Đông Nam Bộ đẩy mạnh phát triển logistics với lợi thế hạ tầng và vị trí chiến lược, đồng thời tăng cường hỗ trợ pháp lý giúp doanh nghiệp tuân thủ hiệu quả Luật Doanh nghiệp 2020.
Doanh nghiệp nhỏ cần "la bàn pháp lý" trong biển hội nhập
Việc tuân thủ pháp luật, đặc biệt dưới các quy định mới của Luật Doanh nghiệp 2020, đang là thách thức lớn với các doanh nghiệp logistics nhỏ và vừa là lực lượng chiếm tỷ lệ áp đảo trong toàn ngành. Để những quy định pháp lý không trở thành "rào chắn vô hình" mà thật sự trở thành bệ đỡ phát triển, mô hình phối hợp giữa cơ quan pháp luật và Hiệp hội Logistics Việt Nam (VLA) đang mở ra một hướng đi đáng chú ý, giúp đưa pháp luật đi vào đời sống doanh nghiệp.
Trong hành trình hội nhập và chuyển đổi số mạnh mẽ của ngành logistics, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) không thể chỉ tập trung vào năng lực vận hành. Bên cạnh yếu tố công nghệ và vốn, hành lang pháp lý chính là nền tảng không thể thiếu để doanh nghiệp phát triển bền vững. Luật Doanh nghiệp 2020 với nhiều quy định mới ra đời nhằm thúc đẩy tinh thần tự do kinh doanh, nhưng lại đặt ra những yêu cầu phức tạp về quản trị, điều lệ, người đại diện pháp luật, công bố thông tin... khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ bị động.
Thực tế cho thấy, không ít doanh nghiệp logistics quy mô nhỏ ở các tỉnh, đặc biệt khu vực TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương đã bị xử phạt vì vô tình vi phạm các quy định về giấy phép con hoặc điều kiện kinh doanh trong ngành. Đây không phải là lỗi cố tình vi phạm, mà phần lớn do thiếu hiểu biết pháp luật hoặc không được tư vấn kịp thời.
Trước thực trạng này, Bộ Tư pháp cùng các cơ quan liên ngành đã chủ động xây dựng mô hình hỗ trợ pháp lý đa tầng lớp, kết nối với các hiệp hội ngành hàng như VLA. Điển hình, việc ký kết các chương trình hợp tác phổ biến pháp luật giữa Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật với các hiệp hội logistics tại Hải Phòng, TP.HCM... đang phát huy tác dụng.
Thông qua các hội thảo, lớp tập huấn, toạ đàm chuyên đề pháp luật trở nên gần gũi hơn với doanh nghiệp. Các vấn đề pháp lý cụ thể như thủ tục đăng ký ngành nghề, điều kiện kinh doanh logistics, hợp đồng vận tải quốc tế, quy định mới về thuế, bảo hiểm... đều được giải thích rõ ràng, kèm tình huống minh họa.
Không dừng lại ở vai trò kết nối thông tin, các hiệp hội như VLA đang trở thành lực lượng thực thi chính sách pháp luật hiệu quả. Với mạng lưới hàng trăm hội viên từ Bắc tới Nam, VLA dễ dàng tiếp cận, lắng nghe và phản ánh những khó khăn pháp lý từ thực tiễn lên các cơ quan quản lý.
Bên cạnh đó, các ban chuyên môn của VLA, đặc biệt Ban Pháp chế, quy tụ những luật sư giàu kinh nghiệm trong ngành logistics, thường xuyên tư vấn trực tiếp cho hội viên, giúp họ phòng ngừa tranh chấp, điều chỉnh điều lệ doanh nghiệp, phân quyền người đại diện đúng pháp luật.
Các doanh nghiệp logistics nhỏ và vừa thường gặp những vướng mắc xoay quanh bốn nhóm vấn đề chính: đăng ký ngành nghề kinh doanh, người đại diện pháp luật, góp vốn điều lệ, và công bố thông tin doanh nghiệp. Mỗi nhóm đều có những quy định chặt chẽ đòi hỏi doanh nghiệp phải hiểu đúng và tuân thủ đầy đủ.
Chẳng hạn, Luật Doanh nghiệp 2020 cho phép không ghi ngành nghề trên giấy phép kinh doanh, nhưng thực tế doanh nghiệp vẫn phải đăng ký mã ngành phù hợp và đáp ứng điều kiện kinh doanh, điều mà nhiều doanh nghiệp nhầm lẫn. Tương tự, quy định mới về người đại diện có thể dẫn đến rủi ro tranh chấp nếu doanh nghiệp không phân quyền rõ ràng trong điều lệ.
Cần hành lang pháp lý chuyên biệt cho logistics
Các chuyên gia luật đều cho rằng, phổ biến pháp luật cho doanh nghiệp chỉ hiệu quả khi gắn với thực tế ngành nghề. Ngành logistics có tính chất liên ngành, liên thông, vừa tuân luật thương mại, vừa chịu quy định vận tải, hải quan, thuế... Do đó, sự đồng hành của các hiệp hội chuyên ngành như VLA là yếu tố quyết định.
Ông Mai Hữu Tín - chuyên gia pháp lý VLA nhận định: “Muốn luật đi vào đời sống, phải dùng ngôn ngữ doanh nghiệp hiểu được. Không thể đọc nguyên văn điều luật, mà cần diễn giải bằng hợp đồng mẫu, tình huống cụ thể.” Đây cũng là lý do vì sao VLA đang phát triển nền tảng e-learning có khóa học pháp luật logistics minh hoạ thực tiễn.
Một số mô hình phối hợp được đánh giá cao đó là tổ công tác pháp lý liên ngành (Bộ Tư pháp - Bộ Xây dựng - VLA), chương trình ký kết định kỳ hỗ trợ pháp lý theo quý, và nền tảng tra cứu pháp lý số hóa riêng cho ngành logistics. Các mô hình này không chỉ nâng cao hiệu quả phổ biến, mà còn tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.
Vừa qua, tại Hải Phòng, mô hình hội thảo “Hỏi - Đáp pháp luật” do HPLA phối hợp Bộ Tư pháp tổ chức đã thu hút hàng trăm doanh nghiệp tham gia, với hàng chục tình huống pháp lý thực tiễn được giải đáp.
Nhiều doanh nghiệp logistics nhỏ và vừa thừa nhận, từ khi được tư vấn pháp lý đầy đủ, họ tự tin hơn trong ký hợp đồng, xây dựng quy chế nội bộ và tiếp cận đối tác lớn. Một giám đốc công ty logistics tại Đồng Nai chia sẻ: “Có lần tôi suýt ký hợp đồng vận tải với điều khoản bất lợi, may nhờ luật sư của hiệp hội tư vấn kịp thời, tránh được tranh chấp có thể lên tới hàng trăm triệu.” Đây là minh chứng rõ ràng cho giá trị của hỗ trợ pháp lý sát sườn với hoạt động doanh nghiệp.
Ở tầm thể chế, giới chuyên môn đề xuất cần sớm sửa đổi, cập nhật các văn bản liên quan đến logistics như Nghị định 163/2017/NĐ-CP, Luật Giao thông vận tải, Luật Hải quan… để đồng bộ với Luật Doanh nghiệp và thực tiễn ngành. Ngoài ra, nên thành lập một cơ quan điều phối liên ngành về logistics cấp quốc gia, giúp doanh nghiệp không bị “chạy lòng vòng” giữa nhiều bộ ngành.
VLA đang xây dựng mạng lưới luật sư đồng hành, hỗ trợ miễn phí hoặc phí ưu đãi cho hội viên cùng nền tảng số tra cứu pháp lý tích hợp chatbot thông minh. Doanh nghiệp có thể truy cập để hỏi nhanh “thay đổi người đại diện cần thủ tục gì?”, “mẫu hợp đồng vận tải quốc tế”… Đây sẽ là công cụ hữu hiệu cho doanh nghiệp nhỏ vốn hạn chế nguồn lực pháp chế.
Ngoài ra, cần nghiên cứu xây dựng bộ chỉ dẫn pháp lý “cầm tay chỉ việc” cho doanh nghiệp logistics nhỏ và vừa, giúp họ dễ dàng tra cứu các bước pháp lý theo từng tình huống cụ thể. Tài liệu này nên được thiết kế dạng infographics, kết hợp video minh họa để dễ tiếp cận và dễ áp dụng trong thực tế.
Hỗ trợ pháp lý không chỉ là công cụ bảo vệ doanh nghiệp, mà là đòn bẩy nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong ngành logistics là nơi niềm tin và tuân thủ là yếu tố sống còn của một doanh nghiệp hiểu và hành xử đúng luật sẽ được đối tác tin cậy hơn, dễ vươn xa trên thị trường quốc tế.
Với sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước - Hiệp hội - Luật sư - Doanh nghiệp, hệ sinh thái pháp lý ngành logistics sẽ dần hoàn thiện, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ phát triển vững vàng hơn trong giai đoạn hội nhập mới.
Đỗ Văn Tuyến
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý