PV: Có dư luận cho rằng, theo Luật CC, luật sư muốn làm CCV được ưu đãi hơn so với các chức danh tư pháp khác cũng muốn làm CCV?
- Luật CC đã quy định, luật sư có thâm niên hoạt động từ 3 năm trở lên thì được miễn học nghề, miễn tập sự và được bổ nhiệm nhưng chưa bắt thôi hành nghề luật sư. Khi nào đăng ký hoạt động VPCC tại Sở Tư pháp mới phải thôi hành nghề luật sư. Còn các trường hợp khác như thẩm phán, kiểm sát viên… đương nhiên phải thôi trước khi được bổ nhiệm. Không phải Luật chiếu cố luật sư mà do đặc thù của luật sư không phải là công chức, viên chức nhà nước. Luật Luật sư không quy định luật sư sang làm CCV thì bị thu hồi thẻ (thẻ chỉ bị thu hồi trong trường hợp bị kỷ luật). Tuy nhiên về mặt thực tế, không làm luật sư là không được tham gia bào chữa mà có thể nói đây là chức năng quan trọng nhất của luật sư.
PV: Có một chức năng khác của luật sư là tư vấn cho các hợp đồng thì CCV có thể được thực hiện không?
- Luật CC không quy định cụ thể điều khoản nào nhưng từ quy định này, quy định khác đã khẳng định CCV chỉ hành nghề công chứng, nghĩa là phải chuyên trách, không kiêm nhiệm). Tuy nhiên, trong thực tiễn vẫn xảy ra những trường hợp như có 2 người mua bán nhà đến yêu cầu công chứng hợp đồng, CCV bảo các anh làm hợp đồng thế này chưa ổn và đương sự nhờ CCV soạn thảo hợp đồng cho đúng pháp luật, vậy đó chính là CCV đang tư vấn. Có người không đồng ý vì cho rằng trùng chức năng của luật sư. Các nước cho phép CCV tư vấn, tư vấn là chức năng quan trọng của CCV bởi CCV là một đầu mối thông tin. Ở nước ta, trên văn bản không cho phép song thực tế CCV vẫn tư vấn, không thể cấm được, miễn là CCV tư vấn đúng, còn sai tất nhiên CCV phải bồi thường thiệt hại.
PV: Trong Luật, CCV của VPCC được tự do lựa chọn nơi để hành nghề. Đã có nhiều ý kiến cho rằng, quy định này gây ra nhiều cách hiểu khác nhau. Ông đánh giá vấn đề trên như thế nào?
– Tôi cho rằng đây là một quy định chưa đạt của Luật. Quả thật, hiện có 3 cách hiểu về tự do lựa chọn nơi hành nghề: theo hộ khẩu của CCV; từ địa phương này sang địa phương khác; nơi đặt trụ sở VPCC không phụ thuộc quy hoạch (do hiểu VPCC là công ty). Với quan niệm, CC gắn với tài sản của người dân, đòi hỏi trách nhiệm cao và liên quan đến địa hạt của bất động sản nên để tránh tình trạng lừa đảo, trước đây, yêu cầu phải CC tại PCC gần nhất nơi có bất động sản. Bây giờ, có thể đặt vấn đề thẩm quyền địa hạt là trong toàn tỉnh (các địa phương phải thành lập danh sách dữ liệu chung về bất động sản trong tỉnh mình). Theo quan điểm cá nhân của tôi nên hiểu nơi hành nghề của CCV là địa bàn cấp tỉnh, theo quy hoạch của tỉnh. Về điểm này, Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm của Pháp. Tại Pháp, có khoảng 4.500 VPCC, ai muốn mở thêm rất khó, trừ trường hợp hết sức đặc biệt và phải xem xét rất kỹ để khỏi phá vỡ hệ thống vốn rất ổn định.
PV: Theo biểu phí công chứng đại đa số là thu cùng một mức giữa PCC và VPCC, ông có thấy rằng như vậy hơi bất công không?
- Đúng là nhiều ý kiến cho là không bình đẳng, không hợp lý vì một bên là PCC không phải bỏ tiền ra, một bên là VPCC phải bỏ tiền ra lo từ A đến Z. Tuy nhiên, điều đó không đáng bận tâm lắm vì đã có sự điều tiết bằng Nghị định số 43 – PCC chỉ được để lại bao nhiêu thôi chứ không phải thu được bao nhiêu là để lại tất cả. Còn VPCC chịu sự điều tiết của Luật Thuế, đây là nghiệp vụ thuộc về Bộ Tài chính. Giải pháp thích hợp nhất là cho phép UBND cấp tỉnh khuyến khích thành lập VPCC. Nhà nước không phải bỏ chi phí cho tổ chức hành nghề CC để họ thực hiện nghĩa vụ thay cho mình thì tại sao lại không ưu đãi để khuyến khích họ, khi nào họ ăn nên làm ra lúc đó có thể tính đến những chuyện khác. Ưu đãi cách nào lại tuỳ thuộc vào chính sách của từng địa phương. Chẳng hạn, một số tỉnh còn khó khăn có thể ưu đãi bằng cách ưu tiên cấp đất, ưu đãi về thuế như miễn thuế 3 năm…
PV: Cảm ơn ông!
Cẩm Vân