Chính phủ bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm về sơ tuyển sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự

Nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân và Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn hiện nay. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu. Bộ Quốc phòng đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2012 được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 37/2022/NĐ-CP ngày 06/6/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu, trong đó có các đề xuất về các mức xử phạt vi phạm nghĩa vụ quân sự dự kiến sẽ áp dụng trong năm 2025.

Dự thảo Nghị định đã bổ sung phạm vi điều chỉnh để đồng bộ, thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành, cụ thể vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng bao gồm: Vi phạm quy định về thực hiện nghĩa vụ quân sự; nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; Vi phạm quy định về lực lượng dự bị động viên; Vi phạm quy định về dân quân tự vệ; Vi phạm quy định về phòng thủ dân sự; Vi phạm về phòng không nhân dân; Vi phạm quy định về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; Vi phạm về công nghiệp quốc phòng, động viên công nghiệp; Vi phạm quy định về sử dụng chứng nhận đăng ký, biển số xe quân sự, biển số phương tiện quân sự hoạt động trong lĩnh vực đường thủy nội địa và hàng hải…
          Đồng thời, dự thảo Nghị định cũng bổ sung, làm rõ thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; sửa đổi quy định về thời gian tính thời hiệu xử phạt theo hướng quy định rõ thời điểm tính thời hiệu xử phạt đối với các nhóm hành vi vi phạm cụ thể, bảo đảm cho việc áp dụng pháp luật được thống nhất.
          Dự thảo Nghị định xác định mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu là 75.000.000 đồng và đối với tổ chức là 150.000.000 đồng. Mức phạt tiền quy định tại Chương II; Chương III dự thảo Nghị định là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
          Bộ Quốc Phòng đề xuất mức xử phạt vi phạm hành chính mới đối với vi phạm quy định về sơ tuyển sức khỏe, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân như sau:
          - Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung sơ tuyển ghi trong lệnh gọi sơ tuyển sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự, lệnh gọi sơ tuyển sức khỏe nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân của cấp có thẩm quyền mà không có lý do chính đáng.
          - Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi cố ý không nhận lệnh gọi sơ tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự, lệnh gọi sơ tuyển sức khỏe nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân của cấp có thẩm quyền mà không có lý do chính đáng.
- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm khám sức khỏe ghi trong lệnh gọi khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự, lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân của cấp có thẩm quyền mà không có lý do chính đáng.
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
+ Cản trở công dân nhận lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự, lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân của cấp có thẩm quyền, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
+ Cố ý không nhận lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự, lệnh gọi khám sức khỏe ngĩa vụ tham gia Công an nhân dân của cấp có thẩm quyền mà không có lý do chính đáng.
- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
+ Người được khám sức khỏe có hành vi gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân;
+Đưa hoặc nhận tiền, tài sản, hoặc lợi ích vật chất giá trị khác đến dưới 2.000.000 đồng cho cán bộ, nhân viên y tế hoặc người khác để làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của người được kiểm tra hoặc người được khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự, khám sức khỏe nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân nhắm trốn tránh nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.
- Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự, lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định còn quy định đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu xảy ra trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành mà sau đó mới phát hiện hoặc đang xem xét, giải quyết thì áp dụng Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực tại thời điểm thực hiện hành vi vi phạm để xử lý. Trường hợp Nghị định này không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi đã xảy ra trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thì áp dụng các quy định của Nghị định này để xử lý.
Đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu đã được ban hành hoặc đã được thi hành xong trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành, mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính còn khiếu nại, thì áp dụng quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 120/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2013, đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 37/2022/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2022 của Chính phủ để giải quyết./.
Thùy Nhung
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý