Với 04 chương, 38 điều, Bộ tiêu chuẩn đã quy định cụ thể những vấn đề chung, các tiêu chuẩn chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý (bao gồm các tiêu chuẩn chung và các tiêu chuẩn theo hình thức trợ giúp pháp lý) và việc đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý cũng như trách nhiệm của các cá nhân, người thực hiện trợ giúp pháp lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức chủ quản của tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý trong việc bảo đảm chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý và đánh giá chất lượng các vụ việc trợ giúp pháp lý. Theo đó, việc xác định một vụ việc trợ giúp pháp lý có chất lượng căn cứ vào các tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn về hình thức trợ giúp pháp lý quy định tại Bộ tiêu chuẩn này. Ngoài ra, vụ việc cũng có chất lượng trong các trường hợp như: vụ việc mà nội dung tư vấn, quan điểm bào chữa, đại diện, quan điểm hòa giải đúng pháp luật, được thể hiện trong hồ sơ vụ việc mà không được người có yêu cầu chấp nhận hoặc không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp nhận nhưng là căn cứ để yêu cầu xem xét lại vụ việc hoặc phù hợp với kết quả giải quyết cuối cùng hoặc vụ việc mà nội dung trợ giúp pháp lý là căn cứ để kiến nghị sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện pháp luật. Việc đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý được thực hiện thường xuyên, do người thực hiện trợ giúp pháp lý tự đánh giá, do tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý đánh giá và trong những trường hợp cần thiết thì do cơ quan quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý đánh giá. Trong quá trình thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý và giám sát đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, việc tham gia giám sát của người được trợ giúp pháp lý và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan được khuyến khích./. Đỗ Hương - Cục Trợ giúp pháp lý