Thực hiện Quyết định số 979/QĐ-TTg ngày 12/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Thí điểm đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật”; Quyết định số 1666/QĐ-BTP ngày 09/9/2024 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Tiêu chí chung đánh giá thí điểm hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), ngày 18/4/2025, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ký Quyết định số 382/QĐ-BNV về việc ban hành Tiêu chí đánh giá thí điểm hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL). Đây là một bước đi quan trọng nhằm đổi mới phương thức đánh giá, nâng cao chất lượng và hiệu quả thực hiện công tác PBGDPL trong ngành Nội vụ, góp phần hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước về lĩnh vực này.
Theo Quyết định, việc đánh giá thí điểm công tác PBGDPL sẽ được triển khai theo một hệ thống tiêu chí cụ thể, chi tiết và khả thi, khách quan, sát với tình hình thực tiễn triển khai công tác PBGDPL, bao gồm cả yếu tố đầu vào (các nhiệm vụ, hoạt động quản lý nhà nước) và yếu tố đầu ra (kết quả thực tế của các hoạt động PBGDPL cụ thể). Mục tiêu của việc ban hành Tiêu chí là tạo lập cơ sở khoa học, khách quan để các đơn vị chủ trì thực hiện “Kế hoạch triển khai thực hiện đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL của Bộ Lao động – Thương bình và Xã hội” (nay là Bộ Nội vụ) ban hành kèm theo Quyết định số 1635/QĐ-BLĐTBXH ngày 03/10/2024, triển khai thực hiện việc đánh giá thí điểm hiệu quả các hoạt động PBGDPL bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn trong từng giai đoạn và từng năm công tác; tăng cường hiệu quả hoạt động PBGDPL trong ngành Nội vụ, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng và an ninh; qua đó góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Về yêu cầu và nguyên tắc thực hiện, các tiêu chí phải bám sát nội dung trong Đề án 979 và các văn bản hướng dẫn liên quan; phải đảm bảo tính khả thi, khách quan, thực tiễn và có khả năng lượng hóa được kết quả. Đồng thời, Tiêu chí phải phản ánh đầy đủ các nhiệm vụ cơ bản trong hoạt động quản lý nhà nước về PBGDPL và chất lượng đầu ra của từng hoạt động cụ thể.
Phạm vi áp dụng của Tiêu chí bao gồm hai nội dung chính: (i) Đánh giá chất lượng hoạt động quản lý nhà nước về PBGDPL và (ii) Đánh giá kết quả đầu ra của các hoạt động PBGDPL cụ thể do các đơn vị trực thuộc Bộ Nội vụ thực hiện thí điểm chủ trì tổ chức theo Kế hoạch.
Tiêu chí đánh giá có tổng số điểm là 100 điểm với kết cấu, gồm:
- Nhóm 1: Đánh giá chất lượng hoạt động quản lý nhà nước về công tác PBGDPL (45 điểm), bao gồm các nội dung: xây dựng kế hoạch, triển khai kế hoạch, bảo đảm nguồn lực, kinh phí, xã hội hóa, và ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số;
- Nhóm 2: Đánh giá kết quả đầu ra của các hoạt động PBGDPL cụ thể (55 điểm), chủ yếu dựa trên mức độ đánh giá của đối tượng thụ hưởng và tác động của hoạt động PBGDPL tới nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các đối tượng thụ hưởng đối với nội dung pháp luật được PBGDPL.
Các tài liệu kiểm chứng và phương pháp đánh giá sẽ được thực hiện linh hoạt, phù hợp với từng hoạt động cụ thể. Kết quả đánh giá sẽ là cơ sở để Lãnh đạo Bộ Nội vụ kịp thời chỉ đạo, đề ra giải pháp khắc phục những bất cập trong hoạt động quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện các hoạt động PBGDPL cụ thể trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.
Thời gian thực hiện đánh giá thí điểm bắt đầu từ ngày 01/01/2025 và kết thúc vào ngày 31/12/2025.
Để triển khai hiệu quả, Quyết định số 382/QĐ-BNV phân công cụ thể trách nhiệm cho các đơn vị như sau:
- Vụ Pháp chế: Chủ trì hướng dẫn, đôn đốc, tổng hợp báo cáo, tham mưu khen thưởng và đề xuất cơ chế, thể chế của Bộ Nội vụ sau thí điểm.
- Cục Việc làm: Trực tiếp tổ chức thực hiện đánh giá, phối hợp truyền thông, bảo đảm tiến độ và chất lượng.
- Vụ Kế hoạch – Tài chính: Phối hợp với Vụ Pháp chế và Cục Việc làm lập dự toán kinh phí, tổng hợp chung vào ngân sách của Bộ và gửi Bộ Tài chính theo quy định; bố trí kinh phí thực hiện.
- Các đơn vị có liên quan: Phối hợp thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Việc ban hành Tiêu chí đánh giá thí điểm công tác PBGDPL là một bước tiến lớn trong đổi mới phương thức quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Kỳ vọng rằng, thông qua việc đánh giá có hệ thống, bài bản, có thể xác định chính xác những điểm mạnh, điểm yếu trong công tác PBGDPL hiện nay, từ đó đề ra các giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác trong thời gian tới.
Đặc biệt, với việc lượng hóa được kết quả đầu ra, các đơn vị tổ chức thực hiện đánh giá sẽ có thêm cơ sở để đổi mới phương pháp, cách thức tổ chức hoạt động PBGDPL, tăng tính tương tác với người dân, đồng thời nâng cao trách nhiệm giải trình trong quá trình triển khai nhiệm vụ.
Quyết định số 382/QĐ-BNV không chỉ là công cụ quản lý hữu hiệu mà còn là minh chứng cho nỗ lực của Bộ Nội vụ trong việc đổi mới công tác PBGDPL, hướng tới xây dựng một nền hành chính công khai, minh bạch, hiệu quả và vì nhân dân phục vụ.
Trong thời gian tới, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị và cá nhân liên quan sẽ là chìa khóa để triển khai thành công các nội dung của Quyết định này, từng bước hiện thực hóa mục tiêu nâng cao chất lượng công tác PBGDPL trong toàn ngành Nội vụ nói riêng và trong hệ thống chính trị nói chung./.
Nguyễn Giang
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý