Vì vậy, ngày 12 tháng 12 năm 2008 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 127/2008/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp.
Theo đó, Người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp là công dân Việt Nam giao kết các loại hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng và không xác định thời hạn. Người lao động có thể là cán bộ, công chức, viên chức hoặc người làm công ăn lương trong các doanh nghiệp.
Điều kiện hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp:
- Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng trong vòng 24 tháng trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc
- Đã đăng ký với cơ quan lao động khi mất việc làm, chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc
- Sau 15 ngày kể từ khi đăng ký với cơ quan lao động mà vẫn chưa tìm được việc làm
Các chế độ bảo hiểm thất nghiệp
(i)Trợ cấp thất nghiệp
- Đức trả hàng tháng
- Bằng 60% mức bình quân tháng lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi mất việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc
- Thời gian hưởng trợ cấp phụ thuộc vào thời gian đóng bảo hiểm nhưng không quá thời gian tối đa được hưởng
(ii) Hỗ trợ học nghề: bằng mức chi phí học nghề ngắn hạn; thời gian học nghề không quá 6 tháng tính từ ngày người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng
(iii) Hỗ trợ tìm việc làm: Người lao động được giới thiệu việc làm miễn phí với thời gian tương ứng với thời gian được hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng.
(iv) Bảo hiểm y tế: Người được hưởng trợ cấp thất nghiệp được hưởng chế độ bảo hiểm y tế
Việc đóng bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện bởi người lao động (1% tiền lương, tiền công) và người sử dụng lao động (1% tiền lương, tiền công). Ngoài ra, Nhà nước hỗ trợ 1% quỹ tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Để được hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp sau khi mất việc, chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc thì người lao động phải chủ động thực hiện thủ tục sau:
- Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc người lao động đến cơ quan lao động đăng ký. Hồ sơ bao gồm: đơn đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp (theo mẫu); bản sao hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc xác nhận của đơn vị cuối cùng trước khi thất nghiệp về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc đúng pháp luật.
- Cơ quan lao động có trách nhiệm giải quyết trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. Nếu không chấp nhận thì phải trả lời bằng văn bản.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2009.
B.K.M