Những điểm mới quan trọng của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự

Sau hơn 08 năm thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), cùng với sự vận động phức tạp của tình hình tội phạm, yêu cầu cải cách tư pháp, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền đã đặt ra đòi hỏi cấp thiết phải sửa đổi các quy định liên quan đến pháp luật hình sự. Ngày 25/6/2025, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015, có hiệu lực từ ngày 01/7/2025.

Luật sửa đổi lần này tập trung vào 39 điều luật và xuất phát từ yêu cầu thể chế hóa kịp thời chủ trương, định hướng mới của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, đặc biệt trong bối cảnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022[1] và Kết luận số 132-KL/TW ngày 18/3/2025[2] của Bộ Chính trị. Bên cạnh đó, việc sửa đổi còn nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong quá trình thực thi Bộ luật Hình sự hiện hành, đặc biệt là các quy định chưa rõ ràng, chưa phù hợp với thực tiễn tổ chức bộ máy, chưa đảm bảo hiệu quả răn đe và phòng ngừa tội phạm; đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn, nhất là đối với các loại tội phạm diễn biến phức tạp như: ma túy, môi trường, tham nhũng, hàng giả, an toàn thực phẩm. Luật có nhiều điểm mới đột phá trong chính sách hình sự

1. Bãi bỏ hình phạt tử hình đối với 08 tội danh – hướng tới chính sách hình sự nhân đạo

08 tội danh đã bãi bỏ hình phạt tử hình bao gồm: Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109); Tội gián điệp (Điều 110); Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 114); Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194); Tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250); Tội tham ô tài sản (Điều 353); Tội nhận hối lộ (Điều 354); Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 421).
Việc bãi bỏ hình phạt tử hình thể hiện rõ tư duy cải cách trong chính sách hình sự, nhất quán với chủ trương của Đảng và Nhà nước về giảm thiểu hình phạt tử hình, đồng thời thúc đẩy nguyên tắc nhân đạo, tôn trọng quyền sống, tạo điều kiện cho người phạm tội có cơ hội cải tạo, chuộc lại lỗi lầm.
Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả thu hồi tài sản trong các tội tham nhũng, Luật cũng quy định rõ chỉ những người đã tự nguyện nộp lại ít nhất 3/4 tài sản do phạm tội mà có và tích cực hợp tác với cơ quan chức năng thì mới được xem xét giảm thời hạn chấp hành án. Trường hợp không đáp ứng điều kiện này thì vẫn thi hành án chung thân vĩnh viễn.
2. Bổ sung tội danh “Sử dụng trái phép chất ma túy” (Điều 256a)
Đây là điểm mới đặc biệt quan trọng, xuất phát từ thực tiễn cai nghiện, phòng chống tái nghiện và đấu tranh với hành vi sử dụng ma túy - vốn là nguyên nhân gốc rễ dẫn đến các loại tội phạm khác. Việc hình sự hóa hành vi sử dụng trái phép chất ma túy được đặt trong bối cảnh công tác cai nghiện tự nguyện và bắt buộc còn nhiều khó khăn, số người tái nghiện cao, trong khi chính quyền địa phương và lực lượng chức năng thiếu chế tài đủ mạnh để ngăn chặn.
Tuy nhiên, quy định này cũng đặt ra yêu cầu phải triển khai đồng bộ các giải pháp về y tế, xã hội và pháp lý, tránh hình sự hóa thái quá, gây quá tải cho hệ thống tư pháp hình sự.
3. Tăng mức phạt tiền và hình phạt tù ở nhiều tội danh trọng điểm
Việc tăng gấp đôi mức phạt tiền đối với 24 tội danh, chủ yếu trong lĩnh vực hàng giả, môi trường, an toàn thực phẩm và tham nhũng là một bước đi thể hiện tinh thần mạnh mẽ trong việc nâng cao tính răn đe, đặc biệt khi mức phạt hiện hành được đánh giá là thấp so với mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội và so với thu nhập bình quân của người dân hiện nay.
Cùng với đó, Luật cũng tăng mức hình phạt tù tại 8 điều luật trong các nhóm tội về môi trường, ma túy, an toàn thực phẩm nhằm nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật và đảm bảo xử lý nghiêm minh đối với các hành vi gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, tính mạng và môi trường sống của cộng đồng.
4. Điều chỉnh tiêu chí định khung hình phạt trong tội gây ô nhiễm môi trường
Luật sửa đổi đã điều chỉnh ngưỡng thông số kỹ thuật môi trường vượt chuẩn dùng làm căn cứ xử lý hình sự tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 235) theo hướng hạ thấp. Điều này giúp loại bỏ khoảng trống pháp lý khi mà nhiều hành vi gây ô nhiễm nghiêm trọng nhưng chưa đủ ngưỡng để bị xử lý hình sự, chỉ bị xử phạt hành chính. Sự thay đổi này được kỳ vọng góp phần nâng cao tính chủ động trong bảo vệ môi trường, thúc đẩy doanh nghiệp và cá nhân tuân thủ nghiêm túc các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bảo vệ môi trường.
5. Cập nhật danh mục chất ma túy trong các cấu thành tội phạm
Luật đã bổ sung KetamineFentanyl – hai loại ma túy tổng hợp nguy hiểm, đang bị lạm dụng với tốc độ gia tăng nhanh – vào cấu thành 05 tội phạm về ma túy. Đây là phản ứng chính sách kịp thời nhằm nâng cao khả năng nhận diện và xử lý các hành vi liên quan đến ma túy tổng hợp, đồng thời bảo đảm tính đồng bộ với danh mục chất ma túy do Chính phủ ban hành.

6. Ngoài ra, Luật sửa đổi còn có một số điểm mới trong quy định chuyển tiếp và áp dụng pháp luật hình sự.

Đối với các luật có liên quan, Luật sửa đổi năm 2025 cũng quy định rõ ràng và nhân văn về hiệu lực thi hành và xử lý chuyển tiếp, phù hợp với nguyên tắc có lợi cho người phạm tội trong luật hình sự hiện đại cũng như thống nhất với cơ cấu, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Theo đó, trường hợp người phạm tội đã bị kết án tử hình nhưng chưa thi hành án, nếu rơi vào một trong các nhóm tội danh được khôi phục hoặc sửa đổi, sẽ được chuyển hình phạt tử hình thành chung thân, đồng thời được xem xét giảm án nếu đáp ứng điều kiện về khắc phục hậu quả. Trường hợp hành vi phạm tội xảy ra trước ngày 01/7/2025 nhưng bị phát hiện, điều tra, truy tố sau thời điểm đó, sẽ áp dụng quy định có lợi của luật mới.

Luật cũng giao Tòa án nhân dân tối cao phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức rà soát toàn bộ các trường hợp có thể điều chỉnh hình phạt để thực hiện đúng theo luật mới.
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự là một bước tiến cần thiết nhằm hoàn thiện chính sách hình sự trong bối cảnh mới. Những nội dung sửa đổi thể hiện rõ tinh thần nghiêm minh nhưng nhân đạo: tăng cường răn đe với các loại tội phạm nghiêm trọng, đồng thời mở rộng cơ hội cải tạo, khắc phục hậu quả và giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội. Đặc biệt, việc bãi bỏ hình phạt tử hình đối với 08 tội danh cho thấy sự thay đổi quan điểm hình sự theo hướng tiến bộ, tôn trọng quyền sống và phù hợp với thông lệ quốc tế. Những điều chỉnh về mức phạt, cấu thành tội phạm, điều kiện miễn – giảm án... đều góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật hình sự và bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và cá nhân. Với những điều chỉnh quan trọng, toàn diện và phù hợp với yêu cầu thực tiễn, Luật sửa đổi năm 2025 kỳ vọng sẽ tạo ra bước chuyển biến tích cực trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, góp phần giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội và xây dựng nền tư pháp vì nhân dân.
Mai Anh
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý
 

[1] Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới
[2] Kết luận số 132-KL/TW ngày 18/3/2025 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy