Nghị định 86/2025/NĐ-CP và bước tiến chiến lược về phòng vệ thương mại

Trong bối cảnh thương mại toàn cầu tiếp tục đối mặt với nhiều biến động, các biện pháp phòng vệ thương mại đang ngày càng trở thành công cụ quan trọng để bảo đảm lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh. Trước yêu cầu cấp thiết đó, ngày 15/4/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 86/2025/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại. Nghị định không chỉ làm rõ nguyên tắc pháp lý, cơ chế phối hợp, mà còn khẳng định rõ nét vai trò chủ động của Việt Nam trong hệ sinh thái thương mại quốc tế đang tái cấu trúc sâu rộng.

Một nội dung cốt lõi của Nghị định là quy định rõ nguyên tắc xử lý các biện pháp phòng vệ thương mại, theo đó việc áp dụng chỉ được thực hiện trên cơ sở điều tra khách quan, minh bạch, dựa vào chứng cứ rõ ràng và phù hợp với pháp luật Việt Nam cũng như các cam kết quốc tế. Biện pháp phòng vệ không nhằm mục đích cản trở thương mại, mà là công cụ hợp pháp để bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước các hành vi cạnh tranh không công bằng, như bán phá giá, trợ cấp trái phép hoặc đột biến nhập khẩu.
Điều đặc biệt đáng lưu ý là Nghị định yêu cầu trong quá trình áp dụng các biện pháp này, cơ quan có thẩm quyền phải đánh giá nghiêm túc tác động đến lợi ích kinh tế – xã hội, trong đó có cả quyền lợi người tiêu dùng và các ngành sản xuất hạ nguồn. Đây là cách tiếp cận cân bằng, thận trọng, thể hiện tư duy quản lý hiện đại và hội nhập sâu sắc với cơ chế pháp lý của WTO và các hiệp định thương mại thế hệ mới.
Một điểm sáng của Nghị định là nhấn mạnh việc xây dựng hệ thống cảnh báo sớm về nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt từ các thị trường xuất khẩu chủ lực. Thay vì chờ đến khi doanh nghiệp bị kiện mới ứng phó, Nghị định xác lập cơ chế giám sát chủ động, qua phân tích dữ liệu xuất khẩu, biến động giá, năng lực cạnh tranh và các yếu tố dễ dẫn đến nghi ngờ bán phá giá hoặc trợ cấp.
Việc này không chỉ giúp doanh nghiệp chủ động điều chỉnh chiến lược kinh doanh, cấu trúc xuất khẩu, mà còn giúp cơ quan chức năng chuẩn bị hồ sơ, định hướng đối thoại và hỗ trợ doanh nghiệp ngay từ đầu, giảm thiểu thiệt hại khi tranh chấp xảy ra. Đây là bước chuyển căn bản từ tư duy “chữa cháy” sang tư duy “phòng ngừa”, giúp nâng cao năng lực tự vệ quốc gia trong môi trường thương mại đầy rủi ro.
Trong các vụ việc bị điều tra chống trợ cấp tại nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam thường gặp khó khăn lớn trong việc chứng minh bản chất hợp pháp và minh bạch của chính sách hỗ trợ trong nước. Điển hình vào năm 2020, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã khởi xướng điều tra chống trợ cấp đối với sản phẩm lốp xe ô tô chở khách và xe tải nhẹ có xuất xứ từ Việt Nam, DOC cho rằng một số doanh nghiệp Việt Nam đã được hưởng ưu đãi về tín dụng, đất đai và hỗ trợ từ Quỹ Phát triển khoa học công nghệ – được xem là các khoản trợ cấp tiềm ẩn gây méo mó thương mại theo quy định của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ: doanh nghiệp Việt Nam không trực tiếp nhận tiền, mà chỉ thụ hưởng chính sách chung của Nhà nước như: ưu đãi lãi suất cho DNNVV, miễn giảm tiền thuê đất, hoặc sử dụng quỹ KH&CN theo hướng dẫn nội bộ của Bộ ngành. Khi DOC yêu cầu cung cấp hồ sơ, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tổng hợp chứng từ và giải trình bản chất của các khoản hỗ trợ, đặc biệt là những chương trình không có quy định bằng tiếng Anh, hoặc chưa được pháp luật Việt Nam xây dựng theo chuẩn WTO. Nhận diện đúng những vướng mắc này, Nghị định 86/2025/NĐ-CP thiết lập cơ chế phối hợp liên ngành rõ ràng, hiệu quả giữa cơ quan chủ quản chính sách, cơ quan điều phối trung ương và doanh nghiệp.
