Bài 1: Khẩn trương xây dựng Luật Phòng, chống buôn bán người
Tình hình hoạt động buôn bán PNTE ở nước ta ngày càng đa dạng và phát triển theo chiều hướng ngày càng nghiêm trọng, không còn là hiện tượng đơn lẻ. Thậm chí gần đây cả nam giới cũng đã trở thành nạn nhân của hoạt động buôn bán người. Tính từ đầu năm 2005 đến tháng 11/2007, cả nước đã phát hiện xảy ra 900 vụ, 1.600 đối tượng và 2.200 PNTE bị buôn bán, xoá 353 đường dây, xét xử 498 vụ với 846 bị cáo. Riêng năm 2007, lực lượng Biên phòng đã phát hiện và bắt giữ 15 vụ đưa PNTE ra nước ngoài bán. Ngoài ra còn có khoảng hơn 6.400 trẻ em vắng mặt lâu ngày ở địa phương nghi đã bị bán ra nước ngoài. Tuy nhiên, số lượng trên chưa phản ánh chính xác tình hình buôn bán PNTE ở nước ta vì còn có nhiều đường dây buôn người hoạt động ngầm, xuyên quốc gia mà chưa bị phát hiện. Những đối tượng phạm tội ngoài người Việt Nam, số lượng người nước ngoài tham gia vào các đường dây buôn bán người ở nước ta ngày càng gia tăng, chủ yếu là người Đài Loan, Trung Quốc, Campuchia, Hàn Quốc.
Cuộc đấu tranh với loại tội phạm buôn bán người chỉ đạt hiệu quả khi có một môi trường pháp luật thực sự hữu hiệu trên cả phương diện phòng và chống. Song thực tế hiện nay, mặc dù nhiều văn bản pháp luật của nước ta đã có những qui định tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý các hành vi lạm dụng tình dục, vi phạm quyền của PNTE, buôn bán PNTE như Bộ luật Hình sự, Luật Hôn nhân và Gia đình, Pháp lệnh Phòng chống mại dâm, Pháp lệnh Xuất nhập cảnh và nhiều văn bản khác có liên quan dưới góc độ phòng ngừa, ngăn chặn, trừng trị tội phạm mua bán PNTE…, nhưng các văn bản đó đã bộc lộ bất cập, thiếu sót, chưa đáp ứng hiệu quả phòng ngừa và trừng trị nghiêm khắc, triệt để loại tội phạm buôn bán người. Điều đó có thể thấy qua việc thiếu các qui định phòng chống buôn bán nam giới - đối tượng mới của bọn buôn người và các đường dây bóc lột lao động; các qui định của pháp luật tố tụng hình sự về bảo vệ nạn nhân, nhân chứng trong các vụ án buôn bán người còn thiếu cụ thể; các qui định về hồi hương, tái hoà nhập cộng động, phục hồi cho PNTE là nạn nhân của các vụ buôn bán người trở về cũng chưa đầy đủ, cần bổ sung, hoàn thiện. Các qui định pháp luật liên quan đến hoạt động phòng chống và xử lý tội phạm buôn bán người hiện mới xuất hiện rải rác trong nhiều văn bản, chưa tạo thành một hệ thống để tăng tính hiệu quả khi áp dụng. Đây là hạn chế lớn nhất trong hệ thống pháp luật hiện hành khiến việc phòng chống tệ nạn buôn bán người ở nước ta chưa đạt hiệu quả mong muốn.
Xuất phát từ tính chất “xuyên quốc gia” của tội phạm buôn bán người, việc truy cứu trách nhiệm đối với chúng chỉ có thể tiến hành với sự hợp tác của các cơ quan chức năng ở các quốc gia hữu quan. Nhiều nước trên thế giới (Mỹ, Thái Lan, Campuchia, Tazikistan…) đã có những đạo luật chuyên biệt về phòng chống buôn bán người, song song với Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp, trừng trị buôn bán người, đặc biệt là PNTE và Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Vì thế, Việt Nam muốn xoá tên trên “bản đồ buôn người thế giới” thì cần thiết phải xây dựng được một đạo luật về phòng chống buôn bán người. Một mặt khắc phục, bổ sung những hạn chế, thiếu sót trong các qui định pháp luật hiện hành về tội phạm buôn bán người; mặt khác thể hiện cam kết và quyết tâm của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế về việc phòng, chống hiệu quả nạn buôn bán người./. Hương Giang
Box : Bọn buôn người ở Việt Nam hoạt động tập trung chủ yếu tại các tuyến và địa bàn trọng điểm như biên giới Việt - Trung (65% số vụ); biên giới Việt Nam – Campuchia (10%); biên giới Việt - Lào (6,3%); theo đường hàng không, tập trung ở các tuyến Việt Nam đi Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Hồng Kông, Đài Loan, Mỹ, Canada, Australia, Angola, một số nước châu Âu; đường biển sang Hồng Kông, Đài Loan, Campuchia. Hiện đang hình thành một số đường dây người Việt Nam cấu kết với người Séc, Nga, Hồng Kông, Thái Lan, Malaysia, Singapore… để buôn bán người./.