Quy định về bảo hiểm thất nghiệp

Ngày 12/12/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 127/2008/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Theo đó, trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động phải đến cơ quan lao động để đăng ký. Trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, hằng tháng, người thất nghiệp phải đến thông báo với cơ quan lao động về việc tìm kiếm việc làm.

Người thất nghiệp được hưởng BHTN khi có đủ các điều kiện sau: Đã đóng BHTN đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi thất nghiệp; Đã đăng ký thất nghiệp với tổ chức bảo hiểm xã hội; Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày đăng ký thất nghiệp.
Mức trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHTN của 06 tháng liền kề trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng phụ thuộc vào thời gian làm việc có đóng BHTN của người lao động và tổng thời gian được hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng được thực hiện như sau: 03 tháng, nếu có từ đủ 12 đến dưới 36 tháng đóng BHTN; 06 tháng, nếu có từ đủ 36 đến dưới 72 tháng đóng BHTN; 09 tháng, nếu có từ đủ 72 đến dưới 144 tháng đóng BHTN; 12 tháng, nếu có từ đủ một 144 tháng đóng BHTN trở lên.
Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ học nghề với thời gian không quá 06 tháng tính từ ngày người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng; được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí do cơ quan lao động thực hiện thông qua các trung tâm giới thiệu việc làm; được hưởng chế độ bảo hiểm y tế do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng.
Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng sẽ bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu không thực hiện thông báo hằng tháng với cơ quan lao động về việc tìm kiếm việc làm hoặc bị tạm giam. Nếu sau 02 lần từ chối nhận việc làm do tổ chức bảo hiểm xã hội giới thiệu mà không có lý do chính đáng sẽ bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Quỹ BHTN: Người lao động đóng bằng 1% tiền lương, tiền công tháng đóng BHTN; Người sử dụng lao động đóng bằng 1% quỹ tiền lương, tiền công đóng BHTN của những người lao động tham gia BHTN. Hàng tháng, Nhà nước hỗ trợ từ ngân sách bằng 1% quỹ tiền lương tiền công đóng BHTN của những người lao động tham gia BHTN và mỗi năm chuyển một lần.
Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2009.

N.C