Thí điểm một số cơ chế, chính sách, đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh

Ngày 19/02/2025, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 188/2025/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách, đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là một cột mốc quan trọng trong công cuộc phát triển hệ thống đường sắt đô thị của hai thành phố, bởi những cơ chế, chính sách đặc thù của Nghị quyết mở ra những điều kiện thuận lợi, tác động tích cực, mạnh mẽ đến quá trình quy hoạch, chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư các dự án đường sắt đô thị của thành phố.

Thứ nhất, Nghị quyết đã thể chế hóa các định hướng, quan điểm, chỉ đạo mang tính chiến lược của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị về hoàn thiện hệ thống pháp luật, ban hành các cơ chế, chính sách có tính đột phá, vượt trội cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là đường bộ, đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị; phát triển đô thị bền vững tích hợp chặt chẽ với giao thông công cộng. Nghị quyết là tiền đề quan trọng để triển khai thực hiện Đề án phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, đã được Bộ Chính trị thống nhất chủ trương thông qua tại văn bản số 12766-CV/VPTW ngày 27/12/2024 của Văn phòng Trung ương Đảng.
Thứ hai, Nghị quyết của Quốc hội đã cụ thể hóa chủ trương phân cấp, phân quyền, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, các “điểm nghẽn” về thể chế, tạo sự chủ động, linh hoạt cho hai thành phố. Cụ thể:
- Nhóm chính sách về huy động nguồn vốn tại Điều 4 của Nghị quyết đã tạo sự chủ động, linh hoạt trong việc huy động, bố trí vốn cho các dự án từ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương để ưu tiên hỗ trợ hai thành phố đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị, đường sắt đô thị theo mô hình TOD, giảm thiểu rủi ro thiếu hụt nguồn vốn, gây ảnh hưởng đến tiến độ các dự án.
- Điều 5 của Nghị quyết là giải pháp “đột phá” về trình tự, thủ tục, trong đó cho phép không phải thực hiện thủ tục liên quan đến chủ trương đầu tư, được thực hiện ngay bước lập, thẩm định, quyết định đầu tư. Cùng với đó, UBND hai thành phố được phân cấp, phân quyền để quyết định một số nội dung như: không phải thi tuyển phương án kiến trúc các công trình đường sắt đô thị; áp dụng hình thức chỉ định thầu trong công tác lựa chọn nhà thầu; không phải thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án trong trường hợp kéo dài thời gian thực hiện mà không tăng tổng mức đầu tư...
- Điều 6 của Nghị quyết là giải pháp “đột phá” về quy hoạch nhằm tích hợp chặt chẽ quy hoạch các tuyến đường sắt đô thị với quy hoạch sử dụng đất khu vực TOD để tăng cường tính kết nối, tạo điều kiện thuận tiện cho việc tiếp cận nhà ga bằng xe đạp, đi bộ, gia tăng số lượng hành khách sử dụng giao thông công cộng, giảm sử dụng phương tiện giao thông cơ giới cá nhân, qua đó giảm phát thải gây ô nhiễm môi trường; dữ trữ đất chiến lược, nâng cao hiệu quả khai thác quỹ đất khu vực phụ cận các nhà ga, đề-pô nhằm bù đắp chi phí đầu tư xây dựng đường sắt đô thị kết hợp cải tạo, chỉnh trang và phát triển đô thị bền vững, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa.
Thứ ba, Nghị quyết tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc rút gọn, đơn giản hóa trình tự, thủ tục, ưu tiên huy động nguồn vốn để quy hoạch, đầu tư, phát triển công nghiệp đường sắt, đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, kiện toàn bộ máy, tổ chức của cơ quan, đơn vị được giao tổ chức thực hiện, đẩy nhanh quá trình đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng các tuyến đường sắt đô thị trong thời gian tới, đáp ứng mục tiêu hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2035 theo yêu cầu của Bộ Chính trị tại Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023, cũng như đáp ứng nhu cầu đi lại, sự quan tâm ngày càng tăng của người dân hai thành phố sau khi các tuyến đầu tiên được đưa vào khai thác.
Để tổ chức thực hiện Nghị quyết, UBND thành phố Hà Nội đã xác định phải triển khai ngay một số công việc như xây dựng, ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết; xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030; Rà soát, hoàn thiện quy hoạch toàn bộ mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội theo các giai đoạn, đảm bảo phù hợp với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1569/QĐ-TTg ngày 12/12/2024 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1668/QĐ-TTg ngày 27/12/2024; Kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ nhân sự của đơn vị đươc giao quản lý, thực hiện đầu tư các tuyến đường sắt đô thị. Tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt phương án tuyến công trình, vị trí công trình trên tuyến và quy hoạch các khu vực TOD làm cơ sở xác định vị trí, ranh giới, diện tích đất thu hồi và tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án độc lập để triển khai trước. Tuyển chọn hoặc chỉ định tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, trong đó được lập thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED) thay cho thiết kế cơ sở. Phấn đấu khởi công Tuyến số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo và tuyến số 5 Văn Cao - Hòa Lạc trong năm 2025. Đồng thời, phối hợp với Chính phủ xây dựng Nghị định hướng dẫn thực hiện một số điều, khoản của Nghị quyết bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa hệ thống đường sắt tốc độ cao và hệ thống đường sắt đô thị của hai thành phố.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày thông qua./.
Thanh Trang 
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật