễn Thị Tâm
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý
 

[1] Theo Thông cáo báo chí về tình hình lao động, việc làm quý III và 9 tháng năm 2024 (Biểu Thông cáo báo chí tình hình lao động, việc làm quý III và 9 tháng năm 2024 (.xlsx)), lực lượng lao động trong độ tuổi quý III năm 2024 là 47,08 triệu người.