Theo đó, Quỹ giải quyết việc làm địa phương được sử dụng làm vốn cho vay giải quyết việc làm. Đối tượng cho vay là hộ kinh doanh cá thể; tổ hợp sản xuất; hợp tác xã hoạt động theo Luật Hợp tác xã; cơ sở sản xuất kinh doanh của người tàn tật; doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; chủ trang trại; Trung tâm Giáo dục Lao động - Xã; hộ gia đình. UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương quyết định đối tượng cho vay phù hợp với chương trình giải quyết việc làm của địa phương.
Điều kiện được vay vốn: Dự án vay vốn phải khả thi, phù hợp với ngành nghề sản xuất kinh doanh, tạo việc làm mới, thu hút thêm lao động vào làm việc ổn định; dự án phải có xác nhận của chính quyền địa phương nơi thực hiện dự án; đối với dự án có mức vay trên 20 triệu đồng phải có tài sản thế chấp, cầm cố theo quy định hiện hành hoặc bảo đảm tiền vay theo hướng dẫn của Hội đồng quản trị Ngân hàng chính sách xã hội. Đối với đối tượng vay vốn là hộ gia đình, điều kiện được vay: Phải đảm bảo tạo thêm tối thiểu 01 chỗ làm việc mới; dự án phải có xác nhận của chính quyền địa phương nơi thực hiện dự án.
Về lãi suất cho vay, thực hiện theo quy định hiện hành về lãi suất cho vay đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách. Đối với đối tượng cho vay là cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho người lao động là người tàn tật, mức lãi suất cho vay bằng 50% lãi suất trên.
Chủ tịch UBND cấp tỉnh là người có thẩm quyền quyết định xem xét xử lý nợ bị rủi ro do nguyên nhân bất khả kháng. Đối tượng được xem xét xử lý nợ rủi ro, nguyên nhân khách quan làm thiệt hại trực tiếp đến vốn và tài sản của khách hàng, biện pháp xử lý…được thực hiện theo Quyết định số 69/2005/QĐ-TTg ngày 6/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế xử lý nợ bị rủi ro của Ngân hàng chính sách xã hội.
Về sử dụng số tiền lãi thu được từ Quỹ khi cho vay, Thông tư hướng dẫn: Trích 50% cho Ngân hàng chính sách xã hội để thực hiện nhiệm vụ của Ngân hàng như công tác thẩm định hồ sơ, thu hồi vốn, xử lý nợ…; 20 % để chi cho công tác lập kế hoạch cho vay và kế hoạch giải quyết việc làm; 30% để lập Quỹ dự phòng rủi ro tại địa phương để bù đắp cho khoản vốn bị tổn thất do nguyên nhân bất khả kháng.
Nguyễn Đình Thơ