Chuẩn bị sẵn sàng thực hiện trợ giúp pháp lý cho các nhóm đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Phòng chống mua bán người năm 2024

Luật Phòng, chống mua bán người năm 2024 được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 28/11/2025, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2025. Theo quy định của Luật thì nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân của hành vi mua bán người và người dưới 18 tuổi đi cùng thuộc diện được trợ giúp pháp lý. Như vậy, đối tượng được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người năm 2024 đã được mở rộng hơn quy định tại điểm g khoản 7 Điều 7 của Luật trợ giúp pháp lý năm 2017. Trước yêu cầu mới của pháp luật, hệ thống trợ giúp pháp lý đang khẩn trương nghiên cứu các quy định của Luật Phòng, chống mua bán người năm 2024 và chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng cung cấp trợ giúp pháp lý miễn phí cho các đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý kể từ ngày 01/7/2025.

Theo kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo Chương trình ASEAN-ACT tại Việt Nam, được sự cho phép của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý (PBGDPL&TGPL) đã phối hợp với Chương trình ASEAN-ACT tại Việt Nam tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm trợ giúp pháp lý và góp ý tài liệu hướng dẫn TGPL, hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân trong quá trình giải quyết vụ án mua bán người. Hội thảo diễn ra trong hai ngày 14-15/5/2025 tại thành phố Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.
Tham dự Hội nghị có đại diện các cơ quan, tổ chức có liên quan đến công tác trợ giúp pháp lý, hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân bị mua bán như Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Y tế, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; Đại diện các cơ quan ở địa phương như: công an tỉnh Ninh Bình,Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Bình, TAND tỉnh Lạng Sơn; lãnh đạo và trợ giúp viên pháp lý các Trung tâm trợ giúp pháp lý thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Ninh Bình, Cà Mau, Quảng Ninh, Hà Giang, Cao Bằng, Tuyên Quang, Sơn La, Lào Cai, Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Nghệ An, Ninh Thuận, Bạc Liêu, Tây Ninh; đại diện các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp như: Liên đoàn luật sư Việt Nam, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Viện nghiên cứu phát triển cộng đồng ACDC, Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Trung ương Hội luật gia Việt Nam...
Bà Vũ Thị Hường phát biểu khai mạc Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Vũ Thị Hường, Phó Cục trưởng Cục PBGDPL &TGPL nhấn mạnh: mua bán người là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xâm phạm trực tiếp quyền con người, ảnh hưởng tới trật tự xã hội và phát triển đất nước. Chính vì vậy, các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đã ký kết nhiều ĐUQT về phòng chống mua bán người và bảo vệ nạn nạn nhân. Mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực, với nhiều biện pháp khác nhau, tình trạng mua bán người vẫn diễn ra khá phức tạp trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trong thời gian qua, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều điều ước quốc tế và ban hành các văn bản pháp luật về phòng chống mua bán người, trợ giúp pháp lý và bảo vệ nạn nhân; cụ thể là Luật Phòng chống mua bán người năm 2011 và sửa đổi bằng Luật Phòng chống mua bán người năm 2024, Luật trợ giúp pháp lý năm 2017… Theo các luật này thì nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân của hành vi mua bán người và người dưới 18 tuổi đi cùng được trợ giúp pháp lý miễn phí. Để đáp ứng yêu cầu mới của pháp luật và nhu cầu thực tiễn, đòi hỏi nguồn lực hỗ trợ và trợ giúp pháp lý cần phải được quan tâm, chú trọng, nâng cao cả về số lượng và chất lượng.
Chính vì vậy, Hội thảo này là diễn đàn rất tốt để các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý và đặc biệt là các nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ và trợ giúp pháp lý chia sẻ các kiến thức, kinh nghiệm về phòng chống mua bán người, hỗ trợ và trợ giúp pháp lý cho nạn nhân từ kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới như Australia, Anh, Mỹ, Thái Lan… Trên cơ sở các quy định trong các điều ước quốc tế và pháp luật trong nước, các đại biểu tích cực, thẳng thắn trao đổi, thảo luận, chia sẻ những thuận lợi và cả những khó khăn, vướng mắc từ đó đề xuất các giải pháp tháo gỡ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ, bảo vệ và trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua bán và các đối tượng khác theo quy định của Luật Phòng chống mua bán người năm 2024.
Bà Đặng Thị Hạnh, Quản lý Chương trình ASEAN – ACT tại Việt Nam
Các đại biểu chia sẻ, một trong những vướng mắc trong quá trình hỗ trợ và trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua bán là việc xác minh, xác định nạn nhân và yêu cầu cung cấp giấy tờ chứng minh là người thuộc diện được trợ giúp pháp lý. Nhiều đại biểu tỏ ý băn khoăn khi Luật Phòng, chống mua bán người năm 2024 chưa quy định cụ thể về việc xác minh và cơ quan có thẩm quyền xác nhận người đang trong quá trình xác định nạn nhân và người dưới 18 tuổi đi cùng, nhất là trường hợp người không quốc tịch và người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam. Điều này có thể tạo ra khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện hỗ trợ và trợ giúp pháp lý cho các đối tượng này. Các đại biểu mong rằng Chính phủ sẽ ban hành Nghị định hướng dẫn cụ thể vấn đề này.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thảo luận về các kỹ năng khi tiếp xúc, làm việc và trợ giúp pháp lý cho nạn nhân, đặc biệt là thuộc nhóm đặc thù như trẻ em, người khuyết tật, người chuyển giới (LGBT+)... Một nội dung được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận là vấn đề bồi thường thiệt hại cho nạn nhân. Thực tiễn cho thấy, việc xác định và chứng minh thiệt hại của nạn nhân còn gặp nhiều khó khăn; mức bồi thường còn thấp, vì nhiều lý do khác nhau nên nhiều trường hợp không thi hành án được, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp của nạn nhân. Để khắc phục tình trạng này, các đại biểu cho rằng bên cạnh việc tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về quyền được bồi thường thỏa đáng cho nạn nhân thì cần sớm hoàn thiện quy định pháp luật theo hướng xác định rõ các thiệt hại được bồi thường (nhất là các tổn thất về tinh thần, các lợi ích trong tương lai), nghĩa vụ bồi thường, cơ chế và căn cứ bồi thường… Nhiều đại biểu đề xuất cần khẩn tương nghiên cứu, thành lập Quỹ bồi thường cho nạn nhân do Nhà nước quản lý để có thể nhanh chóng bù đắp những tổn thất về vật chất và tinh thần cho nạn nhân, nhất là trong các trường hợp người phạm tội bỏ trốn, bị chết hoặc không có khả năng bồi thường do quá nghèo hoăcj bị chấp hành án phạt tù trong thời gian dài …

Phòng chống mua bán người, trợ giúp pháp lý và bảo vệ nạn nhân là chính sách nhân văn, là nền tảng để xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh nhưng đòi hỏi cần có sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương và phải thực hiện thường xuyên, liên tục, lâu dài. Xét cho cùng, hoạt động bảo vệ nạn nhân mua bán người thích đáng nhất là việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và thiệt hại của nạn nhân được xem xét, quyết định bồi thường một cách khách quan, toàn diện và kịp thời. Để làm được điều này, đòi hỏi một loạt các biện pháp cần thực hiện như: hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực thi pháp luật và trợ giúp pháp lý; tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành trong nước và quốc tế; đặc biệt là cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống mua bán người và trợ giúp pháp lý cho nạn nhân.
Phòng quản lý trợ giúp pháp lý​
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý