Trong năm 2024, Bộ Tư pháp đã thành lập Đoàn công tác liên ngành trực tiếp thực hiện kiểm tra, điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành tại một số địa phương nhằm xem xét, đánh giá các đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế và giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về an toàn thực phẩm, quản lý thuế, xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm. Đội ngũ làm công tác pháp chế tiếp tục được các cơ quan quan tâm, chú trọng kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế ở các cấp có đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm với nhiệm vụ. Tính đến ngày 30/11/2024, các cơ quan Trung ương có 4.795 người làm công tác pháp chế, trong đó có 1.349 cán bộ pháp chế chuyên trách; tại địa phương có 2.877 người làm công tác pháp chế, trong đó có 563 người được bố trí làm công tác pháp chế chuyên trách. Tại các doanh nghiệp nhà nước ở Trung ương có 429 người làm công tác pháp chế, trong đó có 341 người làm công tác pháp chế chuyên trách; về kinh phí thực hiện theo dõi tình hình thi hành pháp luật tại Bộ Tư pháp được cấp hằng năm đã cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện theo dõi tình hình thi hành pháp luật và theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành; đối với các cơ quan Trung ương, địa phương, kinh phí triển khai các hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật được bố trí từ nguồn kinh phí chi thường xuyên theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Để góp phần nâng cao năng lực, kỹ năng trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật cho đội ngũ công chức, năm 2024, Bộ Tư pháp đã chú trọng tổ chức tập huấn chuyên sâu cho công chức của các cơ quan, đơn vị, địa phương về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật
[1].
Sau khi Bộ Tư pháp tổng hợp kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật nhận thấy, công tác theo dõi thi hành pháp luật còn một số tồn tại, hạn chế: (i) Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật còn hạn chế; (ii) Việc theo dõi kết quả xử lý kiến nghị của địa phương đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ chưa triệt để; (iii) Công tác phối hợp trong theo dõi tình hình thi hành pháp luật vẫn chưa thực sự hiệu quả khi chưa có cơ chế phối hợp thường xuyên; (iv) Một số cơ quan Trung ương và địa phương chưa kịp thời xây dựng, gửi Báo cáo theo dõi tình hình thi hành pháp luật tới Bộ Tư pháp, dẫn đến việc tổng hợp thông tin, số liệu không đầy đủ để làm cơ sở cho việc đánh giá một cách chính xác, khách quan tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực, địa bàn quản lý; (v) Việc bảo đảm các điều kiện cho công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2024 ở các cơ quan Trung ương và địa phương vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.
Trong năm 2025, để đảm bảo đầy đủ các điều kiện để triển khai thường xuyên công tác kiểm tra tình hình thi hành pháp luật và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, kịp thời phát hiện những bất cập, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện để đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký ban hành Quyết định số 1092/QĐ-BTP ngày 31/3/2025 phê duyệt Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2025. Theo đó, Kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật năm 2025 của Bộ Tư pháp được xây dựng nhằm triển khai kịp thời, đồng bộ các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), Nghị định số 32/2020/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 127/QĐ-TTg ngày 15/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trọng tâm, liên ngành năm 2025.
Kế hoạch đề ra mục tiêu là “tăng cường hiệu quả công tác theo dõi thi hành pháp luật trên phạm vi cả nước, góp phần bảo đảm tính nghiêm minh, thống nhất và hiệu lực, hiệu quả của pháp luật trong thực tiễn”. Trọng tâm của kế hoạch là đánh giá thực trạng thi hành pháp luật trong một số lĩnh vực trọng điểm, từ đó làm căn cứ để tham mưu, kiến nghị hoàn thiện pháp luật, tháo gỡ các điểm nghẽn trong tổ chức thực thi pháp luật và nâng cao năng lực thực thi tại các bộ, ngành, địa phương. Kế hoạch được tổ chức triển khai trên toàn quốc, có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Tư pháp với các bộ, ngành, UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan. Theo Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2025 của Bộ Tư pháp có ba nhóm nhiệm vụ chính: