Sau ba tháng Luật Cư trú có hiệu lực: Cần tiếp tục rà soát và xử lý các văn bản liên quan

Luật Cư trú có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2007, được đánh giá là một bước đột phá trong công tác quản lý cư trú của công dân, tạo điều kiện thông thoáng trong việc đăng ký hộ khẩu, giải quyết được tình trạng “ăn theo hộ khẩu” diễn ra trong thời gian qua.

Để Luật Cư trú sớm phát huy được những hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 07/2007/CT-TTg ngày 29/3/2007 về việc tổ chức triển khai thi hành Luật Cư trú, một trong những nội dung quan trọng của Chỉ thị này là giao cho Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Công an kiểm tra, hướng dẫn các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quy định về hộ khẩu hoặc các quy định khác trái với Luật Cư trú để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi hoặc bãi bỏ”. Tiếp theo, Bộ Tư pháp đã có Quyết định số 592/QĐ-BTP ngày 07/5/2007 ban hành “Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ rà soát theo quy định tại Chỉ thị số 07/2007/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức triển khai thi hành Luật Cư trú”.  

Theo tổng hợp của Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp, tính đến nay, tất cả các Bộ, ngành và 63/64 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có báo cáo kết quả rà soát. Có tổng số 676 văn bản có liên quan đến Luật Cư trú được các Bộ, ngành và địa phương rà soát, qua đó xác định có 110 văn bản cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ cho phù hợp với những quy định mới của Luật Cư trú, xác định được 154 văn bản hết hiệu lực thi hành từ thời điểm Luật Cư trú có hiệu lực. Kết quả này cho thấy các Bộ, ngành, địa phương đã rất quan tâm đến việc thực hiện rà soát văn bản có liên quan đến Luật Cư trú. Tuy nhiên, để thực hiện tốt Luật Cư trú cũng như bảo đảm tính thống nhất của những văn bản có liên quan, cần tiếp tục thực hiện thường xuyên công việc rà soát theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, nhất là với những văn bản của cấp huyện, xã chưa được kịp thời rà soát trong thời gian qua. Kết quả rà soát cần được kịp thời xử lý để bảo đảm phù hợp với các nội dung của Luật Cư trú.

Nhằm tạo thuận lợi cho việc rà soát này, nhiều địa phương có kiến nghị các Bộ, ngành có văn bản liên quan đến Luật Cư trú đã hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp cần sớm thực hiện việc công bố, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, ban hành mới để tạo cơ sở cho địa phương khi tiến hành so sánh, đối chiếu văn bản liên quan./.

 

Lê Tuấn Phong – Cục Kiểm tra văn bản