Nội dung Hội thảo đề cập đến việc triển khai thực hiện các quy định của Nghị định thư Kyoto[1] nhằm tìm ra cơ chế quản lý phù hợp với việc thực hiện các dự án Cơ chế phát triển sạch (Clean Development Mechanism - CDM) trong tình hình hiện nay. Tham dự hội thảo có đại diện của các bộ, ngành liên quan ở Trung ương: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đây là cơ hội tốt để các nhà hoạch định chính sách, cơ quan quản lý Việt Nam, các nhà đầu tư, công ty tư vấn của Nhật Bản trình bày và thảo luận các vấn đề liên quan đến chính sách tài chính, đặc biệt là việc sử dụng nguồn vốn ODA để thực hiện các dự án CDM tại Việt Nam.
Theo quy định của Nghị định thư Kyoto, CDM là cơ chế hợp tác được xây dựng nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển đạt được phát triển bền vững thông qua thúc đẩy đầu tư thiện hữu với môi trường của chính phủ và doanh nghiệp thuộc các nước công nghiệp hóa. Nhờ đó, thay vì cố gắng thực hiện giảm phát thải ngay tại nước mình bằng các biện pháp như đầu tư, đổi mới, cải tiến công nghệ… với chi phí tốn kém hơn và hiệu quả thường không cao; các nước công nghiệp hóa sẽ tiến hành các dự án CDM đầu tư vào các nước đang phát triển chưa bị ô nhiễm môi trường nặng, trình độ công nghệ chưa cao để giảm phát thải với hiệu quả cao hơn, đồng thời được coi là đã thực hiện các cam kết của mình về "giảm phát thải được chứng nhận" (Certified Emissions Reductions - CER). Mặt khác, nguồn tài trợ từ các Dự án CDM sẽ giúp các nước đang phát triển đạt được mục tiêu kinh tế - xã hội, môi trường và phát triển bền vững, như giảm ô nhiễm không khí và nước, cải thiện sử dụng đất, nâng cao phúc lợi xã hội, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm đồng thời giảm phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch (nhiên liệu không thể tái sinh)… Việc buôn bán CER vì thế đã tăng lên nhanh chóng trong những năm vừa qua. Các tổ chức cũng như các nước có nhu cầu mua CER lớn nhất hiện nay là Ngân hàng thế giới, các công ty của Nhật Bản, Hà Lan.
Việt Nam với vai trò là thành viên của Nghị định thư Kyoto, đồng thời là một trong những nước được đánh giá là có tiềm năng về CDM đã thành lập Cơ quan quốc gia về CDM thuộc Văn phòng Ozone và biến đổi khí hậu trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Vừa qua, ngày 02/8/2007 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 130/2007/QĐ-TTg về một số cơ chế, chính sách tài chính đối với dự án đầu tư theo cơ chế phát triển sạch nhằm tạo ra cơ chế tài chính thuận lợi để phát triển ngành hàng hoàn toàn mới này. Nội dung Quyết định này đã xác định rõ CER thuộc sở hữu của nhà đầu tư xây dựng và thực hiện dự án CDM, giá bán CER được xác định trên cơ sở thỏa thuận theo giá thị trường tại thời điểm bán. Lệ phí bán CER được tính bằng tỷ lệ % trên số tiền bán CER mà nhà đầu tư xây dựng và thực hiện dự án CDM thu được…
Dự án CDM được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hoá nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án, hàng hoá nhập khẩu là nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để phục vụ sản xuất…
Cùng với việc xây dựng cơ chế quản lý, cơ chế tài chính để thu hút đầu tư, chúng ta cũng cần phải tính đến việc sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư đó, đặc biệt là vốn ODA. Nếu như trước đây, phương thức viện trợ phát triển chính thức (ODA) là phổ biến và được coi là một biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở các nước đang phát triển và kém phát triển, thì hiện nay trước vấn đề ô nhiễm môi trường đang được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế thì CDM không chỉ là biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn là một công cụ hữu hiệu nhằm triển khai chính sách quốc gia về môi trường.
Hội thảo "Sử dụng vốn ODA trong các cơ chế phát triển sạch tại Việt Nam" vừa là cơ hội tốt góp phần thúc đẩy tiến trình thực thi có hiệu quả các dự án CDM tại Việt Nam đồng thời cũng thể hiện tinh thần tích cực, hợp tác và có trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu.
Nguyễn Thị Thu Phương