Với việc xác định “Con người, quyền con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước”, Đảng và Nhà nước ta đã xây dựng, hoàn thiện hệ thống quan điểm, chủ trương, đường lối và pháp luật về phát triển con người, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; thực hiện nhiều chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, kết cấu hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh con người, giảm nghèo, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường… Trong đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền con người tiếp tục được xác định là nhiệm vụ chính trị và là trách nhiệm thường xuyên của cả hệ thống chính trị, trước mắt và lâu dài.
Với vai trò là cơ quan giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác xây dựng và thi hành pháp luật, ngày 31/12/2024, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 2607/QĐ-BTP phê duyệt Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác quyền con người của Bộ Tư pháp giai đoạn 2024-2030”. Theo đó, với mục tiêu để cán bộ, đảng viên của Bộ Tư pháp nắm chắc về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các cam kết quốc tế chủ yếu của Việt Nam về tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân để vận dụng, áp dụng hiệu quả vào trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Bộ, Đề án đã đề ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như: tiếp tục tăng cường quán triệt, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Bộ Tư pháp về các quan điểm, chủ trương, định hướng của Đảng về quyền con người, các yêu cầu về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật tại Nghị quyết số 27-NQ/TW và của Tổng Bí thư Tô Lâm, các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên để vận dụng, áp dụng trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, cải cách tư pháp; nghiên cứu, tham mưu, tổ chức thực hiện các giải pháp mới tạo đột phá về nhận thức và hành động trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp gắn với tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân… Và một trong những nhiệm vụ được đặt ra tại Đề án là “Đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền con người theo hướng lấy người dân làm trung tâm, ưu tiên nguồn lực thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng yếu thế, người dân ở miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường truyền thông chính sách về các văn bản pháp luật về quyền con người nhất là trong giai đoạn xây dựng chính sách hướng đến sự phù hợp với những đối tượng đặc thù”.
Thực hiện nhiệm vụ trên, ngày 02/4/2025, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký ban hành Quyết định số 1133/QĐ-BTP phê duyệt Kế hoạch công tác năm 2025 của Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý, trong đó có Kế hoạch thực hiện Đề án “Truyền thông về quyền con người ở Việt Nam giai đoạn 2023-2028” năm 2025. Kế hoạch đã đề ra nhiều hoạt động thực hiện truyền thông về quyền con người gồm tổ chức các Hội nghị tập huấn về quyền con người cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên ở cơ sở, người dân (ưu tiên đối tượng là nhóm dễ bị tổn thương, người dân tộc thiểu số,
người dân sống ở khu vực miền núi, biên giới, hải đảo); xây dựng các tài liệu truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền con người; hực hiện truyền thông về quyền con người trên các phương tiện thông tin đại chúng; số hóa, tích hợp tài liệu, sản phẩm truyền thông về Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, Công ước chống tra tấn vào cơ sở dữ liệu dùng chung về quyền con người (sau khi hệ cơ sở dữ liệu được xây dựng xong); đăng tải trên các nền tảng internet (Cổng Thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật quốc gia; Trang Thông tin điện tử pháp luật quốc tế; mạng lưới thông tin cơ sở…); tổ chức các hoạt động hợp tác quốc tế (trao đổi thông tin với các đối tác quốc tế về các cơ chế bảo vệ quyền con người, hoạt động bảo vệ Báo cáo quốc gia thực thi các Công ước của Liên hợp quốc về quyền con người)…
Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tư pháp, tại các địa phương, nhiều tỉnh, thành phố đã kịp thời ban hành Kế hoạch Đề án “Truyền thông về quyền con người ở Việt Nam giai đoạn 2023-2028” năm 2025 như An Giang, Bạc Liêu, Bắc Ninh, Cao Bằng, Cà Mau, Hưng Yên, Hải Phòng, Tây Ninh, Tiền Giang, Thành phố Hồ Chí Minh… nhằm mục đích nâng cao nhận thức, hiểu biết của mọi thành phần trong xã hội về các quyền con người. Nhiều hoạt động nổi bật truyền thông về quyền con người dự kiến tổ chức triển khai tại các địa phương như: tổ chức biên soạn, phát hành và đăng tải tài liệu tuyên truyền, phổ biến nội dung truyền thông về quyền con người ở Việt Nam; tổ chức quán triệt, giới thiệu, phổ biến các nội dung pháp luật có liên quan về quyền con người cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân; lồng ghép trong các hội nghị, hội thi, cuộc thi và các hoạt động tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2025; tăng cường truyền thông về quyền con người ở Việt Nam và các quy định pháp luật Việt Nam qua mạng xã hội (Zalo, Facebook)… Các kế hoạch đã xác định rõ từng nhiệm vụ, lộ trình thực hiện, sản phẩm đầu ra và trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan, đơn vị thực hiện, phối hợp thực hiện kế hoạch để đáp ứng yêu cầu tăng cường lồng ghép với các chương trình, đề án có liên quan bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, phát huy tối đa các nguồn lực.
Thực hiện hiệu quả các kế hoạch truyền thông về quyền con người sẽ tạo sự chuyển biến trong nhận thức, hiểu biết của toàn xã hội về các quyền con người góp phần thực hiện có hiệu quả trong xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, cũng như thông tin đầy đủ giúp cán bộ, công chức và người dân hiểu rõ về quan điểm, chủ trương, nỗ lực của Đảng, Nhà nước và thành tựu đạt được trong công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam./.
Đinh Thị Ánh Hồng
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý