Bộ Tư pháp ban hành Quyết định về việc phê duyệt đề án triển khai thực hiện các quy định về thẩm tra viên, thẩm tra viên chính, thẩm tra viên cao cấp thi hành án dân sự

Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định số 50/2005/NĐ-CP ngày 11/4/2005 của Chính phủ về cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự và cán bộ công chức thi hành án dân sự, ngày 18/7/2008, Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 1327/QĐ-BTP phê duyệt Đề án triển khai thực hiện các quy định về thẩm tra viên, thẩm tra viên chính, thẩm tra viên cao cấp thi hành án dân sự, với các nội dung cụ thể sau:

I. MỤC TIÊU
1. Tăng cường công tác kiểm tra của cơ quan thi hành án cấp trên đối với cơ quan thi hành án cấp dưới, đồng thời đẩy mạnh thực hiện kiểm tra, giám sát trong nội bộ của cơ quan thi hành án đối với hoạt động của chấp hành viên, góp phần hạn chế và đi đến khắc phục oan, sai trong hoạt động thi hành án, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan.
2. Giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến thi hành án dân sự ngay từ cơ sở, hạn chế đến mức tối đa tình trạng khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động thi hành án vượt cấp, kéo dài.
3. Tham mưu để cơ quan quản lý và cơ quan thi hành án có thẩm quyền chỉ đạo giải quyết dứt điểm những vụ án lớn, án phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp.
4. Củng cố, kiện toàn tổ chức các cơ quan thi hành án, tháo gỡ và giải quyết những hạn chế, bất cập trong công tác cán bộ của cơ quan thi hành án, xây dựng đội ngũ cán bộ thi hành án chính quy, chuyên nghiệp có đủ sức hoàn thành nhiệm vụ được giao.
II. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG
Đối tượng áp dụng bao gồm thẩm tra viên, thẩm tra viên chính, thẩm tra viên cao cấp của Cục Thi hành án dân sự Bộ Tư pháp; thẩm tra viên, thẩm tra viên chính, thẩm tra viên cao cấp của Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng; thẩm tra viên, thẩm tra viên chính của Thi hành án dân sự cấp tỉnh; thẩm tra viên của Thi hành án dân sự cấp huyện và Thi hành án cấp quân khu.
III. CƠ CẤU, SỐ LƯỢNG VÀ BỐ TRÍ NHÂN SỰ BỔ NHIỆM THẨM TRA VIÊN, THẨM TRA VIÊN CHÍNH, THẨM TRA VIÊN CAO CẤP
1. Đối với Cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp 
a) Cơ cấu, số lượng và bố trí nhân sự bổ nhiệm thẩm tra viên cao cấp:
- Về cơ cấu: Cơ cấu thẩm tra viên cao cấp của Cục Thi hành án dân sự do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định trên cơ sở đề nghị của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Tư pháp;
- Về số lượng: Số lượng thẩm tra viên cao cấp của Cục Thi hành án dân sự do Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định.
- Bố trí nhân sự: Nhân sự để bổ nhiệm thẩm tra viên cao cấp của Cục Thi hành án dân sự do Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự lựa chọn, sau khi thỏa thuận thống nhất ý kiến với Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.
b) Cơ cấu, số lượng thẩm tra viên, thẩm tra viên chính:
- Cơ cấu, số lượng: Cơ cấu, số lượng thẩm tra viên, thẩm tra viên chính của Cục Thi hành án dân sự do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định trên cơ sở đề nghị của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự;
- Bố trí nhân sự: Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự đề xuất nhân sự để xem xét và thực hiện quy trình bổ nhiệm thẩm tra viên, thẩm tra viên chính của Cục Thi hành án dân sự.
2. Đối với Cục Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng
a) Cơ cấu, số lượng và bố trí nhân sự bổ nhiệm thẩm tra viên cao cấp:
- Về cơ cấu: Cơ cấu chức danh thẩm tra viên cao cấp của Cục Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định;
- Về số lượng: Số lượng thẩm tra viên cao cấp của Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng do Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định;
- Bố trí nhân sự: Nhân sự để bổ nhiệm thẩm tra viên cao cấp của Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
b) Cơ cấu, số lượng thẩm tra viên, thẩm tra viên chính:
- Cơ cấu, số lượng: Cơ cấu, số lượng thẩm tra viên, thẩm tra viên chính của Cục Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định theo đề nghị của Cục trưởng Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng.
- Bố trí nhân sự: Nhân sự để bổ nhiệm thẩm tra viên, thẩm tra viên chính của Cục Thi hành án thực hiện theo quy định của Bộ Quốc phòng.
3. Đối với Thi hành án dân sự cấp tỉnh
a) Cơ cấu, số lượng và bố trí nhân sự bổ nhiệm thẩm tra viên chính:
Trước mắt Thi hành án dân sự cấp tỉnh chỉ bố trí từ 02 đến 03 thẩm tra viên chính (riêng Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội và Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh có thể bố trí nhiều hơn 03 người nhưng tối đa không quá 05 người). Trường hợp, do yêu cầu của công tác tổ chức cán bộ và để đáp ứng nhiệm vụ, quyền hạn được giao mà phải bố trí số lượng thẩm tra viên chính nhiều hơn định mức nêu trên thì Trưởng Thi hành án dân sự có văn bản nêu rõ lý do để trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định.
Nhân sự để bổ nhiệm thẩm tra viên chính của Thi hành án dân sự cấp tỉnh do Trưởng Thi hành án dân sự cấp tỉnh lựa chọn.
b) Cơ cấu, số lượng và bố trí nhân sự bổ nhiệm thẩm tra viên:
Trước mắt Thi hành án dân sự cấp tỉnh chỉ bố trí từ 02 đến 03 thẩm tra viên (riêng Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội và Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh có thể bố trí nhiều hơn 03 người nhưng tối đa không quá 06 người). Trường hợp, do yêu cầu của công tác tổ chức cán bộ và để đáp ứng nhiệm vụ, quyền hạn được giao mà phải bố trí số lượng thẩm tra viên nhiều hơn định mức nêu trên thì Trưởng Thi hành án dân sự có văn bản nêu rõ lý do để trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định.
Nhân sự để bổ nhiệm thẩm tra viên của Thi hành án dân sự cấp tỉnh do Trưởng Thi hành án dân sự cấp tỉnh lựa chọn.
4. Đối với Thi hành án dân sự cấp huyện
Trước mắt Thi hành án dân sự cấp huyện chỉ bố trí từ 01 đến 02 thẩm tra viên (riêng Thi hành án dân sự các quận thuộc thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Thi hành án dân sự thành phố thuộc tỉnh có thể bố trí nhiều hơn 02 người nhưng tối đa không quá 04 người). Trường hợp, do yêu cầu của công tác tổ chức cán bộ và để đáp ứng nhiệm vụ, quyền hạn được giao mà phải bố trí số lượng thẩm tra viên nhiều hơn định mức nêu trên thì Trưởng Thi hành án dân sự có văn bản nêu rõ lý do để trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định.
Nhân sự để bổ nhiệm thẩm tra viên của Thi hành án dân sự cấp huyện do Trưởng Thi hành án dân sự cấp tỉnh lựa chọn theo đề nghị của Trưởng Thi hành án dân sự cấp huyện.
5. Đối với Thi hành án cấp quân khu
Cơ cấu, số lượng thẩm tra viên của Thi hành án cấp quân khu do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định sau khi thống nhất ý kiến với Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Nhân sự để bổ nhiệm thẩm tra viên Thi hành án cấp quân khu thực hiện theo quy định của Bộ Quốc phòng.
IV. THẨM QUYỀN VÀ TRÌNH TỰ BỔ NHIỆM
1. Thẩm quyền bổ nhiệm
a) Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm đối với chức danh thẩm tra viên chính thi hành án dân sự thuộc các cơ quan thi hành án dân sự địa phương và Cục Thi hành án dân sự theo đề nghị của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự; quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm đối với thẩm tra viên, thẩm tra viên chính thi hành án dân sự trong quân đội theo đề nghị của Bộ Quốc phòng.
b) Bộ trưởng Bộ Tư pháp uỷ quyền cho Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm đối với chức danh thẩm tra viên thuộc các cơ quan thi hành án dân sự địa phương và Cục Thi hành án dân sự.
c) Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định bổ nhiệm thẩm tra cao cấp thi hành án dân sự thuộc Cục Thi hành án dân sự; Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ bổ nhiệm thẩm tra viên cao cấp thi hành án dân sự thuộc Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng.
2. Trình tự bổ nhiệm
a) Giai đoạn 1:
- Đối với những người đang ở ngạch chuyên viên, chuyên viên chính nay dự kiến bổ nhiệm vào các ngạch tương đương như thẩm tra viên, thẩm tra viên chính và chuyên viên giữ bậc lương cuối cùng của ngạch chuyên viên dự kiến bổ nhiệm vào ngạch thẩm tra viên chính thì căn cứ quy định tại Điều 22 Nghị định số 117/2003/NĐ-CP để xét chuyển ngạch. Trước khi chuyển ngạch, phải thành lập Hội đồng kiểm tra để sát hạch về trình độ, năng lực của công chức. Hội đồng kiểm tra sát hạch gồm có:
+ Hội đồng xét duyệt chuyển ngạch đối với thẩm tra viên, thẩm tra viên chính của các cơ quan thi hành án dân sự địa phương gồm 05 thành viên: Chủ tịch Hội đồng là Trưởng Thi hành án dân sự cấp tỉnh; các uỷ viên gồm có đại diện lãnh đạo Phòng tổ chức hành chính thuộc Thi hành án dân sự cấp tỉnh (kiêm thư ký hội đồng), 01 Trưởng Thi hành án dân sự cấp huyện, 02 Chấp hành viên cấp tỉnh.
+ Hội đồng xét duyệt chuyển ngạch đối với thẩm tra viên, thẩm tra viên chính của Cục Thi hành án dân sự Bộ Tư pháp gồm 05 thành viên: Chủ tịch Hội đồng là Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự; các uỷ viên gồm có Trưởng phòng tổ chức cán bộ (uỷ viên kiêm thư ký hội đồng), các phòng chuyên môn thuộc Cục Thi hành án dân sự do Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự cử.
+ Hội đồng xét duyệt chuyển ngạch đối với thẩm tra viên, thẩm tra viên chính của Cục Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng và Thi hành án cấp quân khu gồm có 05 thành viên: Chủ tịch Hội đồng là Cục trưởng Cục Thi hành án; các uỷ viên gồm có đại diện lãnh đạo Phòng tổ chức cán bộ (uỷ viên kiêm thư ký hội đồng), các thành viên còn lại là Trưởng các phòng chuyên môn thuộc Cục Thi hành án dân sự do Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự cử.
Hội đồng có nhiệm vụ tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định xét duyệt chuyển ngạch đối với thẩm tra viên, thẩm tra viên chính thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật.
- Đối với những người có đủ tiêu chuẩn để bổ nhiệm ở ngạch cao hơn như: người đang ở ngạch chuyên viên nhưng đủ điều kiện, tiêu chuẩn và có nhu cầu bố trí vào ngạch thẩm tra viên chính thì lập hồ sơ, tổ chức thi kiểm tra và cấp giấy chứng nhận ngạch, đồng thời bổ nhiệm vào ngạch mới theo thành phần gồm có 05 người: Chủ tịch Hội đồng là 01 Thứ trưởng Bộ Tư pháp. Các uỷ viên Hội đồng: Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự; đại diện lãnh đạo Vụ tổ chức cán bộ Bộ Tư pháp, Trưởng Phòng tổ chức cán bộ thuộc Cục Thi hành án dân sự (uỷ viên kiêm thư ký Hội đồng) 01 chuyên gia về thi hành án dân sự tương đương với ngạch thẩm tra viên chính hoặc ở ngạch cao hơn do Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự giới thiệu. Hội đồng thi có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực, khả năng hoàn thành nhiệm vụ của công chức, cấp Giấy chứng nhận ngạch để trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm ngạch. Hình thức và nội dung kiểm tra do Chủ tịch Hội đồng quyết định.
Đối với những người đang ở ngạch chuyên viên chính, có đủ tiêu chuẩn ngạch thẩm tra viên cao cấp và đơn vị có nhu cầu đề nghị bổ nhiệm thẩm tra viên cao cấp thì Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Nội vụ thực hiện các quy trình theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Tư pháp.
b) Giai đoạn 2:
Tổ chức việc thi, kiểm tra để nâng ngạch, chuyển ngạch tuần tự theo các bước như: đang là thẩm tra viên thì đề nghị thi, kiểm tra để bổ nhiệm làm thẩm tra viên chính; đang là thẩm tra viên chính đề nghị thi, kiểm tra để bổ nhiệm thẩm tra viên cao cấp. Thủ tục thi nâng ngạch, cấp giấy chứng nhận ngạch và bổ nhiệm vào các ngạch thẩm tra viên, thẩm tra viên chính, thẩm tra viên cao cấp thực hiện theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Tư pháp. Riêng đối với nâng ngạch từ thẩm tra viên chính lên thẩm tra viên cao cấp, Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Nội vụ thực hiện các quy trình theo quy định của pháp luật.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự có trách nhiệm
a) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Đề án này.
b) Phối hợp với Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ để tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định số lượng và bổ nhiệm thẩm tra viên cao cấp thi hành án thuộc Cục Thi hành án dân sự Bộ Tư pháp.
c) Phối hợp với Cục trưởng Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng để tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định số lượng và bổ nhiệm thẩm tra viên cao cấp thi hành án thuộc Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng.
d) Rà soát các trường hợp đang ở ngạch chuyên viên, chuyên viên chính nay dự kiến bổ nhiệm vào các ngạch tương đương và những người đang ở ngạch chuyên viên nhưng đủ điều kiện, tiêu chuẩn và có nhu cầu bố trí vào ngạch thẩm tra viên chính để đề nghị Hồi đồng kiểm tra tổ chức kiểm tra, cấp giấy chứng nhận ngạch theo quy định tại Đề án này.
đ) Phối hợp với Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Tư pháp rà soát các trường hợp đang ở ngạch chuyên viên chính nhưng đủ điều kiện, tiêu chuẩn và có nhu cầu bố trí vào ngạch thẩm tra viên cao cấp để tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Nội vụ thực hiện các quy trình nâng ngạch theo quy định của pháp luật.
e) Dự thảo văn bản trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định thành lập Hội đồng xét duyệt, kiểm tra đối với trường hợp chuyển ngạch và nâng ngạch thẩm tra viên thi hành án để thực hiện giai đoạn 1 quy trình bổ nhiệm thẩm tra viên, thẩm tra viên chính nêu tại điểm 1 mục II của Đề án này.
g) Chuẩn bị hồ sơ, thủ tục liên quan đến việc chuyển ngạch, bổ nhiệm vào ngạch thẩm tra viên, thẩm tra viên chính của các cơ quan thi hành án dân sự trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định.
h) Dự thảo văn bản trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định về nâng ngạch, chuyển ngạch thẩm tra viên, thẩm tra viên chính, thẩm tra viên cao cấp thi hành án để thực hiện giai đoạn 2 quy trình bổ nhiệm thẩm tra viên nêu tại điểm 2 mục II của Đề án này.
i) Hướng dẫn và bồi dưỡng nghiệp vụ thẩm tra viên, thẩm tra viên chính thi hành án và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Bộ trưởng Bộ Tư pháp giao.
2. Vụ trưởng vụ tổ chức cán bộ có trách nhiệm
a) Phối hợp với Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự để tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định số lượng và bổ nhiệm thẩm tra viên cao cấp thi hành án thuộc Cục Thi hành án dân sự Bộ Tư pháp.
b) Phối hợp với Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự rà soát các trường hợp đang ở ngạch chuyên viên chính nhưng đủ điều kiện, tiêu chuẩn và có nhu cầu bố trí vào ngạch thẩm tra viên cao cấp để tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Nội vụ thực hiện các quy trình nâng ngạch theo quy định của pháp luật.
c) Thực hiện các nhiệm vụ khác được nêu tại Mục I của Đề án và các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng Bộ Tư pháp giao.
3. Cục trưởng Cục Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng có trách nhiệm
a) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Đề án này.
b) Phối hợp với Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp để tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thống nhất với Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ xác định số lượng và bổ nhiệm thẩm tra viên cao cấp thi hành án thuộc Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng.
c) Phối hợp với Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp thực hiện các nhiệm vụ có liên quan đến việc bổ nhiệm thẩm tra viên, thẩm tra viên chính, thẩm tra viên cao cấp thuộc Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng, Thi hành án cấp quân khu nêu tại khoản 1 mục II của Đề án này.
d) Phối hợp với các cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng, báo cáo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm thẩm tra viên, thẩm tra viên chính thi hành án, đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ bổ nhiệm thẩm tra viên cao cấp thi hành án trong quân đội.
4. Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm
a) Chỉ đạo Trưởng Thi hành án dân sự rà soát các trường hợp có đủ tiêu chuẩn, điều kiện để bổ nhiệm vào ngạch thẩm tra viên, thẩm tra viên chính thuộc Thi hành án dân sự cấp tỉnh và cấp huyện.
b) Có ý kiến bằng văn bản đối với các trường hợp được đề nghị bổ nhiệm vào ngạch thẩm tra viên, thẩm tra viên chính thuộc Thi hành án dân sự cấp tỉnh và cấp huyện.
5. Trưởng Thi hành án dân sự cấp tỉnh có trách nhiệm
a) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Đề án này.
b) Rà soát các trường hợp có đủ tiêu chuẩn, điều kiện để bổ nhiệm vào ngạch thẩm tra viên, thẩm tra viên chính thi hành án thuộc Thi hành án dân sự cấp tỉnh và cấp huyện.
c) Báo cáo Giám đốc Sở Tư pháp cho ý kiến bằng văn bản về việc đề nghị bổ nhiệm thẩm tra viên, thẩm tra viên chính thuộc Thi hành án dân sự cấp tỉnh, cấp huyện.
6. Thời gian thực hiện
Giai đoạn 1 của Đề án phải thực hiện xong trong Quý IV năm 2008.
Trên cơ sở kết quả thực hiện giai đoạn 1 của Đề án, Cục Thi hành án dân sự tổ chức sơ kết và trình Bộ trưởng xem xét để tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 của Đề án./
Nguyễn Văn Nghĩa - Cục Thi hành án dân sự