Theo đó, các bộ ngành có liên quan có trách nhiệm cung cấp kịp thời, đầy đủ và chính xác thông tin về các chương trình ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước khi được yêu cầu, tránh để doanh nghiệp “đơn độc” trước các cơ quan điều tra nước ngoài. Đây là bước thể chế hóa tinh thần “Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp”, không chỉ trong phát triển, mà cả trong phòng vệ và bảo vệ.
Nghị định cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến quyền lợi của doanh nghiệp Việt Nam khi bị áp dụng biện pháp tự vệ một cách bất hợp lý, không tương xứng hoặc vi phạm cam kết quốc tế. Theo quy định, các thương nhân có thể chủ động đề xuất với cơ quan quản lý việc xây dựng phương án yêu cầu bồi thường thiệt hại theo đúng quy trình của WTO. Đồng thời, trong trường hợp cần thiết, Chính phủ có thể cân nhắc phương án trả đũa phù hợp về thuế quan hoặc biện pháp thương mại tương đương.
Việc thể hiện rõ cơ chế yêu cầu bồi thường và trả đũa là lời khẳng định chắc chắn rằng: Việt Nam không thụ động trong thương mại quốc tế; và trong mọi tình huống, chủ quyền kinh tế – thương mại của quốc gia sẽ được bảo vệ bằng công cụ pháp lý hợp pháp, chuyên nghiệp và có sức nặng.
Vượt ra ngoài phạm vi quốc gia, Nghị định số 86/2025/NĐ-CP còn tạo nền tảng để doanh nghiệp Việt Nam tham gia với tư cách bên liên quan hoặc bên thứ ba trong các vụ việc phòng vệ thương mại tại WTO và các tổ chức tài phán quốc tế khác. Điều này không chỉ giúp nâng cao tiếng nói của doanh nghiệp Việt Nam trên các diễn đàn toàn cầu, mà còn giúp tăng cường năng lực hội nhập pháp lý, tiếp cận kiến thức và xây dựng đội ngũ chuyên gia tranh tụng thương mại quốc tế.
Cơ chế tham gia này cũng tạo điều kiện để Việt Nam chủ động hơn trong chiến lược bảo vệ quyền lợi quốc gia, đồng thời tích cực đóng góp vào quá trình phát triển trật tự thương mại quốc tế công bằng, minh bạch.
Nghị định số 86/2025/NĐ-CP là minh chứng rõ nét cho sự chuyển mình mạnh mẽ của Việt Nam trong lĩnh vực phòng vệ thương mại, từ chỗ ứng phó thụ động sang chủ động thiết kế chính sách, nâng cao năng lực nội tại và thể hiện bản lĩnh pháp lý trên trường quốc tế. Trong giai đoạn hội nhập sâu rộng hiện nay, khi các tranh chấp thương mại không còn là điều bất ngờ, thì việc chuẩn bị sẵn sàng thể chế, công cụ và nguồn lực là điều kiện tiên quyết để bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, bảo vệ vị thế quốc gia trong một thế giới đầy cạnh tranh và chuyển động.
Để Nghị định số 86/2025/NĐ-CP thực sự đi vào cuộc sống, điều quan trọng không chỉ dừng lại ở việc hoàn thiện thể chế, mà còn cần có sự quyết tâm trong khâu tổ chức thi hành. Các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, cần phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng hướng dẫn kỹ thuật, tổ chức tập huấn chuyên sâu và nâng cao nhận thức cho cả cán bộ quản lý nhà nước lẫn cộng đồng doanh nghiệp.
Đồng thời, cần chủ động xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về phòng vệ thương mại, kết nối thông tin giữa các ngành hàng, hiệp hội và doanh nghiệp xuất khẩu, tạo điều kiện để việc cảnh báo và ứng phó mang tính hệ thống, dựa trên dữ liệu lớn. Việc xã hội hóa một phần các dịch vụ pháp lý liên quan đến phòng vệ thương mại cũng là hướng đi cần được cân nhắc, nhằm huy động sự tham gia của các tổ chức luật sư, chuyên gia kinh tế-thương mại có kinh nghiệm trong lĩnh vực quốc tế.
Cuối cùng, doanh nghiệp Việt Nam, chủ thể vừa là “đối tượng thụ hưởng” vừa là “tuyến đầu” trong các vụ việc phòng vệ thương mại cần chủ động nâng cao hiểu biết pháp lý, phối hợp đầy đủ với cơ quan quản lý, và đặc biệt là thay đổi tư duy từ phòng ngự sang phản công hợp pháp, góp phần bảo vệ chính mình và nâng tầm hình ảnh Việt Nam trên thương trường quốc tế./.
Nguyễn Anh Vũ
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý