Năm 2024, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) đã tham mưu Lãnh đạo Bộ ký Quyết định số 153/QĐ-BTP ngày 02/02/2024 ban hành Kế hoạch của Bộ Tư pháp thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân”. Một trong những nhiệm vụ được xác định trong Kế hoạch là chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện Đề án. Vì vậy, trong năm 2024, Cục PBGDPL đã tham mưu tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, nắm bắt tình hình triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” tại các bộ, ngành, đoàn thể trung ương và địa phương. Cụ thể như sau:
Tham mưu Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương ban hành 02 Công văn chỉ đạo, hướng dẫn các bộ, ngành, đoàn thể ở trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức có liên quan về đôn đốc việc thực hiện Quyết định số 977/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” và đẩy mạnh tổ chức phổ biến Luật Đất đai năm 2024[1]. Trên cơ sở nhiệm vụ được giao tại Đề án và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương, nhiều địa phương đã xây dựng kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh năm 2024.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước, Bộ Tư pháp đã tổ chức 09 buổi làm việc về tình hình triển khai Đề án tại một số bộ, ngành, tổ chức ở trung ương và địa phương: Trong năm 2024, Cục PBGDPL và Tổ Thư ký giúp việc Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương đã tổ chức các buổi làm việc đánh giá tình hình thực hiện Đề án và nắm bắt các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Đề án (làm việc với một số đơn vị thuộc Bộ có liên quan ngày 23/5/2024; làm việc với các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 06/6/2024; Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 13/6/2024; Liên đoàn Luật sư Việt Nam ngày 17/7/2024; Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam ngày 23/8/2024; Trung ương Hội Luật gia Việt Nam ngày13/9/2024; các sở, ngành, tổ chức liên quan trên địa bàn tỉnh Nam Định ngày 13/6/2024; TP. Đà Nẵng ngày 26/8/2024 và TP. Hồ Chí Minh ngày 11/9/2024). Thông qua các buổi làm việc nêu trên đã đôn đốc lãnh đạo các cơ quan, đơn vị nhận thức rõ trách nhiệm trong việc chỉ đạo, triển khai Đề án, hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu mà Đề án giao cho các cơ quan, đơn vị.
Đặc biệt, ngày 16/12/2024, Cục PBGDPL đã tổ chức Hội thảo đánh giá tình hình triển khai và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án do đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh - Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương chủ trì, chỉ đạo và đồng chí Lê Vệ Quốc - Cục trưởng Cục PBGDPL, Tổ trưởng Tổ Thư ký Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương điều hành. Tham dự Hội thảo gồm 150 đại biểu gồm đại diện một số bộ
[2], ngành, đoàn thể ở trung ương
[3], đại diện Lãnh đạo Sở Tư pháp và Phòng chuyên môn phụ trách công tác PBGDPL các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, một số tổ chức đại diện đối tượng đặc thù
[4], một số cơ quan thông tấn báo chí… Các ý kiến phát biểu tại Hội thảo đều đánh giá cao ý nghĩa và sự cần thiết thực hiện Đề án trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền. Nhiều kinh nghiệm, cách làm hay, các sáng kiến, mô hình hiệu quả đã được giới thiệu, trao đổi tại Hội thảo. Theo đồng chí Lê Vệ Quốc - Cục trưởng Cục PBGDPL, Bộ Tư pháp: Việc ban hành và thực hiện Đề án là một giải pháp thiết thực nhằm thúc đẩy, tăng cường sự phối hợp của các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên Mặt trận thực hiện tốt việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận pháp luật, đặc biệt là đối tượng đặc thù, trẻ em, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng đề nghị các bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan, tổ chức và địa phương cần bám sát 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp và 24 hoạt động cụ thể tại Đề án để tham mưu tổ chức triển khai thực hiện theo hướng huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó tổ chức pháp chế và Sở Tư pháp là nòng cốt. Trong thời gian tới cần nâng cao hơn nữa vị thế, vai trò tham mưu của Sở Tư pháp trong triển khai nhiệm vụ thuộc Đề án; lựa chọn các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm phù hợp, trọng tâm, trọng điểm để triển khai, đặc biệt cần quan tâm bố trí kinh phí triển khai hoạt động Đề án; đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tuân thủ pháp luật của người dân; từng bước thực hiện xã hội “thượng tôn pháp luật”, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân theo tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm.
Có thể khẳng định, công tác chỉ đạo, hướng dẫn, nắm bắt tình hình triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” đã được quan tâm triển khai năm 2024. Đây tiếp tục sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2025./.