Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2024: TP. Hà Nội tổ chức Vòng Chung khảo Cuộc thi “Tuyên truyền viên pháp luật giỏi cho người khiếm thị trên địa bàn thành phố Hà Nội”

Hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2024, nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về quyền của người khuyết tật cũng như tăng cường hiểu biết pháp luật cho người khuyết tật nói chung, người khiếm thị nói riêng, năm 2024, Hội Người mù thành phố Hà Nội phối hợp với Sở Tư pháp thành phố Hà Nội tổ chức Cuộc thi “Tuyên truyền viên pháp luật giỏi cho người khiếm thị trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Vòng Sơ khảo của Cuộc thi đã được tổ chức ngày 17/10/2024 với sự tham dự của 05 đội thi đại diện cho 05 cụm thi đua thuộc Hội Người mù thành phố Hà Nội . Căn cứ kết quả Vòng Sơ khảo, vào sáng ngày 08/11/2024, Vòng Chung khảo của Cuộc thi đã được tổ chức thành công với sự tham dự của 03 đội thi xuất sắc gồm: cụm 2, cụm 4 và cụm 5. Đồng chí Lê Vệ Quốc - Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp; đồng chí Phạm Thị Thanh Hương - Phó Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Hà Nội, bà Đinh Việt Anh - Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam, Lãnh đạo Hội Người mù thành phố Hà Nội tham dự Vòng Chung khảo Cuộc thi.

Phát biểu tại Vòng Chung khảo Cuộc thi, đồng chí Lê Vệ Quốc - Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp bày tỏ sự vui mừng và xúc động khi đến tham dự Cuộc thi, được chứng kiến sự tự tin, bản lĩnh và đặc biệt là tinh thần nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật của các thí sinh. Đồng chí khẳng định, đây là sự kiện đặc biệt nhằm hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2024 bởi đối tượng tham gia dự thi và các khán giả tham gia cổ vũ Cuộc thi hết sức đặc biệt. Họ là người khuyết tật, người khiếm thị - những người gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thông tin, trong đó có thông tin pháp luật. Có thể nói, đây là lần đầu tiên một cuộc thi sân khấu hoá về pháp luật được tổ chức dành cho người khuyết tật, người khiếm thị.

Đồng chí cũng khẳng định, việc phối hợp tổ chức Cuộc thi giữa Sở Tư pháp và Hội Người mù thành phố Hà Nội thể hiện sự quan tâm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho người khuyết tật nói riêng, trong đó có người khiếm thị. Đây là việc làm thiết thực, cụ thể, thể hiện tinh thần, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, của các tổ chức đoàn thể, tổ chức đại diện cho các đối tượng đặc thù trong việc góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật của nhóm đối tượng này, thực hiện mục tiêu “Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đồng chí cũng đề nghị Sở Tư pháp thành phố Hà Nội quan tâm, nhân rộng mô hình này trên toàn địa bàn thành phố trong thời gian tới.

Tại Vòng Chung khảo, các đội thi sẽ tham gia 04 phần thi gồm thi giới thiệu, thi trắc nghiệm, thi tình huống và thi hùng biện. Sau phần thi hùng biện, thí sinh sẽ trả lời câu hỏi trực tiếp của Ban Giám khảo. Nội dung thi tập trung vào Luật Người Khuyết tật, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Thủ đô…Kết quả Vòng Chung khảo, Ban Tổ chức đã trao giải Nhất cho Đội 4 Rèn (cụm thi đua số 4, gồm: Hội Người mù các huyện: Chương Mỹ, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Thanh Oai, Thường Tín, Ứng Hòa). Giải Nhì thuộc về đội 2 Vượt (cụm 2, gồm: Hội Người mù các quận: Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Thanh Xuân). Giải Ba thuộc về đội 5 Phấn đấu (cụm 5, gồm: Hội Người mù các huyện: Ba Vì, Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ, Quốc Oai, Thạch Thất, thị xã Sơn Tây). Bên cạnh đó, Ban Tổ chức cũng trao giải Khuyến khích và giải “Đội thi được bình chọn yêu thích nhất” cho đội “Cầu vồng” (cụm 3, gồm Hội Người mù các huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh, Sóc Sơn, Thanh Trì); giải Khuyến khích và giải “Đội thi xây dựng nội dung kịch bản ấn tượng” cho đội thi (cụm 1, gồm: Hội Người mù các quận: Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên)./.

Lê Nguyên Thảo
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật