Ngày 26/1, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong phòng chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên. Chỉ thị hy vọng sẽ gỡ được “nút thắt”, để cả hệ thống chính trị cùng chung tay với ngành Giáo dục trong phòng chống bạo lực học đường.
Chỉ thị số 02/CT-TTg làm rõ nhiệm vụ, sự phối hợp giữa các tổ chức trong xã hội nhằm tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Trách nhiệm này không chỉ của cơ sở giáo dục.
Thầy Nguyễn Minh Đạo - Hiệu trưởng Trường THPT Quan Sơn (Quan Sơn, Thanh Hóa) nhấn mạnh điều này, đồng thời nhắc lại yêu cầu trong Chỉ thị, đó là “tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục với việc đảm bảo an toàn trường học do mình phụ trách”.
Việc giao trách nhiệm cho người đứng đầu nhà trường nên được hiểu đúng để không tạo áp lực cho hiệu trưởng. Thầy Nguyễn Minh Đạo làm rõ: Người đứng đầu cơ sở giáo dục phải quan tâm để thực hiện tốt các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của mình và đơn vị; luôn đặt quyền lợi của học sinh lên trên.
Đồng thời, chủ động phối hợp xử lý các sự vụ một cách tích cực, không trốn tránh, đùn đẩy trách nhiệm; không thờ ơ, bàng quan, coi việc đó xảy ra ở ngoài trường nên thiếu trách nhiệm. Có nghĩa là, dù sự việc bạo lực học đường có xảy ra trong trường hay ngoài trường, thì khi biết tin, người đứng đầu phải nhanh chóng phối hợp với các đơn vị liên quan để cùng khắc phục, xử lý tình huống.
“Tuy nhiên, con trẻ là kết quả giáo dục tổng thể của xã hội, gia đình và nhà trường. Môi trường xã hội cũng là nguyên nhân quan trọng gây ra tình trạng bạo lực học đường. Do đó, cả hệ thống chính trị cần nhận thức đúng đắn vai trò trách nhiệm của mình trong giải quyết vấn nạn này. Xã hội cần quan tâm nhiều hơn đến việc tạo môi trường sống lành mạnh, tích cực, tử tế cho trẻ”, thầy Nguyễn Minh Đạo chia sẻ.
Tương tự, theo thầy Nguyễn Tiến Dũng - Hiệu trưởng Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình), phòng chống bạo lực học đường đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của toàn xã hội. Việc giao trách nhiệm cho người đứng đầu nhà trường nên được hiểu thế nào để không tạo nặng nề cho hiệu trưởng.
“Ví dụ 2 nhóm học sinh buổi tối đi chơi trên đường, do va chạm giao thông đánh nhau chứ không hề có mâu thuẫn từ trước mà quy hết trách nhiệm cho người đứng đầu cơ sở giáo dục là không công bằng”, thầy Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tấn Lộc - Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT An Giang cho rằng, về mặt quản lý nhà trường, trách nhiệm người đứng đầu với việc phòng chống bạo lực học đường là đương nhiên. Tuy nhiên, không phải cứ có sự việc học sinh xảy ra xích mích, xô xát… là hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm. Điều này cần làm rõ trong từng sự việc cụ thể.
Toàn xã hội vào cuộc
Ông Nguyễn Tấn Lộc đánh giá cao Chỉ thị số 02/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đặt trọng tâm vào công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong phòng chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội với học sinh, sinh viên.
Tại An Giang, công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống cho học sinh, phòng chống bạo lực học đường luôn được sở GD&ĐT xem là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên nhắc nhở ở các hướng dẫn nhiệm vụ năm học, hội nghị của sở, dịp tổng kết toàn ngành…
Tuy nhiên, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT An Giang cũng thẳng thắn nhìn nhận triển khai nội dung này còn không ít khó khăn, hạn chế. Theo đó, nhiều gia đình thiếu quan tâm, còn khoán trắng cho nhà trường; thiếu phối hợp trong quản lý, giáo dục học sinh tại nhà; chưa gương mẫu, ứng xử kém văn hóa trước mặt con cái.
Nhiều nội dung phản cảm, hành vi thiếu văn hóa trên các trang mạng xã hội làm ảnh hưởng đến nhận thức, hành vi của giới trẻ chưa được ngăn chặn kịp thời, xử lý chưa triệt để... Do đó, còn có hiện tượng học sinh sử dụng thuốc lá điện tử, đánh nhau bên ngoài nhà trường…
Trong thời gian tới, ông Nguyễn Tấn Lộc cho biết, Sở GD&ĐT An Giang tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông và phối hợp với các sở, ngành liên quan trong phòng chống bạo lực học đường. Triển khai các mô hình giáo dục về tình yêu thương, kính trọng người lớn, sân chơi bổ ích, hoạt động xã hội tích cực có sự tham gia của phụ huynh học sinh và cộng đồng.
Tổ chức tự kiểm tra, kiểm tra thường xuyên theo phân cấp quản lý; thanh, kiểm tra toàn ngành việc thực hiện phòng chống bạo lực học đường, văn hóa ứng xử trong trường học, công tác giáo dục và hoạt động giáo dục tích cực của cơ sở giáo dục. Có hình thức động viên khen thưởng đơn vị làm tốt; kịp thời xử lý đơn vị để xảy ra vấn đề về bạo lực học đường, ứng xử văn hóa…
Với nhiều giải pháp được triển khai nghiêm túc, đồng bộ, những năm gần đây, trên địa bàn TP Cần Thơ không xảy ra bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục. Một số giải pháp hiệu quả được Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Thị Thùy Dung chia sẻ như: Nhà trường xây dựng lực lượng giám sát nhằm nắm bắt thông tin, kịp thời phát hiện, xử lý triệt để các mâu thuẫn;
Chủ động phối hợp với gia đình quản lý học sinh, học viên ngoài giờ học nhằm phòng ngừa, ngăn chặn không để xảy ra tình trạng học sinh vi phạm pháp luật và tham gia vào các tệ nạn xã hội;
Tăng cường tuyên truyền, giáo dục học sinh về việc đảm bảo an ninh trật tự trường học, phòng, chống bạo lực học đường; kỹ năng xử lý các tình huống. Tiếp tục thiết lập kênh thông tin, đường dây nóng, hộp thư góp ý và các hình thức khác về an ninh, trật tự trường học.
Hằng năm, sở GD&ĐT thành lập các đoàn kiểm tra chuyên đề về công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn trường học; phòng, chống bạo lực học đường kết hợp với kiểm tra công tác hè và chuẩn bị cho năm học mới.
Lãnh đạo cơ sở giáo dục kiểm tra thường xuyên, đột xuất việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục học sinh, đặc biệt chú trọng đến học sinh chưa ngoan, nghỉ học, bỏ tiết học, vi phạm nội quy nhà trường. Hiện, các trường trên địa bàn thành phố xây dựng kế hoạch phòng ngừa bạo lực học đường, có quy trình xử lý với từng tình huống.
“Cùng với thúc đẩy hoạt động của tổ tư vấn tâm lý trong trường học, nhà trường đồng thời tổ chức các chuyên đề, buổi tọa đàm về “Xây dựng tình bạn đẹp - Nói không với bạo lực học đường”; tổ chức cho học sinh ký cam kết thực hiện nội quy, nền nếp nhà trường, chấp hành quy định của pháp luật; đồng thời trao đổi, khuyến khích, vận động cha mẹ học sinh thực hiện ký cam kết không để xảy ra vụ việc bạo lực học đường trong và ngoài trường học…”, bà Lê Thị Thùy Dung cho hay.
Nguồn: Hiếu Nguyễn - https://giaoducthoidai.vn/