Đó là thông tin từ ông Vũ Mão, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, khi trao đổi với báo giới sáng nay (6/11).
Ngày mai, dự kiến Việt Nam sẽ chính thức được kết nạp vào WTO. Ông nói gì về sự kiện này?
Đây là sự kiện và không chỉ tôi mà nhiều ý kiến khác đánh giá là rất đáng quý.
Hôm họp Ủy ban Đối ngoại ngày 3/11 vừa qua, có đồng chí cho rằng nếu có ý kiến không đồng ý thì có được kết nạp không? Tức là không nên nói là 100% đồng ý gia nhập, nhưng mà 99,5% thì có thể nói được. Bởi vì hiện nay, nếu đòi hỏi có ngay một báo cáo đầy đủ, hoàn chỉnh theo đúng các nguyên tắc, thủ tục trình Quốc hội xem xét thì rất khó. Vấn đề là vì lợi ích chung của quốc gia, của đất nước, các cơ quan cần có sự thông cảm với nhau, cùng nhau dồn sức mà làm.
Còn ngày mai, chúng ta tin là lễ kết nạp sẽ diễn ra suôn sẻ, tốt đẹp.
Còn theo quy định, tiến trình thủ tục của chúng ta thì vào khoảng cuối tháng 11 Quốc hội sẽ nghe về nội dung này, thảo luận và xem xét thông qua. Có ý kiến đặt vấn đề là nếu Quốc hội không thông qua thì sao? Quốc hội có quyền chứ. Vấn đề là Chính phủ, đặc biệt là các thành viên đoàn đàm phán phải làm sao để trả lời hết được các câu hỏi của đại biểu Quốc hội.
Có ý kiến cho rằng đương nhiên là Quốc hội sẽ thông qua. Có thể là Quốc hội sẽ thông qua nhưng đâu thể đơn giản được. Vì từng đại biểu Quốc hội là thay mặt cho nhân dân, nói lên tiếng nói, nguyện vọng của nhân dân. Thế nhân dân đã hiểu chúng ta gia nhập WTO thì chúng ta được lợi cái gì, chúng ta mất mát cái gì, chúng ta phải làm cái gì; thậm chí WTO là thế nào, gồm những nội dung gì? Dân chúng ta đã biết nhiều đâu. Tôi cho đó là một thiếu sót, là khuyết điểm.
Không phải tôi đề cao quá các cơ quan thông tin, tuyên truyền báo chí đâu, nhưng lúc nào tôi cũng nói là những cái gì thuộc bí mật quốc gia thì không nói, nhưng những cái gì cần phải cho nhân dân biết thì phải thông tin. Thậm chí những doanh nghiệp liên quan đến những nội dung mà chúng ta cam kết khi gia nhập WTO sẽ chịu tác động như thế nào, họ được cái gì và họ mất cái gì, tính cạnh tranh khốc liệt như thế nào? Những thông tin đó phải nói rõ cho họ biết.
Trong phiên họp tối 3/11 vừa qua, Ủy ban Đối ngoại có yêu cầu gì với Chính phủ về các nội dung cần thẩm tra không, thưa ông?
Như tôi đã nói là Chính phủ chưa có tờ trình. Nhưng trong quá trình theo dõi, nghiên cứu, giám sát tất nhiên là cũng đặt ra hàng loạt vấn đề. Ví dụ như phải báo cáo rõ những nội dung của nghị định thư, trong đó quan trọng nhất là sự tác động đến nền kinh tế của chúng ta như thế nào; thực chất đây là vấn đề kinh tế nên sẽ tác động đến những doanh nghiệp nào?
Có một ý kiến mà tôi cho là rất hay khi nói rằng ở đây là một sự thách thức đối với Nhà nước. Doanh nghiệp làm ăn được hay không là do cơ chế chính sách của Nhà nước, thế thì những thách thức đó chính là thách thức đối với Nhà nước. Nhà nước ở đây bao gồm cả cơ quan lập pháp là Quốc hội, cả Chính phủ, các bộ, các ngành và các địa phương nữa.
Trước đây mình chỉ biết mình thôi, bây giờ minh tham gia một môi trường chung của thế giới này thì chính các địa phương, các đồng chí lãnh đạo các địa phương cũng phải nâng tầm lên. Tất nhiên là phải tạo điều kiện để các đồng chí tiếp xúc, nghiên cứu thông tin, có thêm hiểu biết thì mới chỉ đạo địa phương được.
Về mặt nào đó, việc chúng ta gia nhập WTO có tác động rất là mạnh mẽ, sâu sắc đến đời sống kinh tế, xã hội, đến tất cả các mặt. Vì dụ như bây giờ nông dân chúng ta chiếm trên 70%, là một lực lượng rất lớn. Khi vào WTO, vấn đề công ăn việc làm sẽ thế nào, người nông dân sẽ sống ra sao, nông nghiệp của chúng ta sẽ như thế nào? Với những vấn đề như thế, chúng ta phải có một chiến lược, một hệ thống chính sách.
Bài học lâu nay ở nước ta và các nước trên thế giới vẫn là bài học kinh tế phát triển nhưng phải đi đôi với việc giải quyết các vấn đề xã hội. Nếu nó vênh ở chỗ này thì sự phát triển của đất nước đến một mức độ nào đó sẽ chững lại và có những nguy cơ khác. Cho nên tôi cho rằng chúng ta đã có nhận thức, quan tâm đến các vấn đề xã hội, đến quyền của người dân, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết. Đây là một thách thức đối với chúng ta trong việc gia nhập WTO.
Ngày mai chúng ta chính thức gia nhập WTO. Đến cuối tháng 11 Quốc hội mới xem xét vấn đề này. Như thế có muộn quá không?
Không muộn chút nào cả. Bởi vì cả một quá trình chuẩn bị như vậy, vì các đại diện của Chính phủ, đoàn đàm phán phải tham dự và được kết nạp chính thức thì mới có danh nghĩa để báo cáo với Quốc hội.
Bây giờ còn phải hoàn thiện các văn bản, mà văn bản còn rất nhiều, hàng trăm trang như vậy phải dịch sang tiếng Việt, không đơn giản vì phải dịch sao cho chuẩn và phải mất thời gian, đâu phải ngày một ngay hai được.
Rồi trong quá trình đó còn phải hoàn thiện văn bản báo cáo. Nếu theo Hiến pháp thì Chủ tịch nước có quyền phê chuẩn. Nhưng Chủ tịch nước thấy vấn đề hệ trọng thì trình ra Quốc hội. Thủ tục là Chính phủ phải trình Chủ tịch nước, Chủ tịch nước lại trình trước Quốc hội. Nội dung của tờ trình đó phải làm sao đầy đủ, để các đại biểu nắm được đầy đủ thông tin, rồi Ủy ban Đối ngoại phải có thời gian để thẩm tra.
Hiện chưa có tài liệu, văn bản trong tay để thẩm tra, mà muốn có báo cáo thẩm tra có chất lượng thì tất nhiên chúng tôi phải chuẩn bị khá kỹ rồi, trên nền văn bản chính thức là tờ trình của Chính phủ và tờ trình của Chủ tịch nước.
Trước đây có ý kiến cho rằng sau ngày 7/11 chúng ta kết nạp thì ngày 8 hoặc 9/11 sau đó Quốc hội phê duyệt đi. Tôi có ý kiến ngay là không được, không thể làm được. Mà việc chúng ta làm ở đây là coi trọng chất lượng chứ không phải chạy theo thời điểm. Rất mừng là hôm đó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng thấy điều đó là hợp lý và kết luận của đồng chí Chủ tịch Quốc hội cũng như vậy cho nên chúng ta mới xếp thời điểm đó là vào cuối kỳ họp này, như vậy cũng là rất gấp rồi.
Vậy khi nào thì Chính phủ sẽ chính thức báo cáo để Ủy ban Đối ngoại thẩm tra và khi nào thì nhóm họp để thẩm tra?
Theo thông tin từ Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển thì 15/11 này thì sẽ có văn bản. Đó là văn bản thôi, nhưng để thành một hệ thống văn bản chính thức trình Quốc hội thì theo tôi còn khó.
Theo quy định, 20 ngày trước các kỳ họp Quốc hội phải có các văn bản về nội dung của kỳ họp đó thì mới thông qua chương trình được. Nhưng đến 15/11 này mới có hệ thống văn bản về việc gia nhập WTO, nhưng hệ thống đó đã đầy đủ chưa, hoàn chỉnh chưa để Ủy ban Đối ngoại thẩm tra không phải là đơn giản. Nhưng vì lợi ích chung của đất nước, vì tiến độ chung cho nên sẽ phải làm ngày, làm đêm thôi để chúng ta sớm có được những văn bản đó.
Cuộc họp tối 3/11 vừa qua không phải là chính thức thẩm tra mà chúng tôi dự kiến là vào khoảng tối 22/11 tới, sau khi chúng ta tổ chức xong Hội nghị cấp cao APEC, và dự kiến 28 hoặc 29/11 là phải trình Quốc hội rồi. Vì vậy thời gian rất gấp, và chúng tôi coi đó là một thách thức đối với mình vì yêu cầu đặt ra là phải thẩm tra sao cho chất lượng.
Vào WTO, hệ thống hàng rào kỹ thuật của mình còn khá "lúng túng". Ông thấy nhận xét này như thế nào?
Nói lúng túng là một cách nói, nhưng tôi không muốn dùng từ “lúng túng”. Hàng rào kỹ thuật là một vấn đề quan trọng nhưng còn rất nhiều vấn đề khác. Tôi hiểu là Chính phủ sẽ có một chương trình hành động để mà triển khai việc thực hiện những cam kết khi chúng ta vào WTO.
Chúng tôi và nhiều ý kiến khác đều cho rằng việc gia nhập WTO là rất quý, quan trọng. Nhưng cái quan trọng hơn là sau khi chúng ta gia nhập rồi thì phải làm gì, triển khai ra sao? Ngay như với Quốc hội, cơ quan lập pháp thì việc xây dựng hệ thống pháp luật đã rất cố gắng để bổ sung và hoàn thiện hơn.
Trong năm 2005, như các bạn biết, là đã thông qua 29 luật, vừa là bổ sung, sửa đổi vừa là luật mới. Đó là con số chưa từng có, vì trước đây chúng ta chỉ thường thông qua 7 đến 8 luật thôi. Năm nay con số cũng gần như năm 2005.
Nhưng để hoàn thiện hệ thống pháp luật của chúng ta thì còn rất nhiều vấn đề. Ở đây chúng ta không chỉ đáp ứng yêu cầu cho việc gia nhập WTO mà còn là nhu cầu nội tại của chúng ta.
(Theo Thời báo Kinh tế Việt nam)