Tuy nhiên, trong một vài năm trở lại đây do cơ chế đơn giản hoá thủ tục thành lập DN theo hướng giảm thủ tục, thời gian, đồng thời cùng với việc Nhà nước thực hiện chính sách khuyến khích xuất nhập khẩu bằng cách cho chậm nộp thuế sau nhập khẩu 30 ngày thì một số DN đã lợi dụng để chây ỳ, cố tình dây dưa không trả nợ thuế gây khó khăn cho các cơ quan thu thuế làm thất ngân sách nhà nước, đặc biệt là có rất nhiều trường hợp quỵt thuế, chiếm đoạt thuế của Nhà nước bằng cách thành lập DN sau đó là nhập khẩu hàng hoá đưa vào thị trường trong nước tổ chức tiêu thụ nhanh và sau đó giải tán DN và lẩn trốn.
Chỉ tính riêng ba thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM trong năm 2006 đã có khoảng đến hàng ngàn DN nợ đọng thuế với số tiền lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Trong đó rất nhiều DN mất tích không xác định được nơi cư trú. Hay trường hợp một số DN thành lập xong kinh doanh trái phép hoặc lừa đảo gây thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức và công dân sau đó bỏ trốn. Điều đáng nói ở đây là sau khi vi phạm, mất tích trong một thời gian những chủ DN đó lại đứng ra xin phép thành lập DN mới và lại tiếp tục vi phạm. Nguyên nhân chủ yếu là việc xác định nhân thân của người đứng đầu DN chưa được thực hiện tốt, hiện có rất nhiều trường hợp người đứng đầu DN không có trình độ theo quy định, không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, đã bị cấm kinh doanh... nhưng vẫn được phép thành lập DN.
Các vấn đề về thủ tục như họ, tên người đứng đầu DN, trụ sở, địa chỉ giao dịch.. đều đã được quy định rõ ràng trong Luật DN và một số văn bản pháp luật có liên quan nhưng vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc. Về vấn đề nhân thân, theo quy định khi đăng ký kinh doanh phải có Phiếu lý lịch tư pháp (PLLTP) đây là điều kiện bắt buộc kèm theo các điều kiện khác như trong một số trường hợp cần phải có bằng chuyên ngành trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh, phải có đủ vốn điều lệ, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ... Và để xác định được điều kiện này ngày 08/02/1999 Bộ Tư pháp và Bộ Công an đã ban hành Thông tư liên tịch số 07/1999/TTLT-BTP-BCA về việc phối hợp cấp PLLTP trong đó xác định cá nhân công dân có tiền án hay không? Từ đó tạo cơ sở pháp lý rõ ràng để các cơ quan có thẩm cấp giấy phép thành lập DN có cái nhìn khách quan, chính xác về nhân thân của người xin thành lập DN nhằm loại trừ các trường hợp không đủ điều kiện kinh doanh và bị cấm kinh doanh do nhân thân không tốt.
Thiết nghĩ, nếu chúng ta áp dụng nghiêm túc việc bắt buộc phải có PLLTP trong thủ tục xin phép thành lập DN sẽ góp phần ngăn chặn, hạn chế tình trạng thành lập DN kinh doanh trốn thuế, vi phạm pháp luật rồi bỏ trốn diễn ra rất phổ biến như hiện nay gây thiệt hại rất lớn nền kinh tế đất nước và tạo được niềm tin cho các nhà kinh doanh chân chính trong và ngoài nước./.
Phạm Văn Chung