Một số vấn đề đặt ra sau gần 10 năm thi hành Luật Quốc tịch

Luật Quốc tịch được Quốc hội nước CHXHCNVN khóa X, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20-5-1998. Đến nay, sau gần 10 năm thi hành, bên cạnh những điểm tích cực mà Luật Quốc tịch đã đóng góp cho sự ổn định chính trị, kinh tế của đất nước, đến nay cũng có một số nội dung cần sửa đổi cho phù hợp với tình hình đất nước trong giai đoạn phát triển mới.

Nguyên tắc một quốc tịch: Tại Điều 3 của Luật Quốc tịch năm 1998 quy định "Nhà nước CHXHCNVN công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam". Có thể nói, nguyên tắc này là một nguyên tắc xuyên suốt, được ghi nhận trong các đạo luật về quốc tịch của Nhà nước CHXHCNVN từ trước tới nay. Nguyên tắc này cũng đóng góp một vai trò nhất định cho sự củng cố về chính trị của Nhà nước ta.

Tuy nhiên, hiện nay, khi đất nước ta bước vào thời kỳ mới, với sự mở cửa và hội nhập kinh tế với nhiều nước trên thế giới thì nguyên tắc này ít nhiều cũng cho thấy sự không phù hợp. Thực tế vừa qua cho thấy, do sự xung đột pháp luật giữa các quốc gia: Theo quy định của một số nước (Pháp, Mỹ...), thì người xin gia nhập quốc tịch không cần phải thôi quốc tịch họ đang có. Do đó, nhiều người là công dân Việt Nam, làm ăn sinh sống ở những nước này, sau khi được nhập quốc tịch của những nước này, vẫn giữ quốc tịch Việt Nam (vì họ không bị cắt, hoặc bị tước quốc tịch Việt Nam...).

Những người này khi trở lại Việt Nam làm ăn, sinh sống, có nguyện vọng được cấp giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam. Vì vậy, nếu căn cứ vào nguyên tắc một quốc tịch, thì khó có thể cấp giấy chứng nhận quốc tịch Việt Nam cho những người này, do đó gây khó khăn cho họ trong làm ăn, sinh sống. Mà nếu cấp cho họ thì lại trái với nguyên tắc một quốc tịch. Như thế để phù hợp với tình hình đất nước trong thời kỳ mới, thiết nghĩ nguyên tắc này cũng cần thay đổi cho linh hoạt, phù hợp hơn.

Điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam: Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 8 của Nghị định 104/1998/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Quốc tịch thì một trong những điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam là người xin nhập quốc tịch Việt Nam phải có "giấy chứng nhận trình độ tiếng Việt, bao gồm cả hiểu biết về văn hóa, lịch sử và pháp luật của Việt Nam theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tư pháp".

Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy, những đối tượng muốn xin nhập quốc tịch Việt Nam chủ yếu là người gốc Việt Nam do chiến tranh hoặc điều kiện sống đã lưu lạc sang các nước láng giềng, nay trở lại Việt Nam làm ăn sinh sống... hoặc chủ yếu là người gốc Lào, Camphuchia lưu lạc sang Việt Nam... Những người này thường sinh sống ở khu vực biên giới, thường trú ở Việt Nam đã lâu và nói tiếng Vệt rất thành thạo.

Nếu quy định những trường hợp này phải có chứng chỉ tiếng Việt thì vừa không cần thiết, lại gây khó khăn cho họ vì họ quá nghèo, không có đủ điều kiện kinh tế để thi lấy chứng chỉ tiếng Việt. Thậm chí, có trường hợp cả gia đình đều xin nhập quốc tịch Việt Nam, do đó chi phí cho việc thi lấy chứng chỉ tiếng Việt đối với họ là quá lớn.

Chính vì lẽ đó mà rất nhiều hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam đến nay chưa được giải quyết do thiếu điều kiện này. Mặc dù Nghị định 104 đã quy định một số trường hợp được miễn, giảm một số điều kiện, trong đó có điều kiện về chứng chỉ tiếng Việt song không có quy định nào về việc miễn giảm đối với những trường hợp này.

Thiết nghĩ, để tạo điều kiện cho những trường hợp này sớm được nhập quốc tịch Việt Nam, ổn định cuộc sống, cần quy định cho họ được miễn điều kiện về chứng chỉ tiếng Việt khi xin nhập quốc tịch Việt Nam.

Điều kiện trở lại quốc tịch Việt Nam: Thực tế thời gian qua cũng cho thấy, những trường hợp xin trở lại quốc tịch Việt Nam chủ yếu là các cô dâu Việt Nam lấy chồng nước ngoài (Đài Loan, Trung Quốc...). Những trường hợp này, do xin thôi quốc tịch Việt Nam để đủ điều kiện xin nhập quốc tịch nước sở tại; nhưng sau đó, có thể do trục trặc xảy ra, không được nhập quốc tịch nước sở tại (mấu thuẫn với nhà chồng, ly hôn hoặc không hội đủ điều kiện để nhập quốc tịch mới...) nên trở thành người không quốc tịch, và những trường hợp này muốn xin được trở tại quốc tịch Việt Nam.

Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 13 Nghị định 104 thì hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam khá phức tạp. Theo chúng tôi, để tạo thuận lợi cho những trường hợp này sớm được trở lại quốc tịch Việt Nam, cần giảm bớt một số giấy tờ không cần thiết, gây khó khăn cho họ như: Phiếu xác nhận lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước mà đương sự là công dân hoặc thường trú, cấp; giấy tờ hoặc tài liệu chứng minh đương sự có vợ, chồng, con, cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam hoặc giấy xác nhận của cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam hoặc của Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài về việc đương sự đã nộp đơn xin hồi hương về Việt Nam... mà chỉ cần xuất trình quyết định cho thôi quốc tịch Việt Nam là được.

Cải cách thủ tục hành chính trong việc cho nhập, thôi, trở lại... quốc tịch Việt Nam: Theo quy định tại Điều 32 của Luật Quốc tịch thì Chủ tịch nước có thẩm quyền cho nhập, cho trở lại, cho thôi, tước quốc tịch Việt Nam, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam... Thực tế cho thấy, hàng năm, những yêu cầu nhập, thôi, trở lại quốc tịch Việt Nam... thường rất nhiều, nếu để Chủ tịch nước giải quyết thì thủ tục bị kéo dài thêm một khâu.

Trong khi đó, trước khi trình Chủ tịch nước, Bộ Tư pháp đã thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, rà soát kỹ càng hồ sơ, trường hợp nào đủ điều kiện mới trình Chủ tịch nước ra quyết định. Do đó thiết nghĩ, để cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết, cần có cơ chế để Chủ tịch nước ủy quyền cho Bộ trưởng Tư pháp trực tiếp thực hiện nhiệm vụ cho nhập, thôi, trở lại quốc tịch Việt Nam. Đây cũng là điều mà ở nhiều nước trên thế giới cũng đã áp dụng từ lâu.

(Theo Pháp luật Việt Nam)