Tại cuộc họp, đại diện Ngân hàng Phát triển Việt Nam, thành viên Ban soạn thảo, đã trình bày các nội dung cơ bản của Nghị định tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của nhà nước. Theo đó, đối tượng cho vay là các dự án đầu tư trong nước thuộc Danh mục các dự án do Chính phủ quy định cho từng thời kỳ, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế. Mức vốn cho vay tối đa đối với mỗi dự án bằng 70% tổng mức vốn đầu tư của dự án đó (không bao gồm vốn lưu động). Thời hạn cho vay được xác định theo khả năng thu hồi vốn của dự án và khả năng trả nợ, phù hợp với đặc điểm sản xuất, kinh doanh của dự án nhưng không quá 12 năm. Đối với một số dự án đặc thù như dự án nhóm A, dự án trồng cây thông, cây cao su cần có thời gian dài hơn 12 năm mới đủ điều kiện thực hiện thì thời hạn cho vay tối đa sẽ là 15 năm.
Dự thảo Nghị định quy định các hình thức cho vay xuất khẩu cụ thể là: cho nhà xuất khẩu vay gồm cho vay trước khi giao hàng và cho vay sau khi giao hàng; cho nhà nhập khẩu vay. Thời hạn cho vay xác định theo khả năng thu hồi vốn phù hợp với đặc điểm của từng hợp đồng xuất khẩu và khả năng trả nợ của nhà xuất khẩu hoặc nhà nhập khẩu nhưng không quá 12 tháng. Lãi suất cho vay tín dụng xuất khẩu bằng lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm cộng thêm số tỷ lệ phần trăm nhất định để đảm bảo lãi suất cho vay tín dụng xuất khẩu phù hợp với lãi suất thị trường. Đối tượng bảo lãnh là nhà xuất khẩu có hợp đồng xuất khẩu hàng hóa thuộc Danh mục mặt hàng vay vốn tín dụng xuất khẩu, nhưng không vay tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Tất cả các hoạt động tín dụng đầu tư phát triển, tín dụng xuất khẩu theo quy định của Nghị định này đều phải chịu sự thanh tra, kiểm tra của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Trong từng trường hợp cụ thể, việc thanh tra, kiểm tra có thể thực hiện ở từng khâu hoặc ở tất cả các khâu của quá trình đầu tư xây dựng, sản xuất - kinh doanh và hoàn trả vốn vay.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng trực tiếp tham gia đóng góp vào từng điều khoản trong dự thảo Nghị định. Trong quá trình rà soát xem xét từng điều, Phó Thủ tướng lưu ý cần kiểm tra, đối chiếu kỹ danh mục các dự án, chương trình vay vốn tín dụng đầu tư phát triển giai đoạn 2006 - 2010, trong đó đặc biệt chú ý các chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư đối với các dự án tại các khu vực kinh tế khó khăn như miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tập trung và các xã thuộc chương trình 135; các dự án trồng rừng nguyên liệu, cây công nghiệp tập trung, dự án đầu tư chế biến nông lâm sản gắn với vùng nguyên liệu. Phó Thủ tướng yêu cầu các nội dung cụ thể nêu trong dự thảo Nghị định về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu cần được quy định rõ các điều kiện liên quan để đảm bảo tính khả thi cao trong tổ chức thực hiện, đồng thời tăng cường tính lành mạnh hóa, công khai, minh bạch về tài chính.
(Theo website Chính phủ)