Từ ngày 01/7/2025, tổ chức hệ thống Tòa án được thực hiện theo 3 cấp

Để thể chế hóa chủ trương của Đảng về không tổ chức cấp trung gian, không tổ chức cấp huyện trong hệ thống tòa án nhân dân, ngày 24/6/2025, Quốc hội khóa XV, tại Kỳ họp thứ 9, đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2025 và có một số nội dung đổi mới quan trọng so với Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014.

Theo đó, kết thúc hoạt động của Tòa án nhân dân cấp huyện và tổ chức hệ thống Tòa án được thực hiện theo 03 cấp, bao gồm Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân khu vực. Bên cạnh đó, Luật quy định không tổ chức Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt về phá sản, sở hữu trí tuệ, hành chính như một cấp Tòa án mà tổ chức thành các tòa chuyên trách tại một số Tòa án nhân dân khu vực tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Đồng thời thành lập Tòa án chuyên biệt tại Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.

Về nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các Tòa án nhân dân, Luật có sửa đổi, bổ sung một số nội dung như Tòa án nhân dân tối cao được bổ sung nhiệm vụ phúc thẩm các vụ án hình sự mà bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh bị kháng cáo, kháng nghị. Bổ sung các Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao, tăng số lượng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao từ 13 đến 17 người lên thành từ 23 đến 27 người và bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao.

Tòa án nhân dân cấp tỉnh được bổ sung nhiệm vụ phúc thẩm vụ án, vụ việc mà bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân khu vực chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của luật; Giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án nhân dân khu vực đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo quy định của luật; Kiểm tra bản án, quyết định của Tòa án nhân dân khu vực đã có hiệu lực pháp luật.

Tòa án nhân dân khu vực được đổi tên mục từ Tòa án nhân dân cấp huyện thành Tòa án nhân dân khu vực. theo đó, cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân khu vực bao gồm: Các Tòa chuyên trách (gồm Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Kinh tế, Tòa Hành chính, Tòa Gia đình và người chưa thành niên; Tòa Phá sản, Tòa Sở hữu trí tuệ tại một số Tòa án nhân dân khu vực) và bộ máy giúp việc. Căn cứ yêu cầu của thực tiễn xét xử ở mỗi Tòa án nhân dân khu vực, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định việc tổ chức của các Tòa chuyên trách.

Tòa án chuyên biệt được đổi tên mục từ “Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt” thành “Tòa án chuyên biệt”. Luật sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn, trình tự, thủ tục tố tụng giải quyết tranh chấp; tiếng nói, chữ viết dùng trong tố tụng, việc áp dụng pháp luật tại Tòa án chuyên biệt; Thẩm phán giải quyết tranh chấp và các nội dung khác có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Tòa án chuyên biệt do Quốc hội quy định. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập, giải thể và quy định về phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án chuyên biệt theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Về điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Luật bổ sung điều kiện người đang là Thẩm phán Tòa án nhân dân, có từ đủ 05 năm trở lên làm Vụ trưởng Vụ chuyên môn nghiệp vụ tại Tòa án nhân dân tối cao, số lượng đề nghị bổ nhiệm không quá 10% tổng số Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và được cấp có thẩm quyền chấp thuận.

Chế độ bầu Hội thẩm nhân dân được thực hiện đối với Hội thẩm tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân khu vực. Hội thẩm nhân dân thực hiện nhiệm vụ xét xử những vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân theo phân công của Chánh án Tòa án nơi được bầu làm Hội thẩm nhân dân.”

Trong công tác thi hành án dân sự, lần sửa đổi này, Luật đã quy định rõ các nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân. Trong đó Tòa án nhân dân tối cao có các nhiệm vụ, quyền hạn: Phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc ban hành văn bản pháp luật về thi hành án dân sự; yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự báo cáo kết quả thi hành bản án, quyết định trong trường hợp cần thiết; xem xét theo thủ tục tái thẩm quyết định miễn, giảm thi hành án theo quy định của luật; giải quyết yêu cầu, kiến nghị và chỉ đạo Tòa án các cấp giải quyết yêu cầu, kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự trong thời hạn theo quy định của pháp luật; chỉ đạo Tòa án các cấp phối hợp với các cơ quan liên quan trong thi hành án dân sự; phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc tổng kết công tác thi hành án dân sự.

Tòa án quân sự trung ương có nhiệm vụ, quyền hạn: Yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự báo cáo kết quả thi hành bản án, quyết định trong trường hợp cần thiết; trả lời kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự về việc xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị; xem xét theo thủ tục tái thẩm quyết định miễn, giảm thi hành án theo quy định của luật.

Tòa án nhân dân cấp tỉnh có nhiệm vụ, quyền hạn: Chuyển giao bản án, quyết định, tài liệu và vật chứng có liên quan cho cơ quan thi hành án dân sự; giải quyết kháng nghị về quyết định miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước; yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự báo cáo kết quả thi hành bản án, quyết định trong trường hợp cần thiết; trả lời kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự về việc xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị; giải quyết kiến nghị, yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự và theo dõi kết quả xử lý sau khi Tòa án trả lời; xem xét theo thủ tục tái thẩm quyết định miễn, giảm thi hành án theo quy định của luật.

Tòa án nhân dân khu vực và tương đương, Tòa án quân sự quân khu và tương đương có nhiệm vụ, quyền hạn: Chuyển giao bản án, quyết định, tài liệu và vật chứng có liên quan cho cơ quan thi hành án dân sự; xem xét, quyết định việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước; thụ lý và kịp thời giải quyết yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự, đương sự về việc xác định quyền sở hữu, phân chia tài sản hoặc giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu, sử dụng tài sản; hủy giấy tờ, giao dịch phát sinh trong quá trình thi hành án thuộc thẩm quyền của Tòa án; giải quyết kiến nghị, yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự và theo dõi kết quả xử lý sau khi Tòa án trả lời…
Hoàng Việt Hà
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý