Mục tiêu của Diễn đàn là nhằm thực hiện Quyết định đã được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp các nước ASEAN lần thứ 6 (ALAWMM) tổ chức tại Việt Nam cách đây 3 năm về việc tổ chức Diễn đàn pháp luật lần thứ 4 về tương trợ tư pháp giữa các nước ASEAN trong lĩnh vực dân sự và thương mại. Tham dự Diễn đàn có khoảng 100 đại diện của các cơ quan tư pháp và pháp luật của 10 nước ASEAN, Ban Thư ký ASEAN, các luật gia đến từ Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế (Hội nghị La Hay) và từ một số nước trong khu vực như Trung quốc, Ô-xtơ-rây-li-a . Về phía Việt Nam sẽ có các đại biểu đến từ các cơ quan tư pháp và pháp luật của trung ương và địa phương, các viện nghiên cứu, các trường đại học, Hội luật gia, các đoàn luật sư, các doanh nghiệp v.v…
Đại biểu tham dự Diễn đàn sẽ trao đổi thông tin, các vấn đề khoa học và thực tiễn của pháp luật ASEAN và quốc tế trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về dân sự và thương mại, chuẩn bị cho việc triển khai các sáng kiến của Việt Nam tại ALAWMM 6 về tăng cường tương trợ tư pháp giữa các nước ASEAN trong lĩnh vực dân sự và thương mại. Cụ thể, các đại biểu tham dự sẽ trình bày tham luận/ Báo cáo quốc gia về hệ thống pháp luật và thực tiễn của nước mình về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại, các Hiệp định tương trợ tư pháp đa phương và song phương mà các nước đã ký kết hoặc gia nhập cũng như thực tiễn đàm phán và thực hiện các điều ước quốc tế đó. Đặc biệt, các quốc gia đã trở thành thành viên của Hội nghị La Hay và gia nhập các Công ước La Hay (Brunei, Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a, Thái Lan, Philippine, Campuchia) sẽ chia sẻ thêm kinh nghiệm về quá trình đàm phán gia nhập Hội nghị và Công ước, những thuận lợi, khó khăn và bày tỏ quan điểm về khả năng đàm phán và ký kết 02 Công ước ASEAN mà Hội nghị ALAWMM 6 đã đề xuất là Công ước về miễn hợp pháp hoá giấy tờ dùng trong tương trợ tư pháp và Công ước về hợp tác tống đạt giấy tờ.
Ngoài ra, tại Diễn đàn này, chuyên gia của Hội nghị Tư pháp quốc tế La Hay và chuyên gia của một số quốc gia đến từ Trung Quốc, Ô-xtơ-rây-li-a sẽ trình bày các tham luận giới thiệu về 1) Hội nghị Tư pháp quốc tế La Hay, tổng quan tình hình soạn thảo, đàm phán và gia nhập các Công ước La Hay, những thuận lợi của một quốc gia khi là thành viên của Công ước La Hay; 2) Nội dung cụ thể của 2 Công ước La Hay ((i) Công ước ngày 05/10/1961 về xoá bỏ các yêu cầu về hợp pháp hoá giấy tờ tài liệu công vụ; và (ii) Công ước La Hay ngày 15/11/1965 về Tống đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại) , những kết quả đã đạt được, những mặt thuận lợi, khó khăn và 3) Kinh nghiệm thực tiễn của các quốc gia thành viên trong việc xây dựng, đàm phán và thực hiện các Công ước La Hay, đặc biệt là 2 Công ước về tống đạt giấy tờ và hợp pháp hoá lãnh sự.
Diễn đàn pháp luật ASEAN lần thứ 4 diễn ra trong bối cảnh chúng ta đang hướng tới hình thành một Cộng đồng ASEAN vào năm 2020. Ngày 6/3/2008, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký phê chuẩn Hiến chương ASEAN, ngày 14/3/2008, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đã ký và gửi thư phê chuẩn Hiến chương cho Tổng Thư ký ASEAN và Ngoại trưởng các nước thành viên ASEAN. Việt Nam là nước thứ 5 phê chuẩn Hiến chương, sau Singapore, Brunei, Lào và Malaysia.
Trong bối cảnh đó, việc Bộ Tư pháp Việt Nam tổ chức Diễn đàn pháp luật ASEAN lần thứ 4 một lần nữa khẳng định xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng, quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa các nước ASEAN vì hoà bình, ổn định và sự phát triển phồn vinh của khu vực Đông Nam Á. Một hình ảnh 10 nước ASEAN năng động và đoàn kết là công lao và nỗ lực của tất cả chúng ta. Các đại biểu tham dự Diễn đàn pháp luật ASEAN lần thứ 4 sẽ sát cánh cùng nhau đóng góp phần mình vào việc củng cố hình ảnh tốt đẹp này. Chúng ta hy vọng rằng, vận dụng linh hoạt "Phong cách ASEAN" trong tinh thần đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau, hữu nghị và đồng thuận, Diễn đàn pháp luật ASEAN lần thứ 4 sẽ thành công, đóng góp vào các mục tiêu chung trong hợp tác pháp luật và tư pháp của các nước ASEAN trong giai đoạn đẩy mạnh hội nhập khu vực và quốc tế.
Là thành viên của ASEAN, Việt Nam có thêm điều kiện để mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác về tư pháp và pháp luật với các nước trong Hiệp hội và những thành tựu của các nước ASEAN trong lĩnh vực tư pháp và pháp luật cũng giúp cho Việt Nam có thêm nhiều kinh nghiệm quý trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật và cải cách tư pháp theo các nguyên tắc của nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế.
Để bạn đọc có cái nhìn tổng thể và toàn diện về nội dung của Hội nghị, chúng tôi xin giới thiệu một số bài viết của tác giả Đặng Hoàng Oanh, chuyên viên Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Tư pháp, về các Diễn đàn pháp luật ASEAN 1, 2 và 3 đã tổ chức trước đây tại các nước thành viên ASEAN; về Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế, các Công ước La hay về tương trợ tư pháp, trong đó có Công ước ngày 05/10/1961 về xoá bỏ các yêu cầu về hợp pháp hoá giấy tờ tài liệu công vụ; và (ii) Công ước La Hay ngày 15/11/1965 về Tống đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại v.v….
Đặng Hoàng Oanh - Vụ Hợp tác quốc tế