Kịp thời xử lý, tháo gỡ vướng mắc khó khăn, nâng cao hiệu quả hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

Nhằm nâng cao nhận thức, năng lực và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, người làm công tác pháp chế, người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và đội ngũ tư vấn viên, tuyên truyền viên pháp luật.

Sáng ngày 06/11/2024 Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật phối hợp với Sở Tư pháp tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng nghiệp vụ để nâng cao năng lực, nhận thức, trách nhiệm trong triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhằm tăng cường trao đổi thông tin, xây dựng cơ chế phối hợp trong triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giữa cơ quan nhà nước, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, tổ chức hành nghề luật sư và doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và các tổ chức liên quan.
Tại tỉnh Bắc Giang hiện có 17.173 doanh nghiệp đang hoạt động trong các lĩnh vực, trong đó đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mỗi năm, trên địa bàn có khoảng 1.400 doanh nghiệp mới thành lập. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn hạn chế về nguồn lực, thường chú trọng vào sản xuất, kinh doanh và chưa có giải pháp phòng ngừa rủi ro pháp lý khi đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo đó, từ những ý kiến trao đổi thảo luận của doanh nghiệp, Hội nghị có thêm thông tin, nắm bắt sâu rộng tâm tư, nguyện vọng để từng bước có giải pháp tháo gỡ. Ngược lại, các doanh nghiệp cũng nhận diện được tầm quan trọng của thể chế, pháp luật trong việc bảo đảm ổn định và thúc đẩy phát triển bền vững; hiểu rõ hơn vai trò của doanh nghiệp trong đóng góp ý kiến xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật.
Thời gian tới, Sở Tư pháp tiếp tục tham mưu Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh triển khai có hiệu quả các nội dung nhằm hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Trong đó, chú trọng thực hiện nâng cao vai trò, chất lượng, đổi mới hoạt động của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh. Tập trung tuyên truyền quyền, lợi ích hợp pháp, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về kiến thức pháp luật để chủ động bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Các quy định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp hiện nay khiến doanh nghiệp ngại tiếp cận do nhiều thủ tục hành chính trong khi mức hỗ trợ thấp, rủi ro về lộ bí mật kinh doanh...
Là cơ quan đầu mối thực hiện chỉ số “Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự”, Sở Tư pháp tiếp tục phối hợp với các cơ quan tổ chức hội nghị hỗ trợ pháp lý, đối thoại với doanh nghiệp về quy định pháp luật nhằm trao đổi, giải đáp khó khăn, vướng mắc. Đồng thời biên soạn, in ấn và cấp phát miễn phí hàng nghìn cuốn tài liệu pháp luật liên quan. Định hướng công tác phổ biến giáo dục pháp luật tới các ngành thành viên, huyện, thị xã, Thành phố, trong đó nội dung tuyên truyền pháp luật liên quan đến doanh nghiệp.
Ông Dương Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh: “Để tăng hiệu quả hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, Sở Tư pháp tỉnh và các sở, ngành liên quan cần tiếp tục đổi mới, cải tiến hình thức, phương thức phối hợp trong việc cung cấp thông tin pháp lý. Ngoài các hội nghị đối thoại, tọa đàm, các cơ quan có thể tiếp nhận, xử lý vướng mắc của doanh nghiệp qua các trang mạng xã hội Zalo OA, Facebook...”.
Sở Tư pháp tham mưu trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định ban hành kế hoạch triển khai các hoạt động của Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp năm 2024; tiếp tục đăng tải các văn bản pháp luật có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp trên Hệ thống thông tin pháp luật tỉnh Bắc Giang (địa chỉ truy cập thongtinphapluat.bacgiang.gov.vn), nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tra cứu các văn bản pháp luật có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.
Tiếp tục duy trì, cập nhật, đăng tải các bản án, quyết định của tòa án; phán quyết, quyết định của trọng tài thương mại (nếu có); quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh (nếu có); quyết định xử lý vi phạm hành chính liên quan đến doanh nghiệp được phép công khai, có hiệu lực thi hành mà UBND tỉnh là một bên có liên quan; tiếp nhận, trả lời, cập nhật, đăng tải các văn bản trả lời của UBND tỉnh đối với các vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp trong quá trình áp dụng pháp luật trong phạm vi địa phương do UBND tỉnh quản lý lên chuyên mục Cơ sở dữ liệu về vụ việc, vướng mắc pháp lý trên Cổng thông tin điện tử tỉnh.
Có thể nói, với số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh hiện nay, các doanh nghiệp không đủ nguồn lực đầu tư cho nhân lực có kiến thức, trình độ và kỹ năng liên quan đến các vấn đề pháp lý. Trong khi đó, pháp luật ngày càng có vai trò quan trọng, là một yếu tố quyết định thành - bại của các doanh nghiệp trên thương trường, cần tăng cường đào tạo bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp. “Muốn bảo vệ bản thân, cũng như góp phần thúc đẩy hoạt động, doanh nghiệp không những phải có nền kiến thức pháp luật trong nước mà cũng cần nắm bắt những kiến thức pháp luật cơ bản của quốc tế để có thể chủ động trong các giao dịch, tránh các rủi ro, tranh chấp kéo dài”.
Dương Anh Tú
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật