Tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của Hội Luật gia Việt Nam trong triển khai các chương trình, Đề án nhằm tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân, doanh nghiệp
Ngày 13/9/2024, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), Bộ Tư pháp đã tổ chức buổi làm việc nắm bắt tình hình thực hiện các chương trình, đề án về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” tại Trung ương Hội Luật gia Việt Nam.
Đồng chí Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp chủ trì buổi làm việc. Về phía Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, tham dự buổi làm việc có đồng chí Dương Đình Khuyến, Phó Tổng Thư ký, Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tư vấn Pháp luật và trợ giúp pháp lý; đồng chí Nguyễn Văn Huệ, Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật và đại diện một số ban, đơn vị, Trung tâm tư vấn pháp luật trực thuộc Trung ương Hội Luật gia Việt Nam[1].
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Ngô Quỳnh Hoa nhấn mạnh, tại Quyết định số 977/QĐ-TTg ngày 11/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” (Đề án 977), Quyết định số 345/QĐ-TTg ngày 05/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030” (Đề án 345) và Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 19/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025” (Chương trình 81) đã giao nhiều nhiệm vụ cho Trung ương Hội Luật gia Việt Nam. Buổi làm việc được tổ chức nhằm trao đổi, thống nhất, thúc đẩy việc triển khai các nhiệm vụ, hoạt động đã được xác định tại các chương trình, đề án, đồng thời ghi nhận các khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị của Trung ương Hội Luật gia Việt Nam trong quá trình triển khai Đề án.
Đại diện Ban Nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật cho biết: Thực hiện Đề án 977, Trung ương Hội Luật gia Việt Nam đã chỉ đạo thực hiện Đề án tới các cấp Hội thông qua Kế hoạch công tác của Hội hằng năm, trong đó có công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL). Với vị trí là tổ chức thành viên của Mặt trận và là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, trên cơ sở các nhiệm vụ, giải pháp được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì/phối hợp tại Đề án 977, Hội Luật gia đã lồng ghép nội dung triển khai Đề án 977 vào Kế hoạch triển khai công tác PBGDPL hằng năm, từ năm 2023 đến nay, Hội Luật gia Việt Nam đã chủ động tổ chức triển khai Đề án thông qua nhiều hoạt động thiết thực như tham gia vào công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật liên quan đến bảo đảm, hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật (chủ trì xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Trọng tài thương mại; góp ý dự án Luật Luật sư (thay thế); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật Công chứng (sửa đổi), Luật giám định tư pháp; tham gia tích cực vào các hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật…). Hội Luật gia Việt Nam đã tích cực tổ chức các Hội thảo khoa học, tọa đàm, hội nghị góp ý, phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, liên quan đến quyền lợi ích hợp pháp của người dân như Luật Đất đai, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Nhà ở, Luật Căn cước công dân…; tích cực tham gia vào hoạt động thẩm định, thẩm tra, chỉnh lý các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo đề nghị của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; đồng thời tham gia hiệu quả hoạt đông khảo sát, tổng kết, đánh giá việc thi hành pháp luật, rà soát, tổng hợp những vướng mắc, kiến nghị xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật… Các cấp Hội đã tổ chức các hoạt động PBGDPL cho người dân với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như tổ chức các cuộc thi, hội thi, biên soạn tài liệu hỏi đáp pháp luật, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục PBGDPL trên các báo, tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, tổ chức trưng bày, triển lãm, treo băng rôn, panô, phát tờ rơi, tờ gấp, tổ chức các hội nghị phổ biến trực tiếp. Hiện nay, Hội Luật gia Việt Nam đang vận hành chuyên mục “Nghiên cứu, xây dựng & phổ biến pháp luật” trên trang Tạp chí Pháp lý điện tử và đang xây dựng Fanpage “Hội Luật gia Việt Nam - Phổ biến, giáo dục pháp luật”. Bên cạnh đó, trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, Trung ương Hội Luật gia Việt Nam đã chủ động kiện toàn đội ngũ cán bộ và hội viên làm công tác PBGDPL, tư vấn, trợ giúp pháp lý của Hội Luật gia các cấp thông qua việc tổ chức các Hội nghị tập huấn nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng cho cán bộ, hội viên…
Đối với việc thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý do doanh nghiệp, đại diện Ban Tư vấn Pháp luật và trợ giúp pháp lý thông tin: Hiện nay Trung ương Hội Luật gia Việt Nam có 10 Trung tâm tư vấn pháp luật, cấp tỉnh có 68 Trung tâm tư vấn pháp luật và cấp huyện có 35 trung tâm tư vấn pháp luật. Toàn hệ thống tư vấn pháp luật từ Trung ương đến địa phương có khoảng trên 1.100 người, trong đó có với 700 tư vấn viên, 200 cộng tác viên tư vấn pháp luật và 200 luật sư. Các Trung tâm tư vấn pháp luật trực thuộc Trung ương Hội và các Trung ương tư vấn pháp luật trực thuộc các cấp Hội trong cả nước đã tích cực tham gia công tác tư vấn pháp luật của người dân và doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Để thực Đề án 345 và Chương trình 81, Hội Luật gia Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 154/HLGVN ngày 19/5/2023 về việc thực hiện Chương trình, Đề án nêu trên; thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Thư ký thực hiện Đề án 345 để thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội Luật gia Việt Nam tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Đề án 345; tham gia Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các Trung tâm Tư vấn pháp luật trực thuộc Trung ương Hội Luật gia Việt Nam đã thực hiện tư vấn pháp luật cho hằng trăm doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị chia sẻ, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, các đơn vị trực thuộc Trung ương Hội và Hội Luật gia các cấp gặp một số khó khăn, hạn chế trong quá trình tổ chức triển khai các chương trình, đề án, trong đó chia sẻ khó khăn lớn nhất là do nguồn kinh phí hạn hẹp dẫn đến ảnh hưởng đến việc triển khai các nhiệm vụ, hoạt động. Trên cơ sở đó, các đại biểu cũng đề xuất, kiến nghị Bộ Tư pháp nói chung, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật nói riêng trong thời gian tới tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ Hội Luật gia Việt Nam trong triển khai công tác PBGDPL, nhất là việc triển khai các chương trình, đề án về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân. Trong đó tập trung vào việc tăng cường đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện Đề án, có giải pháp nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, các cơ quan, tổ chức phối hợp; nghiên cứu xây dựng cơ chế để bảo đảm nguồn lực cho việc triển khai thực hiện các Đề án ở một số địa phương, cơ quan, tổ chức; hỗ trợ Hội Luật gia Việt Nam trong tổ chức thực hiện một số nhiệm của Đề án “Phát huy vai trò của Hội Luật gia các cấp trong công tác PBGDPL giai đoạn 2024 - 2030”, tăng cường đào tạo và nâng cao năng lực cho đội ngũ luật gia, hội viên, tư vấn viên pháp luật về kiến thức, kỹ năng, qua đó nhằm nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật của người dân; quan tâm hỗ trợ Trung ương Hội Luật gia tổ chức các diễn đàn, hội nghị, hội thảo, xây dựng các tài liệu…
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Ngô Quỳnh Hoa – Phó Cục trưởng Cục PBGDPL, Bộ Tư pháp đánh giá cao nỗ lực, sự cống hiến và chia sẻ khó khăn trong triển khai công tác PBGDPL, các chương trình, đề án về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân của đội ngũ cán bộ, hội viên Hội Luật gia Việt Nam các cấp thời gian qua. Đồng chí đề nghị trong thời gian tới, Trung ương Hội Luật gia Việt Nam cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời trong thời gian tới cần chú trọng việc ban hành Kế hoạch (có thể ban hành riêng hoặc lồng ghép), trong đó xác định cụ thể các nhiệm vụ được giao để tạo cơ sở triển khai cũng như đánh giá, giám sát; quan tâm xây dựng, triển khai các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác PBGDPL, chú trọng việc khảo sát, đánh giá nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân, doanh nghiệp, hội viên. Đặc biệt tăng cường huy động nguồn lực xã hội hoá, phát huy vai trò, trách nhiệm xã hội của đội ngũ luật gia, tư vấn viên pháp luật trong triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân, doanh nghiệp./.
Lê Nguyên Thảo
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật
[1] Gồm: Ban Tư vấn Pháp luật và trợ giúp pháp lý, Ban Nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật, Tạp chí Đời sống và Pháp luật, Tạp chí Pháp lý, Trung tâm tư vấn pháp luật và hỗ trợ cộng đồng, Trung tâm tư vấn pháp luật cho người nghèo và phát triển cộng đồng, Trung tâm tư vấn pháp luật và chính sách về y tế HIV/AIDS, Trung tâm thông tin tư vấn pháp luật Việt – Trung – ASEAN, Viện Nghiên cứu Pháp luật và kinh tế ASEAN