Theo đó, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện phong phú, linh hoạt tại các địa phương:
Bắc Ninh tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống tra tấn tại các cơ quan đơn vị và trực tiếp tổ chức tập huấn tại cơ sở (tổ chức tại 2 đến 4 đơn vị cấp xã hoặc thôn, khu phố tại mỗi đơn vị cấp huyện);
Cà Mau tổ chức cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tra tấn” năm 2025 nhằm triển khai phổ biến sâu rộng nội dung cơ bản của Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn cho đối tượng cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân trên địa bàn tỉnh, đồng thời nâng cao nhận thức, hiểu biết của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân về nội dung Công ước và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn, thúc đẩy việc thực thi hiệu quả các quy định pháp luật về phòng, chống tra tấn, phối hợp với Đài Phát thanh- truyền hình Cà Mau xây dựng Phóng sự về quyền con người, các quyền dân sự, chính trị phát trong Chương trình Thời sự, tuyên truyền, phổ biến trên các nền tảng mạng xã hội như: Zalo, Facebook, Youtube, Fanpage.., xây dựng 03 video; biên soạn, thiết kế 30 loại tờ gấp pháp luật điện tử (infographic) tuyên truyền quyền dân sự chính trị đăng tải trên Trang thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Cà Mau;
Hưng Yên tăng cường biên soạn các tài liệu giới thiệu tuyên truyền, phổ biến nội dung Công ước chống tra tấn và các quy định của pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn và quyền con người phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; đẩy mạnh phổ biến các nội dung về quyền con người trên Báo Hưng Yên, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng sản phẩm truyền thông về quyền con người phù hợp với tình hình thực tế của mỗi cơ quan, địa phương để đăng, phát trên hệ thống truyền thanh cấp huyện, cấp xã, bảng tin điện tử và các loại hình thông tin khác, tổ chức tuyên truyền lưu động thông qua hình thức triển lãm tranh, ảnh tư liệu, tranh cổ động về quyền con người;
Quảng Bình thực hiện phổ biến Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn thông qua hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự, lồng ghép trong thực hiện Ngày Pháp luật;
Tây Ninh thực hiện tuyên truyền, phổ biến Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn thông qua hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở;
Cao Bằng tổ chức tuyên truyền, phổ biến về quyền con người, trọng tâm là Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và pháp luật Việt Nam về các quyền dân sự, chính trị, xây dựng chuyên mục “Truyền thông về quyền con người” trên Trang Thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh (
https://pbgdpl.caobang.gov.vn), đồng thời cập nhật thông tin về kết quả triển khai thực hiện quyền con người của Sở Tư pháp trên các phương tiện thông tin đại chúng…
Các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền con người tích cực tại địa phương đã góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của quốc gia thành viên Công ước quốc tế về quyền con người (quyền dân sự, chính trị, chống tra tấn….), tiếp tục phổ biến sâu rộng các nội dung cơ bản về quyền con người và các thành tựu Việt Nam đạt được tại Báo cáo quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Gắn việc tuyên truyền, phổ biến các nội dung của các Công ước quốc tế về quyền con người và pháp luật Việt Nam về các quyền con người với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.