Những dấu mốc đáng nhớ của Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật trong chặng đường xây dựng và phát triển

Ngày 29/11/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 98/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp, trong đó đã chuyển đổi mô hình tổ chức và hoạt động của Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) sang Cục PBGDPL. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 996/QĐ-BTP ngày 09/6/2023 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục PBGDPL. Đây là một trong những dấu mốc quan trọng trong chặng đường hình thành và phát triển đơn vị trong suốt 42 năm qua.

1. Khái quát những dấu mốc quan trọng trong chặng đường xây dựng và phát triển của Cục PBGDPL
Lần đầu tiên công tác PBGDPL được xác lập là một trong những nhiệm vụ chủ yếu của ngành Tư pháp trong giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1960
Nghị định số 37-NĐ ngày 01/12/1945 về tổ chức Bộ Tư pháp do Bộ trưởng Vũ Trọng Khánh ký ban hành, trong đó quy định nhiệm vụ tuyên truyền pháp luật. Nghị định này là văn bản pháp lý đầu tiên đặt nền móng cho công tác tuyên truyền, PBGDPL. Liên quan đến hoạt động tuyên truyền pháp luật, Điều 1 của Nghị định đã quy định một số đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm triển khai hoạt động này như Phòng sự vụ nội bộ thuộc Phòng nhất thực hiện nhiệm vụ thư tín chính trị - phân phát công văn – việc xin yết kiến – việc công bố các đạo luật và sắc lệnh – đưa các bản đăng công báo ….Bộ Tư pháp phải đảm đương nhiều công việc khác nhau nhưng hoạt động PBGDPL đã bắt đầu được quan tâm. Điều này được thể hiện qua việc cho đăng Công báo các văn bản pháp luật một cách thức xác lập tính pháp lý cho các văn bản, đồng thời để thực hiện việc phổ biến văn bản pháp luật đó cho đội ngũ cán bộ Nhà nước. Có thể khẳng định, do các yếu tố khách quan, mặc dù hoạt động phổ biến các văn bản pháp luật chưa xác định mở rộng đối tượng đến nhân dân nhưng đã bước đầu được coi trong, xác lập các hình thức, cách thức đầu tiên cho hoạt động PBGDPL của nước ta.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược bắt đầu từ ngày 19/12/1946. Bộ Tư pháp gấp rút sơ tán, công việc ngày càng khẩn trương. Việc phổ biến, tuyên truyền pháp luật thời kỳ này được thông qua nhiều hình thức, trong đó có hoạt động xét xử của Toà án. Trong hoạt động xét xử của toà án, công tác hoà giải giữ một vai trò quan trọng, có tác dụng giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân bằng cách phân tích, lý giải, thuyết phục… nhanh chóng, kịp thời, phù hợp với đạo lý truyền thống của người Việt Nam. Thẩm quyền của toà án sơ cấp được chú trọng gần giống như một tổ chức làm nhiệm vụ hoà giải mâu thuẫn trong nhân dân với sự tham gia của nhà nước (Sắc lệnh số 13 ngày 24/01/1946), thông qua đó giáo dục nhân dân ý thức chấp hành pháp luật.
Năm 1950 đã diễn ra cuộc cải cách tư pháp lần thứ nhất trên 3 phương diện về luật pháp, về tố tụng và về tổ chức nhằm dân chủ hoá thêm một bước tổ chức và hoạt động tư pháp. Một trong những sự thay đổi của cuộc cải cách là tập trung vào đẩy mạnh công tác hoà giải (ở cấp huyện thành lập Hội đồng hoà giải gồm thẩm phán và hội thẩm nhân dân). Trong điều kiện kháng chiến khó khăn, gian khổ, hoạt động này đã góp phần tích cực, ghi những dấu ấn đầu tiên trong việc thực hiện đưa pháp luật đến với Nhân dân, hướng dẫn nhân dân tuân thủ pháp luật. Sau Hiến pháp năm 1959, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 01/CP ngày 11/02/1960 quy định nhiệm vụ của Bộ Tư pháp, trong đó có nhiệm vụ chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm mục đích giáo dục cho nhân dân ý thức tuân theo pháp luật. Ngày 15/3/1960, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 06/QĐ về tổ chức Bộ Tư pháp, một trong những nhiệm vụ của Vụ Tuyên giáo là “chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật ở các địa phương”. Vụ Tuyên giáo có Phòng Giáo dục và Phòng Tuyên truyền phổ biến pháp luật.
Với những quy định nêu trên, có thể khẳng định, lần đầu tiên công tác PBGDPL  được xác lập là một trong những nhiệm vụ chủ yếu của ngành Tư pháp. Nghị định số 01/CP là cơ sở pháp lý quan trọng đầu tiên ghi nhận và đánh giá tầm quan trọng của công tác này, đưa hoạt động PBGDPL chính thức trở thành một nhiệm vụ không thể thiếu của ngành Tư pháp nói riêng và của Nhà nước nói chung.
Tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của công tác PBGDPL trong giai đoạn từ năm 1961 đến năm 1980
Theo Luật Tổ chức Hội đồng Chính phủ năm 1960, cơ cấu tổ chức của Hội đồng Chính phủ không có Bộ Tư pháp. Công tác PBGDPL theo đó cũng bị phân tán. Trong suốt 10 năm (1961-1972), hoạt động PBGDPL trên thực tế chia tác thành nhiệm vụ của nhiều cơ quan, đơn vị, bộ, ngành cùng triển khai thực hiện. Đến năm 1972, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn thành lập Ủy ban pháp chế của Hội đồng Chính phủ (Nghị quyết số 133-NQ/QH/K4 ngày 14/02/1972), Ủy ban Pháp chế phụ trách công tác hành chính tư pháp và các trường đào tạo cán bộ pháp lý, đặt kế hoạch tổ chức nghiên cứu khoa học pháp lý, kế hoạch tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật và nắm tình hình xây dựng, chấp hành pháp luật trong các cơ quan nhà nước và nhân dân.
Công tác PBGDPL được coi là một trong những nội dung quan trọng của việc thi hành pháp luật theo Nghị định số 190-CP ngày 09/10/1972 của Hội đồng Chính phủ quy định tổ chức bộ máy của Ủy ban Pháp chế, cụ thể là nhiệm vụ: “Phối hợp với các ngành để tuyên truyền, phổ biến pháp luật và hướng dẫn việc thi hành pháp luật…”. Điều 4 Nghị định quy định Uỷ ban pháp chế có Vụ Tuyên truyền, phổ biến pháp luật[1]. Hoạt động tuyên truyền đã tập trung vào việc ra tờ Thông tin pháp chế để kịp thời thông tin, phổ biến về các hoạt động, sự kiện của ngành và các quy định của pháp luật. Trong thời kỳ này, tuy có sự thay đổi về tổ chức nhưng hoạt động PBGDPL vẫn triển khai bình thường. Sau khi thành lập Uỷ ban Pháp chế của Hội đồng Chính phủ thì công tác PBGDPL có chuyển biến hơn, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng, đóng góp cho sự thống nhất đất nước về mặt pháp luật và tư pháp, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho sự nghiệp xây dựng, củng cố Nhà nước và pháp luật xã hội chủ nghĩa trong điều kiện cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Sau khi Hiến pháp năm 1980 được thông qua, công tác PBGDPL giai đoạn này được đánh dấu bởi nhiều sự kiện quan trọng. Ngày 09/10/1980, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp chế ra Quyết định số 66-QĐ/UB giao nhiệm vụ cho Vụ Tuyên truyền, giáo dục pháp luật [2]. Theo đó, Vụ được giao trách nhiệm giúp Ủy ban Pháp chế trong việc: (i) Hướng dẫn các ngành và các địa phương về nghiệp vụ tuyên truyền, giáo dục pháp luật; (ii) Phối hợp hoạt động của các cơ quan thông tin, báo chí, các cơ quan, tổ chức của Nhà nước, các đoàn thể nhân dân trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật; (iii) Hướng dẫn và giúp đỡ về công tác giảng dạy pháp luật ở các trường phổ thông, đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, ở các trường đảng và đoàn thể nhân dân; (iv) Chỉ đạo Nhà xuất bản Pháp lý và Tập san “Pháp chế Xã hội chủ nghĩa”; (v) Hợp tác với các nước trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật.
