Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về các Luật được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 9

Sáng ngày 28/02/2025, tại Phủ Chủ tịch nước, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về các Luật được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, bao gồm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà chủ trì họp báo và dự họp báo có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội được thông qua ngày 17/02/2025. Trong đó đã sửa đổi, bổ sung 21 điều, bãi bỏ 17 điều của Luật Tổ chức Quốc hội và có một số điểm mới cơ bản, tập trung vào các quy định về phân định thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước. Sửa đổi, bổ sung quy định về cơ quan của Quốc hội theo hướng thay đổi cách thức quy định về Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và xác định rõ cơ cấu tổ chức của Hội đồng, Ủy ban nhằm đảm bảo thuận lợi cho việc tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, hài hòa về cơ cấu tổ chức với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan. Sửa đổi, bổ sung quy định về Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội để phù hợp với chủ trương xác định Tổng Thư ký Quốc hội đồng thời là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; không quy định về Phó Tổng Thư ký, Ban Thư ký, về cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội như việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; việc đại biểu Quốc hội tham gia làm thành viên và tham gia hoạt động của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội; trường hợp tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội…
Luật Tổ chức Chính phủ được thông qua ngày 18/02/2025. Một số điểm mới cơ bản của Luật như giải quyết mối quan hệ giữa Chính phủ với các cơ quan trong hệ thống bộ máy nhà nước, giữa cơ quan thực hiện quyền hành pháp với cơ quan thực hiện quyền lập pháp, cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Làm rõ nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ với tư cách người đứng đầu Chính phủ, lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương; làm nổi bật nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương. Thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với tư cách là người đứng đầu Bộ và với tư cách là thành viên Chính phủ cũng được làm rõ và quy định tại Luật, trong đó đề cao trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với tư cách là thành viên Chính phủ, chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực theo phân công của Chính phủ. Với tư cách này, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ chịu trách nhiệm cá nhân trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và Quốc hội về ngành, lĩnh vực được phân công quản lý; giải trình, trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội.
Phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí và đại diện các Bộ, ngành trao đổi tại buổi họp báo.

Bên cạnh đó, Luật đã làm rõ mối quan hệ giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với chính quyền địa phương thông qua các nguyên tắc phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền, bảo đảm bám sát phương châm: “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, tạo cơ chế giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc về thể chế, khơi thông nguồn lực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương. Trong điều kiện hệ thống thể chế chưa được hoàn thiện đồng bộ, thống nhất với quy định của Luật, để thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân quyền, phân cấp giữa trung ương và địa phương đối với một số lĩnh vực ưu tiên, cấp bách, Luật quy định điều khoản chuyển tiếp, giao Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh một số nhiệm vụ, quyền hạn và quy định khác có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ đang được quy định trong các điều, khoản, điểm có liên quan tại Luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để thống nhất áp dụng.
Luật Tổ chức chính quyền địa phương được thông qua ngày 19/02/2025. Các điểm mới cơ bản của Luật tập trung vào quy định về phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp và ủy quyền. Luật quy định rõ các nguyên tắc, yêu cầu, điều kiện của phân quyền; chủ thể phân cấp và nhận phân cấp; trách nhiệm của cơ quan phân cấp; mở rộng phạm vi chủ thể ủy quyền và nhận ủy quyền; yêu cầu, trách nhiệm trong việc ủy quyền… Ngoài ra, Luật còn sửa đổi, bổ sung các quy định về nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) theo hướng phân định nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cấp chính quyền địa phương, giữa HĐND và UBND cùng cấp; phân định nhiệm vụ, quyền hạn của tập thể UBND và cá nhân Chủ tịch UBND. Luật đã quy định khái quát hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND, nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu HĐND…; sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn tổ chức thực hiện pháp luật.
Tại Họp báo, đại diện các cơ quan chủ trì soạn thảo các luật đã giải đáp một số vấn đề được các cơ quan báo chí, phóng viên quan tâm như làm rõ các điểm mới thể hiện quyết định táo báo, đột phá tư duy trong xây dựng các luật. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà đề nghị các cơ quan báo cáo, phóng viên tăng cường thông tin, truyền thông góp phần kịp thời đưa các luật đi vào thực tiễn cuộc sống và bảo đảm triển khai thi hành hiệu quả, đồng bộ, thống nhất./.
Nguyễn Thị Thạo - Lưu Thị Mai Anh