Nghị định số 154/2025/NĐ-CP của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 15/6/2025, được ban hành để quy định về tinh giản biên chế, theo đó hướng đến các chính sách hỗ trợ nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng bởi quá trình này. Điều này thể hiện tính nhân văn của chính sách, giúp người lao động yên tâm chuyển đổi, thích ứng với bối cảnh tình hình mới. Các chính sách hỗ trợ được thiết kế linh hoạt, phù hợp với từng trường hợp cụ thể, từ nghỉ hưu trước tuổi, chuyển đổi công việc, cho đến thôi việc có hỗ trợ tìm việc làm hoặc học nghề.
Nghị định 154/2025/NĐ-CP đưa ra các quy định cụ thể về chính sách nghỉ hưu trước tuổi, giúp những người sắp đến tuổi nghỉ hưu nhưng thuộc diện tinh giản biên chế có thể an tâm về chế độ lương hưu và nhận thêm các khoản trợ cấp hỗ trợ.
Đối tượng có tuổi đời còn từ đủ 02 năm đến đủ 05 năm đến tuổi nghỉ hưu (nữ còn đủ 50 đến 53 tuổi, nam còn đủ 55 đến 58 tuổi):
Trường hợp 1: Người có đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc có đủ 15 năm công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn: (i) Được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội mà không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi. Đây là một ưu đãi lớn, giúp họ bảo toàn mức lương hưu; (ii) Được trợ cấp 05 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi. Khoản trợ cấp này giúp họ có thêm nguồn tài chính để ổn định cuộc sống; (iii) Được trợ cấp theo thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc:
+ Nếu có từ đủ 20 năm công tác trở lên: Được hưởng 05 tháng tiền lương hiện hưởng cho 20 năm đầu công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Từ năm thứ 21 trở đi, mỗi năm được trợ cấp thêm 0,5 tháng tiền lương hiện hưởng.
+ Nếu có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm công tác: Được hưởng 05 tháng tiền lương hiện hưởng.
Trường hợp 2: Các trường hợp khác (không thuộc nhóm trên): (i) Tương tự, được hưởng chế độ hưu trí theo quy định mà không bị trừ tỷ lệ lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi; (ii) Được trợ cấp 05 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi; (iii) Được trợ cấp theo thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc:
+ Nếu có từ đủ 20 năm công tác trở lên: Được hưởng 05 tháng tiền lương hiện hưởng cho 20 năm đầu công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Từ năm thứ 21 trở đi, mỗi năm được trợ cấp thêm 0,5 tháng tiền lương hiện hưởng.
+ Nếu có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm công tác: Được hưởng 05 tháng tiền lương hiện hưởng.
Đối tượng có tuổi đời còn dưới 02 năm đến tuổi nghỉ hưu:
Được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.
Các quy định này thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đến quyền lợi của người lao động, giúp họ có một quá trình chuyển giao sang chế độ nghỉ hưu thuận lợi và không bị ảnh hưởng đáng kể về thu nhập. Đồng thời khuyến khích việc dịch chuyển lao động từ khu vực công sang khu vực ngoài nhà nước.
Nghị định 154/2025/NĐ-CP đã ban hành chính sách hỗ trợ đối với những người tự nguyện chuyển sang làm việc tại các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách nhà nước với chế độ hỗ trợ: (i) Được trợ cấp 03 tháng tiền lương hiện hưởng; (ii) Được trợ cấp 0,5 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng chính sách này không áp dụng cho một số trường hợp đặc biệt, như người đã làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập khi đơn vị chuyển đổi mô hình tự chủ mà vẫn được giữ lại làm việc hoặc những người có đủ điều kiện hưởng lương hưu trước tuổi. Điều này nhằm đảm bảo chính sách được áp dụng đúng đối tượng và tránh trùng lặp quyền lợi.
Đối với những trường hợp không thuộc diện nghỉ hưu trước tuổi hoặc chuyển công tác, Nghị định 154/2025/NĐ-CP cũng quy định chính sách thôi việc với các khoản hỗ trợ cụ thể, giúp người lao động có thời gian và tài chính để tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp mới.
Chính sách thôi việc ngay:
Áp dụng cho người chưa đến tuổi nghỉ hưu và không đủ điều kiện hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi.
Chế độ hỗ trợ: (i) Được trợ cấp 03 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc làm; (ii) Được trợ cấp 1,5 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; (iii) Được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Chính sách thôi việc sau khi đi học nghề:
Chính sách này đặc biệt quan tâm đến đối tượng dưới 45 tuổi, có sức khỏe, tinh thần trách nhiệm nhưng đang đảm nhiệm công việc không phù hợp với trình độ, chuyên ngành đào tạo và có nguyện vọng thôi việc.
Chế độ hỗ trợ: Người lao động được tạo điều kiện đi học nghề trước khi thôi việc, tự tìm việc làm mới. Trong thời gian học nghề (tối đa 06 tháng), họ vẫn được hưởng nguyên tiền lương hiện hưởng và được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (nếu đủ điều kiện). Sau khi kết thúc khóa học nghề, người lao động sẽ nhận được các chế độ thôi việc như quy định ở chính sách thôi việc ngay.
Để việc triển khai Nghị định 154/2025/NĐ-CP hiệu quả, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế giai đoạn 2025-2030 và kế hoạch tinh giản biên chế hàng năm. Kế hoạch phải xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu, đối tượng, chính sách và nguồn kinh phí thực hiện. Đặc biệt, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải chịu trách nhiệm về kết quả tinh giản biên chế của đơn vị mình.
Nghị định 154/2025/NĐ-CP về tinh giản biên chế có ý nghĩa quan trọng trong quá trình đổi mới tổ chức bộ máy, đây cũng là một chính sách mang đậm tính nhân văn, quan tâm đến quyền lợi của người lao động. Với các chính sách hỗ trợ đa dạng và chi tiết, Nghị định này hứa hẹn sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho quá trình chuyển đổi, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, năng động, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.
Huỳnh Đức
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý