Nghiệp vụ thanh tra việc cho người nước ngoài nhận con nuôi là trẻ em Việt Nam

Mục đích hàng đầu của việc nuôi con nuôi là đem lại cho những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn hoặc éo le đặc biệt một mái ấm gia đình bền vững với sự chăm sóc đầy đủ về vật chất và tinh thần từ cha mẹ nuôi, bởi vậy nó mang tính nhân đạo cao cả. Về phía gia đình cha mẹ đẻ của trẻ, vì một lý do nào đó mà không có điều kiện để nuôi dạy, chăm sóc trẻ được tốt, thì cũng thông qua việc cho con đi làm con nuôi người nước ngoài sẽ tạo dựng cho trẻ một mái ấm gia đình đầy đủ hơn, hạnh phúc hơn.

Về phía cha mẹ nuôi, việc nhận nuôi con nuôi nhằm đáp ứng nhu cầu tình cảm cho gia đình thêm đầm ấm, ngoài ra cũng có trường hợp việc nhận nuôi con nuôi còn nhằm đảm bảo sự nối dõi tông đường hay duy trì sự phát triển khối tài sản của gia đình, của dòng họ hay vì một mục đích nhân đạo nào đó.

Vấn đề cho người nước ngoài nhận con nuôi là trẻ em Việt Nam là một vấn đề nhạy cảm, do đó trong công tác quản lý Nhà nước cũng như  công tác Thanh tra việc cho người nước ngoài nhận con nuôi là trẻ em Việt Nam là một lĩnh vực đòi hỏi Thanh tra viên phải nghiên cứu, học hỏi và hết sức nỗ lực mới có thể đáp ứng được yêu cầu công tác. Để giúp Thanh tra Tư pháp tiến hành thanh tra chuyên ngành đối với lĩnh vực này, chúng tôi xin trình bày một số vấn đề cơ bản có liên quan đến công tác thanh tra việc cho người nước ngoài nhận con nuôi là trẻ em Việt như sau: 

I. VAI TRÒ VÀ THẨM QUYỀN THANH TRA TƯ PHÁP TRONG VIỆC CHO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI NHẬN TRẺ EM VIỆT NAM LÀM CON NUÔI 

1. Vai trò của Thanh tra Tư pháp đối với việc cho người nước ngoài nhận trẻ em Việt làm con nuôi 

Để đưa vấn đề nuôi con nuôi vào khuôn khổ chặt chẽ để Nhà nước quản lý là một việc làm rất cần thiết và không thể chậm trễ. Hơn lúc nào hết, công tác thanh tra phải được coi trọng vì mục đích thanh tra là: “nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật; phát hiện những sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền các biện pháp khắc phục; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.” (Điều 3 Luật Thanh tra).

Đó chính là nhiệm vụ của Thanh tra Tư pháp - tổ chức vừa có chức năng thanh tra hành chính, vừa có chức năng thanh tra chuyên ngành trên những lĩnh vực quản lý của ngành, trong đó có lĩnh vực cho người nước ngoài nhận trẻ em Việt làm con nuôi. 

2. Cơ sở pháp lý và Thẩm quyền của Thanh tra Tư pháp trong lĩnh vực cho người nước ngoài nhận trẻ em Việt làm con nuôi 

Pháp luật quốc tế hiện nay nhìn nhận việc nuôi con nuôi không chỉ còn đơn thuần là một biện pháp phúc lợi cho trẻ em (thể hiện ở chỗ đem lại cơm no, áo ấm, các điều kiện vật chất khác cho trẻ) mà nó còn là một biện pháp xã hội và pháp lý (thể hiện ở chỗ giải quyết được tình trạng trẻ em lang thang, cơ nhỡ, có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt được một gia đình đứng ra bảo vệ) giúp cho trẻ có một gia đình thực sự, được cha mẹ nuôi đùm bọc, chăm sóc, bảo vệ. Chính vì vậy mà pháp luật quốc tế và cả pháp luật của mỗi quốc gia đều có những quy định khá cụ thể và rõ ràng để điều chỉnh về vấn đề nuôi con nuôi này.

Ở Việt Nam, ý thức được tầm quan trọng của vấn đề cho người nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định khá cụ thể, rõ ràng, tạo ra một khung pháp lý tương đối thuận lợi cho việc xin và nhận con nuôi. Tuy nhiên, cơ chế và khung pháp lý này cũng còn có không ít những nhược điểm, kẽ hở và bất cập. Chính còn có những điều không phù hợp, những kẽ hở đã làm cho những người thực thi pháp luật gặp khó khăn, dễ mắc những thiếu sót sai lầm, đồng thời đã bị một số kẻ lợi dụng trong quá trình môi giới và thực hiện đăng ký cho người nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi để trục lợi, thậm chí lừa đảo, buôn bán trẻ em, làm mất đi bản chất nhân đạo cao cả của việc nuôi con nuôi.

Hệ thống các chính sách, pháp luật cơ chế quản lý các lĩnh vực liên quan đến nội dung thanh tra việc cho người nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi đã được cụ thể hoá trong các văn bản như: Nghị định 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, Nghị định 69/2006/NĐ-CP ngày 21/7/2006 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, Thông tư  07/2002/TT-BTP ngày 16/12/2002 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 68/2002/NĐ-CP, Nghị định 69/2006/NĐ-CP, Nghị định 158/2005/NĐ-CP của Chính phủ ngày 27/12/2005 về đăng ký và quản lý hộ tịch, Thông tư số 08/2006/TT-BTP ...

Tại khoản 1, Điều 72 của Nghị định 68/2002/NĐ-CP quy định: “Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài trong phạm vi cả nước”.

Như vậy, trong các văn bản từ trước đến nay, chúng ta đều thấy quy định Bộ Tư pháp là cơ quan quản lý chuyên ngành lĩnh vực hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài nói chung và việc cho người nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi nói riêng. Do đó, thẩm quyền thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về lĩnh vực này cũng thuộc về Bộ Tư pháp. (điểm d khoản 1 Điều 72 NĐ 68 quy định: “Bộ Tư pháp có nhiệm vụ quyền hạn: thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định”).

Theo quy định tại Điều 1 của Nghị định số 74/2006/NĐ-CP ngày 01/8/2006 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Tư pháp thì ở Trung ương, công tác này thuộc trách nhiệm của Thanh tra Bộ Tư pháp và ở địa phương là Thanh tra Sở Tư pháp. Đây là hệ thống cơ quan có thẩm quyền thanh tra chuyên ngành trong việc cho và nhận trẻ em Việt làm con nuôi người nước ngoài. Còn lại những cơ quan thanh tra khác thuộc hệ thống Thanh tra nhà nước thì tuỳ từng trường hợp cụ thể sẽ tiến hành thanh tra ở một khía cạnh, một vấn đề riêng lẻ nào đó nhưng không phải thanh tra chuyên ngành. 

II. QUY TRÌNH TIẾN HÀNH MỘT CUỘC THANH TRA VIỆC CHO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI NHẬN TRẺ EM VIỆT NAM LÀM CON NUÔI

Những vấn đề pháp luật quy định về trình tự, các bước tiến hành thanh tra là những nguyên tắc chỉ đạo và tiêu chuẩn hành động mà hoạt động thanh tra đòi hỏi người quản lý thanh tra, người thực hiện nhiệm vụ thanh tra, đối tượng thanh tra và cả những người liên quan khác phải chấp hành.

Quy trình thanh tra gồm 3 bước sau:

Bước 1: Chuẩn bị thanh tra.

Bước 2: Trực tiếp thanh tra.

Bước 3: Kết thúc thanh tra. 

1.     Chuẩn bị thanh tra 

          Chuẩn bị thanh tra được tính từ khi có quyết định thanh tra (thậm chí bao gồm cả việc khảo sát ban đầu khi chưa thành lập Đoàn Thanh tra) cho đến khi đoàn thanh tra hoặc thanh tra viên bắt đầu trực tiếp làm việc tại cơ quan đối tượng thanh tra.

1.1. Nghiên cứu quán triệt mục đích, yêu cầu, nội dung cuộc thanh tra.

- Đoàn thanh tra phải tổ chức nghiên cứu, quán triệt quyết định thanh tra: Để minh hoạ, xin lấy ví dụ từ  Quyết định số 377/QĐ-BTP ngày 26/8/2002 thành lập Đoàn Thanh tra liên ngành thực hiện thanh tra việc cho người nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi tại tỉnh B.

          + Đối tượng thanh tra: thì đối tượng thanh tra là các cán bộ phòng hộ tịch – Sở Tư pháp tỉnh B và các đối tượng liên quan ngoài xã hội.

          + Thời điểm bắt đầu tiến hành thanh tra là ngày ký quyết định thanh tra, cụ thể:  ngày 26/8/2002 là ngày Đoàn Thanh tra bắt đầu tiến hành thanh tra.

          + Thời gian tiến hành thanh tra là thời gian tính từ ngày ký quyết định thanh tra hoặc kể từ ngày công bố quyết định thanh tra đến ngày kết thúc thanh tra, cụ thể: ngày 26/8/2002 là ngày Đoàn Thanh tra bắt đầu tiến hành thanh tra và kết thúc sau 30 ngày (ngày kết thúc thanh tra là ngày thứ 30) kể từ ngày 26/08/2002 (không kể ngày lễ, thứ bảy, chủ nhật).

          + Nội dung thanh tra là thanh tra việc cho người nước ngoài nhận trẻ em Việt làm con nuôi tại tỉnh B.

          + Phạm vi thời  gian để xem xét nội dung thanh tra là từ ngày 1/1/1997 đến 31/12/1999.

          + Nguồn gốc và tài liệu làm căn cứ ra quyết định thanh tra, cụ thể là: Căn cứ vào công văn số 332 CV/VP-CN ngày 2/8/2002 của Văn phòng Chủ tịch nước và công văn số 4219/VPCP-PC ngày 31/7/2002 của Văn phòng Chính Phủ về việc yêu cầu Bộ Tư Pháp kiểm tra, xác minh những thông tin trên báo .

 - Đoàn thanh tra cần thảo luận kỹ để xác định trọng tâm, trọng điểm, phương pháp tiến hành cuộc thanh tra, cụ thể là phải nhằm xác minh rõ nội dung 7 trường hợp cho trẻ em làm con nuôi người nước ngoài đã được Báo Đài tiếng nói Việt Nam đăng tải.

1.2. Thu thập và xử lý thông tin cần thiết

- Những thông tin cần thiết gồm:

          + Đặc điểm tình hình hoạt động của đối tượng.

          + Báo cáo của đối tượng thanh tra về hoạt động thực hiện nhiệm vụ và  chấp hành chính sách pháp luật của nhà nước.

          + Các văn bản quy định chính sách, cơ chế quản lý lĩnh vực hoạt động của đối tượng có liên quan đến nội dung cần thanh tra  bao gồm Luật Hôn nhân và gia đình, Nghị định 68/2002/NĐ-CP, Nghị định 69/2006/NĐ-CP, Thông tư 07/2002/TT-BTP, Thông tư số 08/2006/TT-BTP ...

          + Các đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, các thông tin nêu trên công luận báo chí về những tiêu cực, vi phạm của đối tượng, ví dụ: Báo Đài tiếng nói Việt Nam phản ánh 7 trường hợp cho trẻ em người nước ngoài có nhiều vấn đề gây bức xúc với dư luận.

- Phương pháp thu thập thông tin thông qua nhiều kênh (kể cả trên mạng máy tính như thanh tra ở Thành phố H, qua khảo sát trên mạng, Đoàn Thanh tra đã phát hiện có nhiều Trung tâm hoạt động môi giới kết hôn với người nước ngoài) trong đó có yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu; khi cần thiết, có thể tổ chức khảo sát trước.

- Để cho bước chuẩn bị này được đầy đủ, khoa học, thanh tra viên và Đoàn thanh tra phải thực hiện một số yêu cầu cụ thể. Khi cần thiết có thể khảo sát trước , để tiếp xúc, tìm hiểu, nắm tình hình hoạt động của đối tượng thanh tra, hiểu rõ mục đích, yêu cầu, nội dung cuộc thanh tra, tìm hiểu kỹ các chính sách, cơ chế quản lý lĩnh vực hoạt động của đối tượng. Ví dụ: trước khi ra quyết định thành lập Đoàn thanh tra về việc cho người nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi tại tỉnh B, Thanh tra Bộ Tư pháp đã cử một Đoàn công tác đến Sở Tư pháp tỉnh B để khảo sát tình hình, kiểm tra, xem  xét hồ sơ và làm việc với một số cơ quan liên quan (như Báo Đài tiếng nói Việt Nam, Uỷ ban DSGĐ & TE tỉnh B). Sau khi khảo sát tình hình, Đoàn công tác đã báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp để ra quyết định thành lập Đoàn thanh tra liên ngành tại tỉnh B.

- Cần tổ chức khảo sát trong  những trường hợp sau:

          + Khi nội dung thanh tra  là việc thực hiện một chủ trương, chính sách hay lĩnh vực công tác lớn, phải tiến hành trên diện rộng, liên quan đến nhiều cấp , nhiều ngành , ví dụ: khi thanh tra ở B, có liên quan đến UBND tỉnh, Sở LĐTBXH, Công an tỉnh, UBDSGĐ&TE tỉnh, Sở Tư pháp, Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi tàn tật tỉnh, Bệnh viện đa khoa tỉnh, Đài phát thanh và truyền hình...

          + Khi cuộc thanh tra phức tạp, liên quan đến nhiều đầu mối, nhiều cấp quản lý có trách nhiệm liên quan, để kết luận, đánh giá cần có sự tham gia của nhiều cơ quan chức năng, ví dụ: Đoàn Thanh tra liên ngành ở B gồm: Thanh tra Bộ Tư pháp, Bộ Công an, UBDSGĐ&TE.

          Việc khảo sát thường tiến hành trong thời gian ngắn, bằng việc trực tiếp đến nắm tình hình hoặc tổ chức tiếp xúc với những người có trách nhiệm am hiểu về những nội dung và đối tượng thanh tra.

1.3. Xây dựng và trình duyệt kế hoạch tiến hành cuộc thanh tra

          Quyết định thanh tra là một văn bản có giá trị pháp lý, phải thông báo cho đối tượng thanh tra trong vòng 3 ngày và trong vòng 15 ngày kể từ ngày ký, Đoàn Thanh tra phải công bố Quyết định Thanh tra cho đối tượng thanh tra. Kế hoạch tiến hành cuộc thanh tra là thực hiện phương án, cách thức, biện pháp, tổ chức thực hiện của đoàn thanh tra để thực hiện quyết định thanh tra. Việc phê  duyệt kế hoạch tiến hành cuộc thanh tra thuộc thẩm quyền người ban hành quyết định thanh tra . Theo đó kế hoạch tiến hành thanh tra là văn bản làm căn cứ pháp lý để Trưởng Đoàn thanh tra chỉ đạo tiến hành thanh tra.Trưởng Đoàn thanh tra có trách nhiệm xây dựng hoàn chỉnh kế hoạch thanh tra theo quyết định thanh tra của cấp thẩm quyền.

          Kế hoạch phải cụ thể hoá mục đích, yêu cầu, nội dung cuộc thanh tra; xác định rõ đối tượng, những trọng tâm và trọng điểm, bố trí lực lượng tiến hành và phương pháp tiến hành; chế độ báo cáo; thời hạn kết thúc cuộc thanh tra; những yêu cầu chuẩn bị về kinh phí phương tiện vật chất cho cuộc thanh tra.

NỘI DUNG KẾ HOẠCH THANH TRA BAO GỒM: 

- Thanh tra điều kiện của người nước ngoài nhận con nuôi theo Nghị định 68/2002/NĐ - CP, Nghị định 69/2002/NĐ - CP:

          + Điều kiện về hộ tịch: . Khi nộp hồ sơ xin nhận nuôi con nuôi, người nước ngoài phải xuất trình hộ chiếu hoặc giấy tờ hợp lệ khác.

          Mục đích của quy định này là nhằm mong muốn chính cha mẹ nuôi- người sẽ có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ trong thời hạn tiếp theo được trực tiếp thể hiện ý chí của mình. Đồng thời cũng để tránh các hình thức “cò mồi”, “môi giới” làm xấu đi bản chất nhân đạo của việc nuôi con nuôi. Kiểm tra xem Sở Tư pháp có thực hiện nghiêm túc quy định này không. Chú ý trường hợp hộ chiếu của người xin nhận con nuôi đã quá hạn hoặc không trùng với ngày xuất nhập cảnh vào Việt làm thủ tục xin nhận con nuôi.

          + Điều kiện pháp luật của nước mà người xin nhận con nuôi cho phép người đó được nhận con nuôi là trẻ em Việt Nam: Giấy xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước mà người đó là công dân cấp chưa quá 6 tháng xác nhận người đó có đủ điều kiện để nuôi con nuôi theo pháp luật nước đó và việc nuôi con nuôi được công nhận tại nước đó.

          +Kiểm tra họ tên ngư­ời đ­ược cấp giấy tờ; việc cấp giấy này nhằm mục đích cho phép nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi; số trẻ em được nhận làm con nuôi; độ tuổi, giới tính của trẻ em phải phù hợp cha mẹ nuôi theo pháp luật của nước mà cha mẹ nuôi cho phép.

          + Điều kiện về sức khoẻ: Giấy khám sức khoẻ được cấp chưa quá 6 tháng đối với người xin nhận trẻ em Việt làm con nuôi.

          + Điều kiện về mức thu nhập:  Giấy xác nhận được cấp chưa quá 6 tháng xác nhận mức thu nhập hàng năm của ng­ười đó đủ bảo đảm việc nuôi dưỡng con nuôi

- Cam kết việc thông báo tình trạng phát triển của con nuôi và việc thực hiện cam kết này:

          + Giấy cam kết về việc hàng năm ng­ười xin nhận con nuôi phải báo cáo cho Bộ Tư­ pháp và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi ra Quyết định cho con nuôi về tình trạng phát triển của trẻ em đến khi 18 tuổi.

          + Thông báo này phải đ­ược cơ quan có thẩm quyền của nơi trẻ em được làm con nuôi thư­ờng trú xác nhận.

- Các thủ tục giấy tờ về hộ tịch của đứa trẻ được xin nhận làm con nuôi như giấy khai sinh, giấy chứng sinh, biên bản xác nhận trẻ bị bỏ rơi, phải có thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về đứa trẻ bị bỏ rơi để cha mẹ họ hàng đứa trẻ biết (nếu là trẻ bị bỏ rơi)...

- Thanh tra việc sử dụng các loại sổ sách, giấy tờ, mẫu biểu và việc chấp hành chế độ báo cáo, lưu trữ, bảo quản và giải quyết khiếu nại trong việc cho người nước ngoài nhận con nuôi là trẻ em Việt Nam:

          + Các loại sổ sách sử dụng cho việc tiến hành đăng ký việc nuôi con nuôi.

          +Việc khai báo, xác nhận và việc sử dụng các loại mẫu biểu trong hồ sơ

          +Việc chấp hành chế độ báo cáo.

          +Xem xét việc thu, nộp và sử dụng lệ phí: Kiểm tra sổ sách, chứng từ thu chi và các báo cáo về thu chi lệ phí.

- Tiến hành xác minh tại các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, bệnh viện, các gia đình nơi cho trẻ em làm con nuôi người nước ngoài. Cần phải xác minh các vấn đề:

          + Nguồn gốc của đứa trẻ để làm rõ có việc thu gom, bắt cóc, cưỡng ép, mua bán trẻ em hay không.

          + Sự tự nguyện của cha mẹ hoặc người đỡ đầu: khi cha mẹ cho con có bị cưỡng ép, mua chuộc, lừa dối hay không ?

- Xem xét thời hạn trình tự giải quyết các thủ tục đăng ký cho người nước ngoài nhận con nuôi là trẻ em Việt theo Nghị định 68/2002/NĐ-CP, Nghị định 69/2006/NĐ-CP và Thông tư 07/2002/TT-BTP:

          +  Có lần lượt và đúng trình tự không;

          + Thời hạn thẩm tra xác minh;

          + Thời hạn ra quyết định cho nhận con nuôi;

          + Thời hạn và việc tổ chức lễ giao nhận con nuôi, địa điểm giao nhận con nuôi.

          Sau khi phê duyệt, kế hoạch tiến hành cuộc thanh tra phải được quán triệt cho  mọi thành viên trong đoàn thanh tra và được triển khai thực hiện. Trưởng đoàn phải bám sát kế hoạch để chỉ đạo điều hành cuộc thanh tra.

1.4. Tổ chức tập huấn

          Thành phần đoàn thanh tra có thể bao gồm cán bộ thuộc nhiều cơ quan, đơn vị ngành nghề khác nhau, do đó cần tập huấn để thống nhất chung quan điểm, nhận thức đối với nhiệm vụ, phương pháp tiến hành. Tập huấn cũng là để thành viên đoàn thanh tra được bổ túc những kiến thức cần thiết, nhất là về cơ chế quản lý, các căn cứ pháp luật có liên quan đến nội dung thanh tra.

          Cần tổ chức tập huấn khi cuộc thanh tra có nhiều nội dung phức tạp, nhiều cơ  sở là đối tượng thanh tra và nhất là cuộc thanh tra trên diện rộng, thành phần tham gia Đoàn thanh tra là liên ngành, liên vụ nên trình độ, kiến thức cần thiết cho cuộc thanh tra không đồng đều.

- Nội dung chính của tập huấn gồm:

          + Quán triệt mục đích, yêu cầu, nội dung quyết định thanh tra và kế hoạch tiến hành cuộc thanh tra. Cần chú ý mục đích của thanh tra là phát huy và biểu dương tính tích cực, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và phát hiện các sai phạm và tiêu cực để uốn nắn, khắc phục kịp thời, thu thập đầy đủ các chứng cứ, tài liệu về các hành vi sai phạm của đối tượng thanh tra, báo cáo đầy đủ, trung thực, kiến nghị với người có thẩm quyền xử lý các hành vi sai phạm. Tuyệt đối tránh hiện tượng một số thành viên Đoàn Thanh tra hoặc Trưởng Đoàn thanh tra tự ý bỏ qua một số sai phạm, che chắn cho đối tượng thanh tra nhằm mục đích vụ lợi cá nhân.

          + Nghiên cứu các chính sách, pháp luật cơ chế quản lý các lĩnh vực liên quan đến nội dung thanh tra. Cụ thể là các đoàn viên Đoàn thanh tra phải nắm vững Nghị định 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, Nghị định 69/2006/NĐ-CP ngày 21/7/2006 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, Thông tư  07/2002/TT-BTP ngày 16/12/2002 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 68/2002/NĐ-CP, Nghị định 69/2006/NĐ-CP, Nghị định 158/2005/NĐ-CP của Chính phủ ngày 27/12/2005 về đăng ký và quản lý hộ tịch...

          + Tìm hiểu đặc điểm và tình hình hoạt động của đối tượng thanh tra.

          + Thống nhất nội quy làm việc của đoàn thanh tra.

          + Thông qua tập huấn để thường xuyên nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thanh tra. Cần có sự tham gia, hướng dẫn của các chuyên gia, thảo luận, tháo gỡ các vướng mắc nhằm tăng cường kiến thức nghiệp vụ chuyên sâu về công tác hộ tịch có yếu tố nước ngoài, đáp ứng yêu cầu “người cán bộ thanh tra phải hơn đối tượng thanh tra một cái đầu và phải có một trái tim nóng với một cái đầu lạnh”.

1.5. Xây dựng nội quy làm việc của đoàn thanh tra

          Đoàn thanh tra phải thực hiện quy chế đoàn thanh tra và 5 điều kỷ luật do Tổng Thanh tra ban hành.Trong đó lưu ý mấy vấn đề:

- Chế độ kỷ luật công tác về: phát ngôn, trách nhiệm trước pháp luật trong khi thu thập, xác  minh chứng cứ, chế độ báo cáo. Đặc biệt chú ý về công tác giữ bí mật các tài liệu, thông tin trong quá trình thanh tra, không để tình trạng rò rỉ, phát tán tài liệu của Đoàn thanh tra để đề phòng hậu quả xấu có thể xảy ra.

- Kỷ luật, giữ gìn phẩm chất người thanh tra. Theo quy định của Tổng Thanh tra  nhà nước ghi rõ  những điều cấm của thanh tra  viên không được làm.

- Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ  trong nội bộ đoàn thanh tra, nhưng quyền năng pháp lý cao nhất tập trung  ở người trưởng đoàn. Đương nhiên quyền gắn với trách nhiệm và nghĩa vụ.

1.6. Chuẩn bị đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo

          Báo cáo của đối tượng thanh tra là yêu cầu bắt buộc đối tượng thanh tra phải thực hiện và là một trong những văn bản có giá trị pháp lý được thực hiện và là một trong những  văn bản có giá trị pháp lý được lưu giữ trong hồ sơ cuộc thanh tra.

          Báo cáo ban đầu của đối tượng thanh tra nhằm cung cấp tình hình và tài liệu quan trọng giúp cho đoàn thanh tra tiếp cận, nghiên cứu, xác định trọng tâm,  trọng điểm thanh tra, đồng thời cũng để làm căn cứ đánh giá mức độ thành khẩn, trung thực của đối tượng thanh tra, từ đó đoàn thanh tra cân nhắc, chọn lọc những vấn đề chưa rõ cần tập trung xác minh và thu thập chứng cứ.

          Đoàn thanh tra phải đưa ra trước đề cương yêu cầu cho đối tượng chuẩn bị báo cáo. Đề cương phải đạt yêu cầu:

- Gợi ra những điểm thật sát với nội dung cuộc thanh tra (bám sát kế hoạch tiến hành cuộc thanh tra ). Ví dụ, tại B, Đoàn Thanh tra đã yêu cầu Sở Tư pháp báo cáo đầy đủ, chi tiết quá trình làm thủ tục cho con nuôi của 7 trường hợp mà Báo Đài tiếng nói Việt Nam đã đăng tin.

- Qua báo cáo của đối tượng, có thể nắm tổng quát đặc điểm, tình hình, bối cảnh lịch sử cụ thể, từ đó phân tích nguyên nhân khách quan, chủ quan của sự việc. Đó là một trong những căn cứ quan trọng cho kết luận cuộc thanh tra không sai lệch, phiến diện.

          Vì trước khi tiến hành thanh tra, Đoàn thanh tra đã thu thập thông tin về đối tượng thanh tra nên trong đề cương phải chú ý không vội vã trong nhận định đánh giá và không tiết lộ những vấn đề vi phạm của đối tượng mà đoàn thanh tra đã nắm được, không làm lộ những trọng điểm, trọng tâm và phương pháp tiến hành của đoàn thanh tra để hạn chế sự bao che, chống đối của đối tượng.

