Với mục tiêu bảo đảm 98% người nghèo, 95% người thuộc diện được trợ giúp pháp lý cư trú ở các xã đặc biệt khó khăn, các xã biên giới, an toàn khu và thôn, buôn, làng, bản, xóm, ấp (gọi tắt là thôn, bản) đặc biệt khó khăn ở các xã khu vực II có nhu cầu trợ giúp pháp lý được trợ giúp pháp lý miễn phí; bảo đảm thực hiện trên thực tế quyền được trợ giúp pháp lý của người nghèo, hộ nghèo, người cư trú ở các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi thông qua các hình thức: tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, hòa giải và các hình thức trợ giúp pháp lý khác, giúp người được trợ giúp pháp lý bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; góp phần vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật, Thông tư hướng dẫn cụ thể về các hoạt động để thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý trong các chương trình giảm nghèo; nguồn kinh phí bảo đảm thực hiện; cơ chế kiểm tra, giám sát và báo cáo kết quả thực hiện và tổ chức thực hiện.
Phần I: Quy định chung
Phần này hướng dẫn cụ thể về phạm vi áp dụng của Thông tư, mục tiêu, đối tượng thụ hưởng và nguyên tắc thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý trong các Chương trình giảm nghèo. Theo đó việc thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý trong các Chương trình giảm nghèo phải bảo đảm các nguyên tắc sau:
- Việc thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý trong các Chương trình giảm nghèo phải bảo đảm đúng mục tiêu, đối tượng, đúng tiến độ, kế hoạch.
- Thiết lập cơ chế theo dõi, đánh giá, quản lý, giám sát việc thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý trong các Chương trình giảm nghèo một cách chặt chẽ và thường xuyên.
- Có sự lồng ghép, phối hợp với các chính sách, dự án, hoạt động khác của các Chương trình giảm nghèo trên cùng địa bàn để bảo đảm thực hiện các Chương trình giảm nghèo tiết kiệm, hiệu quả.
- Kinh phí thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý trong các Chương trình giảm nghèo được bảo đảm từ nhiều nguồn vốn nhưng dự toán và các khoản chi từ mỗi nguồn là độc lập và không trùng lặp.
- Các mức chi được thực hiện theo đúng chế độ chi tiêu tài chính đối với nguồn kinh phí ngân sách nhà nước cấp theo quy định pháp luật hiện hành, theo hướng dẫn quản lý, sử dụng ngân sách cấp cho các Chương trình giảm nghèo và theo hướng dẫn thực hiện dự án (nếu có).
Phần II: Các hoạt động cụ thể để thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý trong các Chương trình giảm nghèo
Phần này tập trung làm rõ các hoạt động cụ thể để thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý trong các Chương trình giảm nghèo như hoạt động: khảo sát nhu cầu trợ giúp pháp lý tại địa phương; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện; thành lập và tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý và triển khai thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý (thụ lý và giải quyết các vụ việc trợ giúp pháp lý, tổ chức tập huấn cập nhật kiến thức pháp luật, kỹ năng trợ giúp pháp lý; tổ chức các đợt trợ giúp pháp lý lưu động, tăng cường hoạt động thông tin truyền thông về pháp luật nói chung và pháp luật về trợ giúp pháp lý nói riêng).
Phần III: Kinh phí bảo đảm thực hiện
Phần này hướng dẫn cụ thể về nguồn kinh phí bảo đảm thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý trong các Chương trình giảm nghèo bao gồm: kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương, kinh phí từ địa phương, kinh phí hỗ trợ từ Quỹ Trợ giúp pháp lý Việt Nam, các dự án hợp tác quốc tế và các nguồn hợp pháp khác (nếu có).
Phần IV: Cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá và báo cáo kết quả thực hiện
Phần này quy định về cơ quan có thẩm quyền, nội dung và kế hoạch kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý trong các Chương trình giảm nghèo; nội dung và chế độ báo cáo thống kê việc triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý trong các Chương trình giảm nghèo.
Kết quả triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý trong các Chương trình giảm nghèo được thể hiện thông qua các loại báo cáo: báo cáo định kỳ (báo cáo 6 tháng và báo cáo 01 năm) và báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; trách nhiệm gửi báo cáo và thời hạn gửi báo cáo; nội dung của các báo cáo.
Phần V: Tổ chức thực hiện
Phần này quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan quản lý và cơ quan trực tiếp triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý, các cơ quan, đơn vị, tổ chức phối hợp trong các Chương trình giảm nghèo, bao gồm trách nhiệm của Bộ Tư pháp, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Tư pháp, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, Uỷ ban nhân dân cấp xã trong việc triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý trong các Chương trình giảm nghèo.
Phần VI: Hiệu lực thi hành
Thông tư có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Lê Thuý- Phòng Nghiệp vụ- Cục Trợ giúp pháp lý