Năm 1981 – Cột mốc đáng nhớ, đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển công tác PBGDPL về sau; công tác PBGDPL là lĩnh vực trọng tâm, mũi nhọn của ngành Tư pháp trong giai đoạn từ năm 1981 đến năm 1992
 Trên cơ sở Hiến pháp năm 1980, Điều 15 Luật Tổ chức Hội đồng Bộ trưởng năm 1981 được ban hành đã quy định một trong những nhiệm vụ của Hội đồng Bộ trưởng là: “Tổ chức và lãnh đạo công tác tuyên truyền, giáo dục Hiến pháp và pháp luật trong cán bộ, các lực lượng vũ trang và nhân dân” (Điều 15). Đặc biệt, năm 1981, Bộ Tư pháp được tái thành lập. Ngày 22/11/1981, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 143-HĐBT về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức Bộ Tư pháp. Trong 10 nhóm nhiệm vụ chủ yếu giao cho Bộ Tư pháp có nhiệm vụ“hướng dẫn hoặc tổ chức việc phối hợp các ngành về công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong cán bộ, nhân viên nhà nước và nhân dân”. Có thể khẳng định, một lần nữa, nhiệm vụ tuyên truyền, PBGDPL lại gắn trực tiếp với chức năng của Bộ Tư pháp và đánh dấu vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác này. Để thực hiện nhiệm vụ, trong tổ chức bộ máy của Bộ Tư pháp có Vụ Tuyên truyền, giáo dục pháp luật (trong Vụ Tuyên truyền, giáo dục pháp luật có Tập san pháp chế xã hội chủ nghĩa  và Nhà xuất bản Pháp lý là hai cơ quan báo chí, xuất bản chuyên ngành pháp luật)[3]. Điểm nổi bật trong thời gian này là Bộ Tư pháp đã đặt công tác tuyên truyền, PBGDPL là công tác trọng tâm, mũi nhọn của ngành Tư pháp. Công tác này bước đầu đã đi vào nền nếp, theo kế hoạch tuyên truyền được ban hành hằng năm. Ngành Tư pháp đã tập trung triển khai nhiều hoạt động nghiệp vụ về phổ biến pháp luật đến nhân dân cơ sở như đưa cán bộ của Bộ xuống xã làm việc trong thời gian dài; tổ chức tiếp xúc với các đối tượng ở các lứa tuổi, giới tính, trình độ khác nhau để phổ biến các luật lệ về ruộng đất, hôn nhân và gia đình, trật tự an toàn xã hội… Ngày 07/12/1982, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Chỉ thị số 315/CT “Về việc đẩy mạnh tuyên truyền, PBGDPL”. Sau gần một năm tái thành lập, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị chuyên đề về tuyên truyền, giáo dục pháp luật vào ngày 16-17/7/1982. Hội nghị đã thống nhất về nội dung công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật[4].
Có thể khẳng định, Nghị định số 143-HĐBT ngày 22/11/1981 của Hội đồng Bộ trưởng quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Bộ Tư pháp thể hiện dấu ấn rõ nét, đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển công tác PBGDPL về sau. Xuất phát từ ý nghĩa, vai trò đó, để góp phần khích lệ và có ý nghĩa về mặt tinh thần đối với lực lượng cán bộ, công chức làm công tác PBGDPL, Cục PBGDPL đã tham mưu lựa chọn ngày 22/11 hằng năm là Ngày truyền thống của Cục và lấy thời điểm năm 1981 là năm ban hành Nghị định số 143-HĐBT để làm cột mốc đánh dấu sự phát triển quan trọng của công tác PBGDPL.
Hiến pháp năm 1992 được thông qua và Luật Tổ chức Chính phủ cũng được ban hành ngay trong năm 1992. Theo đó, một trong những nhiệm vụ của Chính phủ là “Quyết định các biện pháp chỉ đạo và kiểm tra việc thi hành Hiến pháp, pháp luật, các quyết định của Chính phủ trong các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân; tổ chức và lãnh đạo công tác tuyên truyền, giáo dục Hiến pháp và pháp luật; báo cáo với Quốc hội về công tác phòng ngừa và chống vi phạm pháp luật và tội phạm” (Điều 18).
Công tác PBGDPL đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong giai đoạn từ năm 1993 đến nay
Ngày 04/6/1993, Chính phủ ban hành Nghị định số 38-CP về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Bộ Tư pháp. Trong cơ cấu tổ chức Bộ Tư pháp có Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật. Bộ Tư pháp được giao thêm 20 nhiệm vụ mới, công tác PBGDPL có 02 nhiệm vụ bao gồm: (i) Làm đầu mối phối hợp công tác PBGDPL; chỉ đạo hướng dẫn việc phát hành Bản tin Tư pháp ở các địa phương; (ii) Chủ trì công tác xây dựng tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn. Từ năm 1993 đến năm 2012, chức năng quản lý về PBGDPL được điều chỉnh chủ yếu bởi các Chỉ thị, Quyết định của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ để hướng dẫn, ban hành và triển khai các chương trình, kế hoạch PBGDPL (Chỉ thị số 02/1998/CT-TTg, Quyết định số 03/1998/QĐ-TTg ngày 07/01/1998, Quyết định số 1067/QĐ-TTg ngày 25/11/1998, Quyết định số 13/2003/QĐ-TTg ngày 17/01/2003, Quyết định số 212/2004/ ngày 16/12/2004, Quyết định số 37/2008/QĐ-TTg)…
Năm 2012, Luật PBGDPL được ban hành, chức năng quản lý về PBGDPL đã được điều chỉnh bởi Luật và sau đó là các các Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Theo đó, Vụ PBGDPL có chức năng quản lý nhà nước thống nhất về chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện công tác PBGDPL; bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ; xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật; thống kê, tổng kết; thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm trong PBGDPL; hợp tác quốc tế về PBGDPL. Gần đây, Bộ Tư pháp được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao nhiều nhiệm vụ quan trọng nhằm đổi mới công tác PBGDPL trong tình hình mới theo yêu cầu của Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư. Đặc biệt là việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số phục vụ kịp thời, nhanh chóng nhu cầu tìm hiểu tiếp cận pháp luật của người dân, doanh nghiệp; tăng cường truyền thông chính sách, pháp luật, tạo sự đồng thuận xã hội; thực hiện xã hội hóa công tác PBGDPL.
Bên cạnh đó, Vụ PBGDPL còn được giao chức năng quản lý công tác hòa giải ở cơ sở được điều chỉnh bởi Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở năm 1998 và nay là Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013. Từ năm 2014, Vụ PBGDPL được giao thêm nhiệm vụ chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn các địa phương thực hiện đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg ngày 24/01/2013, Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 08/5/2017 và nay là Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 29/11/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 98/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp. Một trong những điểm mới nổi bật của Nghị định này là chuyển đổi mô hình tổ chức bộ máy của Vụ PBGDPL thành Cục PBGDPL. Đây là một trong những mốc son đáng tự hào của chặng đường hình thành và phát triển của đơn vị trong suốt 42 năm qua.
2. Mục đích, ý nghĩa ra đời
Vụ PBGDPL được thành lập vào năm 1981. Đến nay trải qua 42 năm xây dựng, phát triển đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần vào sự phát triển chung của Bộ, ngành Tư pháp. Các lĩnh vực quản lý nhà nước giao cho đơn vị tham mưu đã được điều chỉnh bằng Luật và nhiều văn bản thi hành khác. Công tác PBGDPL là cầu nối gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, đưa pháp luật đi vào cuộc sống.
Để tăng cường sự chủ động, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và tổ chức thi hành pháp luật về PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, theo Nghị định số 98/2022/NĐ-CP và Quyết định số 996/QĐ-BTP, Vụ PBGDPL đã được chuyển đổi và vận hành theo mô hình Cục với tên gọi là Cục PBGDPL. Sự ra đời của Cục PBGDPL có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh Đảng, Nhà nước ta yêu cầu đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách; đổi mới toàn diện công tác PBGDPL theo hướng lấy người dân làm trung tâm, ý thức chấp hành pháp luật là thước đo hiệu quả công tác PBGDPL, thực hiện tốt Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
3. Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục PBGDPL
Trên cơ sở Nghị định số 98/2022/NĐ-CP, Quyết định số 996/QĐ-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã xác định rõ chức năng, các nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục PBGDPL. Theo đó, Cục PBGDPL là đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước và tổ chức thi hành pháp luật về PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định của pháp luật. Cục PBGDPL là đơn vị có tư cách pháp nhân, có trụ sở tại thành phố Hà Nội, có con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật.
Cục PBGDPL được giao 20 nhóm nhiệm vụ và quyền hạn. Đặc biệt có một số nhiệm vụ và quyền hạn mới quan trọng được giao nhằm đáp ứng yêu cầu về truyền thông chính sách từ sớm, từ xa và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Đó là: (i) theo dõi, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ truyền thông dự thảo chính sách trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp; chủ trì tổ chức các hoạt động truyền thông chính sách trong xây dựng, thực hiện và hoàn thiện chính sách, PBGDPL trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Cục; (ii) Tổ chức thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Cục; quản lý, vận hành, nâng cấp Cổng thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật quốc gia, hệ thống thông tin về PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Cục PBGDPL gồm có Lãnh đạo Cục và 03 tổ chức trực thuộc, bao gồm Văn phòng; Phòng Truyền thông chính sách, PBGDPL; Phòng Tiếp cận pháp luật và Hòa giải ở cơ sở.
Trải qua 42 năm hình thành và phát triển, với sự nỗ lực, cố gắng không ngừng và đoàn kết của toàn thể đơn vị, sự phối hợp, hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức và đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp, của Bộ trưởng, tập thể lãnh đạo Bộ, các mặt công tác giao cho Cục ngày càng phát triển, hiệu quả, đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực tiễn. Cục PBGDPL được đánh giá là một trong những đơn vị xuất sắc, toàn diện, kỷ cương, nền nếp, hoạt động có hiệu quả với nhiều kết quả đáng ghi nhận. Các thế hệ Bộ trưởng, các đồng chí Lãnh đạo Bộ phụ trách luôn dành sự quan tâm về công việc và tình cảm đối với tập thể Cục. Các thế hệ Lãnh đạo Cục qua các thời kỳ có nhiều cống hiến, luôn trách nhiệm và trăn trở với công việc, nhiệm vụ. Bình chọn sự kiện nổi bật ngành Tư pháp từ năm 2012 đến nay, hằng năm Cục đều có sự kiện trong 10 sự kiện nổi bật của ngành Tư pháp./.
Lê Nguyên Thảo
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật

[1] Biên niên lịch sử Bộ Tư pháp Việt Nam (Tập 1).Tr159
[2] Biên niên lịch sử Bộ Tư pháp Việt Nam (Tập 1).Tr196
[3] Biên niên lịch sử Bộ Tư pháp (Tập 1).Tr210
[4] Bao gồm: (i) Tuyên truyền quan điểm của Nghị quyết Đại hội V của Đảng về tăng cường pháp chế XHCN; (ii) Tiếp tục tuyên truyền Hiến pháp mới kết hợp với tuyên truyền các văn bản pháp luật hiện hành, chú trọng tuyên truyền pháp luật phục vụ nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc, củng cố an ninh chính trị, trật tự xã hội, bảo vệ tài sản XHCN, quyền và nghĩa vụ của công dân; (iii) Tuyên truyền kịp thời và sâu rộng các gương người tốt, việc tốt trong việc chấp hành pháp luật, bảo vệ pháp luật; (iv) Phối hợp với các ngành nhanh chóng xây dựng chương trình chương trình làm thí điểm và mở rộng việc giáo dục pháp luật trong các trường phổ thông, dạy nghề, đại học và trung học chuyên nghiệp, trường Đảng, trường các đoàn thể, trường hành chính, các trường lớp bồi dưỡng cán bộ quản lý