Hội nghị tập huấn về Trợ giúp pháp lý ở cơ sở cho cán bộ nòng cốt tại tỉnh Tuyên Quang

Đội ngũ cán bộ nòng cốt cơ sở bao gồm già làng, trưởng bản, trưởng thôn, trưởng dòng họ, người có uy tín trong cộng đồng, cán bộ tư pháp-hộ tịch, cán bộ xã, phường, cán bộ chi hội, đoàn thể… đóng vai trò quan trọng, góp phần mang pháp luật và trợ giúp pháp lý đến với người dân.

Trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng yếu thế” do Ngân hàng thế giới (WB) tài trợ từ nguồn hỗ trợ của Quỹ Phát triển xã hội Nhật Bản, ngày 19/5/2025, tại tỉnh Tuyên Quang, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý tổ chức Hội nghị tập huấn về trợ giúp pháp lý ở cơ sở cho cán bộ nòng cốt.
Tham dự Hội nghị tập huấn, có đại diện Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tuyên Quang, đại diện Phòng Bổ Trợ tư pháp (Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang), các đại biểu là công chức tư pháp, hộ tịch, trưởng thôn, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín trong cộng đồng tại các xã Minh Hương, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang, xã Hán Đà huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.
Phát biểu khai mạc, bà Vũ Thị Hường, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý nhấn mạnh: chính sách trợ giúp pháp lý là chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước dành cho người nghèo, trẻ em, người dân tộc thiểu số và những người thuộc diện chính sách, giúp người dân được hướng dẫn, giải đáp những vướng mắc pháp luật, có cơ hội được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong các vụ án, vụ việc tranh chấp mà không phải trả tiền hay bất kỳ vật chất nào khác.
Bà Vũ Thị Hường, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý phát biểu khai mạc Hội nghị tập huấn

Tại hội nghị tập huấn này, Ban tổ chức đã mời giảng viên là Giám đốc và Phó giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Tuyên Quang, là những người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý. Để nâng cao hiệu quả, chất lượng tập huấn, Phó Cục trưởng Vũ Thị Hường đề nghị giảng viên áp dụng phương pháp tập huấn lấy người học làm trung tâm, tăng cường nêu các ví dụ, tình huống thực tiễn ở địa phương để học viên trao đổi thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và cả những khó khăn, vướng mắc về trợ giúp pháp lý và các vấn đề pháp lý thường gặp ở địa phương.
Bà Lại Khoa Lâm, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Tuyên Quang, Giảng viên lớp tập huấn

Trong suốt quả trình tập huấn, các đại biểu đã chia thành các nhóm để thuận lợi cho việc trao đổi các khó khăn, vướng mắc của địa phương và cả những suy nghĩ, đề xuất của cá nhân về việc làm sao để giúp người dân hiểu về trợ giúp pháp lý và sử dụng trợ giúp pháp lý miễn phí của nhà nước. Các đại biểu tham gia tập huấn với tinh thần trách nhiệm cao, tích cực trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan. Các tình huống pháp luật được các đại biểu quan tâm thảo luận như: khi nào và ai được yêu cầu trợ giúp pháp lý, phạm vi thực hiện trợ giúp pháp lý, diện người được trợ giúp pháp lý, cách thức liên hệ với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước để yêu cầu giúp đỡ, vấn đề bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, tranh chấp đất đai, người chưa thành niên phạm tội, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, kết hôn, tảo hôn…
Các đại biểu tích cực trao đổi, thảo luận

Cuối buổi tập huấn, các đại biểu chia sẻ rất vui khi được tham gia tập huấn để có thêm nhiều thông tin và kiến thức bổ ích về công tác trợ giúp pháp lý, thủ tục yêu cầu và giải quyết trợ giúp pháp lý, các kiến thức pháp luật thường gặp trong đời sống: hôn nhân gia đình, thừa kế, đất đai, quyền dân sự… Sau buổi tập huấn này, các đại biểu sẽ tích cực truyền thông, hướng dẫn người dân ở địa phương biết đến và sử dụng dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí của nhà nước để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
                                                  Phòng Quản lý trợ giúp pháp lý,
                              Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý