Xây dựng pháp luật phù hợp các cam kết gia nhập WTO

Công tác xây dựng pháp luật nói chung và công tác tư pháp nói riêng có quan hệ chặt chẽ với việc gia nhập và thực hiện các cam kết đã ký khi gia nhập WTO của nước ta. Phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Uông Chu Lưu về công tác này.

PV: Trong quá trình đàm phán gia nhập WTO 11 năm qua, Nhà nước ta đã làm được những gì trong công tác xây dựng pháp luật để phù hợp và tương thích với các quy định của tổ chức này?

Trả lời: Hơn 11 năm qua, Việt Nam đã kiên trì, chủ động tiến hành đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Ngày 7-11 vừa qua, nước ta đã chính thức trở thành thành viên thứ 150 của tổ chức. Ðó là một dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế; là thắng lợi của sự nghiệp Ðổi mới, của đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa với phương châm "Việt Nam là đối tác tin cậy của tất cả các nước".
Nhìn lại quá trình và kết quả đàm phán gia nhập WTO, có thể nói rằng, công tác xây dựng pháp luật đã đóng một vai trò quan trọng, là một trong những yếu tố tiên quyết để Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức này.
 
Theo quy định của Hiệp định Ma-ra-két thành lập Tổ chức Thương mại thế giới thì "Mỗi thành viên phải bảo đảm sự thống nhất giữa các luật, các quy định dưới luật và các thủ tục hành chính của nước mình với những nghĩa vụ của mình được quy định trong các hiệp định của WTO". Ðây là một công việc không hề đơn giản, ngay cả đối với những nước phát triển và càng khó khăn hơn đối với những nước đang phát triển và đang trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế như Việt Nam. Bởi lẽ, các quy định của WTO rất đồ sộ và phức tạp, có gắn kết với nhiều án lệ thương mại quốc tế và nhiều học thuyết kinh tế quốc tế khác nhau.
 
Tháng 6-2000, ta đã trình Ban Công tác gia nhập WTO của Việt Nam Chương trình hành động lập pháp đầu tiên. Tại các phiên đàm phán đa phương, chương trình này thường xuyên được cập nhật với nội dung bổ sung các cam kết mới, phù hợp tiến trình đàm phán và thông tin về tiến độ ban hành các văn bản pháp luật.
 
Tính đến tháng 9-2006, Quốc hội khóa XI (2002 - 2007) đã năm lần điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, bổ sung các dự án luật, pháp lệnh phục vụ trực tiếp quá trình đàm phán gia nhập WTO. Cho đến tháng 10-2006, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành hơn 60 luật, pháp lệnh phục vụ trực tiếp quá trình đàm phán gia nhập WTO. Nhiều văn bản pháp luật quan trọng về thuế, hải quan, ngân hàng, chứng khoán, thương mại, đầu tư, doanh nghiệp, tiêu chuẩn, quy chuẩn hàng hóa, bưu chính viễn thông, giao dịch điện tử, dân sự, sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, hàng không, hàng hải, đất đai, xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản, bảo vệ và kiểm dịch thực vật, vệ sinh an toàn thực phẩm, v.v, liên quan trực tiếp việc thực hiện các cam kết về thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, thương mại đầu tư và sở hữu trí tuệ đã được ban hành. Các Bộ luật về Tố tụng Hình sự, Tố tụng Dân sự, Luật Luật sư, Khiếu nại tố cáo, Pháp lệnh trọng tài thương mại, giám định tư pháp, thủ tục giải quyết các vụ án hành chính..., phục vụ  các hoạt động tố tụng và giải quyết tranh chấp cũng đã được ban hành. Các văn bản pháp luật bảo đảm sự bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh trong đầu tư, kinh doanh, phù hợp các quy định của WTO và thông lệ thương mại quốc tế như Luật Cạnh tranh, Ðầu tư, Thương mại, Pháp lệnh đối xử tối huệ quốc, đối xử quốc gia, chống bán phá giá, chống trợ cấp cũng đã được ban hành. Ðể đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng, hiệu quả lập pháp, lập quy, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính công khai, minh bạch của văn bản quy phạm pháp luật, Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung kịp thời Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ban hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HÐND và UBND, Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế.
 
Hơn 11 năm qua, một số lượng lớn văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, của HÐND và UBND phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế và WTO cũng đã được ban hành.
 
Ðến lúc này, chúng ta có thể khẳng định rằng, hơn 11 năm qua, hoạt động xây dựng pháp luật phục vụ đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới và hội nhập kinh tế quốc tế đã đạt được những kết quả rất khả quan và có sự tiến bộ vượt bậc, thể hiện sinh động trí tuệ lập pháp Việt Nam trong thời kỳ Ðổi mới. Các văn bản quy phạm pháp luật ban hành trong thời gian qua đã tạo động lực mạnh mẽ, khung pháp lý quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
 
PV: Sau khi đã chính thức trở thành thành viên WTO, chúng ta còn phải tiếp tục làm gì để hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm thực hiện các cam kết đã ký, thưa ông?

Trả lời: Như đã nói ở trên, ngay sau khi kết thúc đàm phán ngày 26-10-2006 về điều kiện và quy chế thành viên WTO của Việt Nam, các bộ, ngành liên quan đã tiếp tục rà soát, đối chiếu các quy định của pháp luật Việt Nam liên quan các cam kết cụ thể của Việt Nam trong Bộ hồ sơ cam kết về điều kiện và quy chế thành viên WTO của Việt Nam. Theo báo cáo kết quả rà soát bước đầu của các bộ, ngành liên quan, Bộ Tư pháp nhận thấy không phải sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản quy phạm pháp luật để thực thi các cam kết của Việt Nam: Về luật và pháp lệnh, trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, cần sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt để thực thi cam kết về thuế đối với rượu, bia. Ðối với Biểu thuế nhập khẩu, cũng cần xem xét để có giải pháp thích hợp. Trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, bên cạnh xây dựng và thông qua văn bản liên ngành hướng dẫn một số vấn đề trong tố tụng liên quan các vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, cần điều chỉnh một số quy định của Bộ luật Hình sự để bảo đảm các cam kết về các biện pháp chế tài liên quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, cần điều chỉnh một số quy định của Luật Ðiện ảnh, Luật Xuất bản. Về quy định liên quan minh bạch, công khai, phải điều chỉnh một số quy định của hai Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể là Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật phải có thời gian tối thiểu là 60 ngày trước khi ban hành để cho nhân dân và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản đóng góp ý kiến. Mọi văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo... Về các văn bản dưới luật, pháp lệnh, phải điều chỉnh một số quy định liên quan các luật, pháp lệnh nói trên và cần ban hành một số văn bản cấp bộ, ngành để hướng dẫn  cụ thể thi hành các cam kết của Việt Nam theo Bộ hồ sơ cam kết về điều kiện và quy chế thành viên WTO của Việt Nam. Theo quy định của Luật Ðiều ước quốc tế năm 2005 và cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, khi phê chuẩn Nghị định thư gia nhập, Quốc hội quyết định những nội dung đã đủ rõ, chi tiết của Nghị định thư gia nhập, có thể áp dụng trực tiếp và các nội dung cần chuyển hóa vào pháp luật trong nước (nội luật hóa). Ðây là cách tốt nhất để bảo đảm thực hiện các cam kết của Việt Nam với WTO.
 
Xây dựng pháp luật bảo đảm thực hiện các cam kết của Việt Nam gia nhập WTO là một nhiệm vụ quan trọng, vừa khẩn trương vừa lâu dài đã được xác định rõ trong Nghị quyết số 48-NQ/T.Ư ngày 24-5-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam. Ðó là "Phát huy cao độ nội lực, tích cực chủ động hội nhập quốc tế, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế trên cơ sở giữ vững độc lập, chủ quyền, an ninh quốc gia và định hướng xã hội chủ nghĩa".

PV: Theo ông, việc gia nhập WTO có ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động của ngành tư pháp?

Trả lời: Rõ ràng việc gia nhập WTO có ảnh hưởng và tác động nhất định đến hoạt động của ngành tư pháp. Trước hết, việc gia nhập WTO đã đặt ra nhiều cơ hội và thách thức mới trong cải cách tư pháp và đổi mới hệ thống pháp luật, trong đó có yêu cầu về đổi mới tư duy pháp lý và tư pháp, trong việc đổi mới tổ chức và hoạt động của các thiết chế tư pháp, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, đổi mới mạnh mẽ tác phong và lề lối làm việc. Trước mắt và lâu dài cần tiếp tục tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ tư pháp và pháp chế làm công tác soạn thảo, thẩm định, rà soát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật ở cả cấp Trung ương và cấp địa phương. Nghiên cứu trình Chính phủ, Quốc hội trong năm 2007 dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên cơ sở hợp nhất hai luật hiện hành về ban hành văn bản của Trung ương và địa phương, nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng, bảo đảm tính công khai, minh bạch trong hoạt động lập pháp, lập quy; trực tiếp soạn thảo, tham gia soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh đã được xác định trong Chương trình xây dựng pháp luật năm 2007 của Quốc hội, của Chính phủ, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của văn bản trong hệ thống pháp luật và theo hướng luật, pháp lệnh quy định cụ thể để thi hành được ngay, giảm bớt các văn bản hướng dẫn. Chủ trì, phối hợp các bộ, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Xây dựng cơ chế đánh giá tác động của WTO trên các lĩnh vực cho cán bộ và nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp. Ðổi mới chương trình, giáo trình, nội dung giảng dạy một số môn học trong các trường đại học luật liên quan hội nhập kinh tế quốc tế và thực hiện cam kết của thành viên WTO. Ðẩy mạnh công tác đào tạo luật gia, nhất là đội ngũ luật sư, các chức danh tư pháp như thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên, công chứng viên có năng lực, trình độ tham gia vào quy trình hội nhập. Trước mắt, tập trung một số luật sư, luật gia giỏi, có trình độ ngoại ngữ để đào tạo trong nước hoặc gửi ra nước ngoài đào tạo về pháp luật quốc tế và cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế nhằm phục vụ có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
 
Ngành tư pháp phải góp phần để tạo dựng các yếu tố và cơ chế cho Chính phủ và các cơ quan nhà nước Việt Nam thích ứng với WTO và cơ chế kinh tế thị trường hiện đại, góp phần thay đổi quan niệm công vụ, công chức và phương pháp, tác phong, cách thức xử lý các vấn đề kinh tế của Chính phủ và các cơ quan nhà nước khác.
 
(Theo Nhân dân)