Hòa giải ở cơ sở trong bối cảnh tổ chức chính quyền địa phương hai cấp

        1.Địa bàn hoạt động của hoà giải ở cơ sở ở các thôn, tổ dân phố
Theo Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013, hòa giải ở cơ sở là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật theo quy định của Luật này. Như vậy, hoạt động hoà giải ở cơ sở không phải do cơ quan nhà nước hay tổ chức chuyên môn nghề nghiệp thực hiện mà do Tổ hoà giải ở thôn, xóm, bản, ấp, tổ dân phố, cụm dân cư thực hiện. Tổ hòa giải là tổ chức tự quản của nhân dân được thành lập ở cơ sở để hoạt động hòa giải theo quy định. Công tác hoà giải ở cơ sở chủ yếu là “hướng dẫn, thuyết phục, dàn xếp, giúp đỡ” chứ không phải bằng phán xét, bằng quyết định, bằng quyền lực của các cơ quan nhà nước, không do cơ quan nhà nước thực hiện. Bản chất của công tác hoà giải là một hình thức tự quản của nhân dân. Như vậy, trong tổ chức và hoạt động của Tổ hòa giải và hòa giải viên chủ yếu diễn ra ở cơ sở (thôn, tổ dân phố). Theo thống kê của Bộ Tư pháp, năm 2024, cả nước có 87.396 tổ hòa giải được thành lập tại thôn, tổ dân phố với 549.446 hòa giải viên. Các tổ hòa giải ở cơ sở trên phạm vi cả nước đã tiếp nhận trên 95.726  vụ, việc và hòa giải thành trên 82.272 vụ, việc. Với địa bàn hoạt động của hoà giải ở cơ sở diễn ra chủ yếu ở các thôn, tổ dân phố. Do vậy, trong bối cảnh tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp, việc giữ nguyên thôn, tổ dân phố khi sát nhập tỉnh, xã tạo điều kiện thuận lợi cho hòa giải ở cơ sở hoạt động bình thường.
Ngày 28/3/2025, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Kết luận số 137-KL/TW về Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp. Theo đó, Bộ Chính trị, Ban Bí thư có ý kiến về tổ chức chính quyền địa phương cấp xã như sau: “(4) Tiếp tục xác định thôn, tổ dân phố là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư, không phải là cấp hành chính; trước mắt giữ nguyên thôn, tổ dân phố hiện có; sau đó giao Đảng uỷ Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu và xác định lộ trình sắp xếp, tổ chức lại thôn, tổ dân phố theo hướng tinh gọn, phục vụ trực tiếp đời sống của cộng đồng dân cư trên địa bàn cơ sở”. Như vậy, khi sáp nhập tỉnh, xã thì trước mắt giữ nguyên thôn, tổ dân phố hiện có, sau đó nghiên cứu và xác định lộ trình sắp xếp, tổ chức lại thôn, tổ dân phố theo hướng tinh gọn. Đồng thời, ngày 14/4/2025, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 759/QĐ-TTg phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp cũng tiếp tục thể hiện quan điểm trên.
Như vậy, trong bối cảnh tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp hiện nay, việc Nhà nước vẫn giữ các thôn, tổ dân phố hiện có khi sáp nhập tỉnh, xã đã tạo điều kiện thuận lợi trong công tác hòa giải ở cơ sở được tiếp tục hoạt động ổn định.
        2. Hướng dẫn về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở khi tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp
Để kịp thời triển khai thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước trong bối cảnh tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp, Bộ Tư pháp đã có những hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ trong tất cả các lĩnh vực quản lý để phù hợp với tình hình thực tiễn. Với việc thực hiện chức năng tham mưu giúp Chính phủ quản lý nhà nước thống nhất về công tác hòa giải trên phạm vi cả nước, Bộ Tư pháp đã hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực hòa giải hòa giải ở cơ sở một cách chi tiết và cụ thể[1]. Theo đó, đối với cấp tỉnh: Khi sáp nhập, đơn vị hành chính cấp tỉnh mới cần thống kê số lượng tổ hoà giải, hoà giải viên ở cơ sở trên địa bàn; ban hành mẫu Sổ theo dõi hoạt động hoà giải ở cơ sở với tên đơn vị hành chính cấp tỉnh mới để sử dụng thống nhất trên địa bàn; hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp xã (đơn vị mới) kiện toàn tổ hoà giải và hoà giải viên ở cơ sở theo quy định tại Điều 8, Điều 12 Luật Hoà giải ở cơ sở năm 2013.
Đối với cấp xã, chuyển giao nhiệm vụ tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ và kỹ năng hoà giải ở cơ sở cho hoà giải viên từ Ủy ban nhân dân cấp huyện xuống Ủy ban nhân dân cấp xã. Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành quyết định thành lập đội ngũ tập huấn viên hoà giải ở cơ sở cấp xã từ những người đã từng là tập huấn viên cấp huyện; nguồn cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về hoà giải ở cơ sở của Ủy ban nhân dân cấp xã; cán bộ, công chức thuộc tổ chức chính trị - xã hội tham gia công tác hoà giải ở cơ sở; báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, thẩm phán, kiểm sát viên, hội thẩm nhân dân, luật gia, luật sư, lực lượng Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng và các cá nhân khác đáp ứng tiêu chuẩn làm hoà giải viên ở cơ sở theo quy định của pháp luật để tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho hoà giải viên trên địa bàn.... Đồng thời, chuyển nhiệm vụ quyết định hỗ trợ khi hoà giải viên gặp tai nạn hoặc rủi ro ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng trong khi thực hiện hoạt động hoà giải (Điều 18 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP) từ cấp huyện xuống cấp xã để thực hiện theo chủ trương chung tại Quyết định số 759/QĐ-TTg ngày 14/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp”: “…các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện hiện nay được chuyển toàn bộ về cho chính quyền địa phương cấp xã thực hiện”./. 
Đinh Thị Ánh Hồng
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý

 
[1] Công văn số 1866/BTP-PLHSHC ngày 09/4/2025 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp.