Tính đến nay, cộng đồng quốc tế đã ban hành 13 Công ước và Nghị định thư về chống khủng bố. Việt Nam đã trở thành thành viên của 8/13 Công ước và Nghị định thư nêu trên và hiện nay đang tiếp tục xem xét khả năng gia nhập các văn kiện còn lại. Các văn kiện pháp lý quốc tế liên quan đến chống khủng bố cũng như 9 khuyến nghị đặc biệt của Lực lượng đặc nhiệm về chống rửa tiền (FATF) yêu cầu các quốc gia thành viên phải hình sự hoá hành vi khủng bố, các tổ chức khủng bố và hành vi tài trợ cho khủng bố.
Trong khi đó, Bộ luật Hình sự năm 1999 mới chỉ quy định về tội khủng bố “nhằm chống chính quyền nhân dân hoặc gây khó khăn cho quan hệ quốc tế của Việt Nam” (Điều 84). Hành vi khủng bố theo quy định tại điều luật này bao gồm 4 nhóm: thứ nhất, xâm phạm tính mạng của cán bộ, công chức hoặc công dân; thứ hai, xâm phạm tự do thân thể, sức khoẻ của cán bộ, công chức hoặc công dân; thứ ba, đe doạ xâm phạm tính mạng của cán bộ, công chức hoặc công dân; thứ tư, uy hiếp tinh thần của cán bộ, công chức hoặc công dân. So với yêu cầu mà các văn kiện pháp lý quốc tế đưa ra thì quy định này chưa tính đến yêu cầu của việc đấu tranh với các hành vi khủng bố mang tính quốc tế mà chỉ nhằm mục tiêu bảo vệ an ninh quốc gia của Việt Nam. Do vậy, Điều 84 Bộ luật Hình sự hiện hành cần được sửa đổi, bổ sung một cách cơ bản cả về cấu thành tội phạm lẫn về tính chất tội phạm cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu của các văn kiện pháp lý quốc tế về chống khủng bố. Việc bổ sung điều luật này không chỉ có ý nghĩa lớn về mặt chính trị - đối ngoại với vị thế của một quốc gia thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mà còn đáp ứng yêu cầu thực tiễn của Việt Nam trong phòng ngừa, ngăn chặn khủng bố và tăng cường hợp tác quốc tế để đấu tranh một cách có hiệu quả đối với loại tội phạm mang tính quốc tế này.
Xuất phát từ những lý do trên, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự lần này dự kiến chuyển Điều 84 từ Chương XI - “Các tội xâm phạm an ninh quốc gia” về Chương XIX - “Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng” (thành Điều 230a) và sửa đổi, bổ sung cấu thành tội phạm này theo hướng:
- Hành vi khủng bố được thực hiện nhằm vào một trong ba mục đích sau đây: một là, gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng; hai là, ép buộc chính quyền làm hoặc không làm một việc nhất định theo yêu cầu của những kẻ khủng bố; ba là, ép buộc tổ chức quốc tế làm hoặc không làm một việc nhất định theo yêu cầu của những kẻ khủng bố.
- Cấu thành tội khủng bố gồm có bốn nhóm hành vi: thứ nhất, xâm phạm tính mạng của người khác hoặc phá huỷ các công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia, công trình khác được xếp hạng quốc gia; thứ hai, xâm phạm tự do thân thể, sức khoẻ, tài sản của người khác hoặc chiếm giữ, làm hư hại các công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia, công trình khác được xếp hạng quốc gia; thứ ba, đe doạ thực hiện hành vi xâm phạm tính mạng, tự do thân thể, sức khoẻ, tài sản của người khác hoặc phá huỷ các công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; thứ tư, kích động người khác thực hiện hành vi xâm phạm tính mạng, tự do thân thể, sức khoẻ, tài sản của người khác hoặc phá huỷ các công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia.
Điều lưu ý ở đây là các hành vi này chỉ bị coi là khủng bố khi chúng được thực hiện nhằm vào một trong ba mục đích nêu trên. Trường hợp nhằm mục đích khác hoặc không rõ mục đích thì tuỳ theo từng trường hợp cụ thể mà người thực hiện các hành vi này sẽ bị xử lý theo các tội phạm tương ứng của Bộ luật hình sự, như: các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ của con người; các tội xâm phạm tài sản; các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng.
Cùng với việc sửa đổi, bổ sung Tội khủng bố, dự thảo Luật cũng dự kiến bổ sung thêm một tội mới có liên quan - Tội tài trợ khủng bố (Điều 230b) theo hướng quy định trách nhiệm hình sự của người thực hiện hành vi cung cấp, hỗ trợ tiền, tài sản dưới bất kỳ hình thức nào cho các cá nhân, tổ chức khủng bố hoặc để thực hiện hành vi khủng bố./.
Nguyễn Hải Anh, Vụ PL Hình sự - Hành chính