1.7. Chuẩn bị kinh phí, phương tiện vật chất

          Đây là một trong những điều kiện cần thiết để đoàn thanh tra thực thi công vụ. Việc chuẩn bị chu đáo sẽ hạn chế việc phát sinh, gây phiền hà cho cơ quan, đơn vị thanh tra. Những điều kiện đó bao gồm:

+ Kinh phí.

+ Phương tiện đi lại ăn ở.

+ Văn phòng phẩm, trang bị, thiết bị, thiết bị công tác: máy ghi âm, máy tính, máy ảnh...

2. Trực tiếp tiến hành thanh tra

          Trực tiếp tiến hành thanh tra được tính từ khi đoàn thanh tra công bố quyết định thanh tra đến khi công bố Kết luận thanh tra. Do yêu cầu, nếu cần kéo dài thời hạn tiến hành cuộc thanh tra phải có quyết định bổ sung gia hạn cuộc thanh tra bằng văn bản và không được quá thời hạn pháp luật quy định. Đây là bước quyết định chất lượng cuộc thanh tra, do đó phải đảm bảo thực hiện đầy đủ các yêu cầu mang tính nguyên tắc.

Nội dung tiến hành thanh tra:

2.1. Công bố quyết định thanh tra

          Phiên làm việc đầu tiên của đoàn thanh tra với đối tượng có nội dung chủ yếu là công bố quyết định thanh tra, thống nhất giữa đoàn thanh tra với đối tượng thanh tra về quan điểm nhận thức, mục đích, yêu cầu, nội dung cuộc thanh tra; xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của người tiến hành thanh tra cũng như đối tượng thanh tra theo quy định của pháp luật, đề ra chương trình và quan hệ công tác.

          Tại phiên họp công bố quyết định thanh tra cần thiết phải có mặt thủ trưởng đơn vị, thủ trưởng các phòng, ban, đơn vị có liên quan trực thuộc của đối tượng,   có thể mở rộng đến đại diện tổ chức cơ quan quản lý với đơn vị được thanh tra. Ví dụ như khi công bố Quyết định thanh tra ở tỉnh B, tỉnh Đ có sự tham dự của Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

          Trưởng Đoàn thanh tra phải thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ của mình để công bố công khai, dân chủ về mục đích, yêu cầu, nội dung, thời hạn cuộc thanh tra đã ghi trong quyết định. Trưởng Đoàn thanh tra phải làm tốt công tác chính trị – tư tưởng làm cho đối tượng thanh tra thông suốt quan điểm, nhận thức đúng đắn về cuộc thanh tra, thống nhất với đối tượng về lịch làm việc và nội dung cần thiết khi làm việc tại cơ quan đơn vị.

          Đoàn thanh tra nghe đối tượng thanh tra báo cáo: Lãnh đạo Sở Tư pháp hoặc Phòng hộ tịch báo cáo với đoàn thanh tra bằng văn bản theo đề cương đoàn thanh tra yêu cầu ( có ký tên, đóng dấu). Các bộ phận có liên quan hoặc các phòng ban, đơn vị trực thuộc có thể báo cáo bổ sung, đoàn thanh tra có thể yêu cầu đối tượng trình bày bổ sung nếu thấy cần thiết.

- Sau khi nghe nghe đối tượng thanh tra báo cáo, Đoàn thanh tra phải nghiên cứu, phân tích báo cáo của đối tượng thanh tra, khai thác, làm rõ một số nội dung sau:

          + Những mâu thuẫn giữa sự việc với quy định quản lý.

          + Những vấn đề có dấu hiệu vi phạm pháp luật, đoàn thanh tra  cần tập trung thanh tra, kiểm tra chi tiết những trọng tâm, trọng điểm.

          + Đặt ra những câu hỏi, các yêu cầu cho đối tượng thanh tra phải cung cấp thông tin cho Đoàn thanh tra.

          Nội dung buổi công bố quyết định thanh tra phải làm thành biên bản.

2.2. Thực hiện các nghiệp vụ thanh tra

          Sau khi công bố quyết định thanh tra, các đoàn viên đoàn thanh tra phải tiến hành phần việc được giao.

          Để tiến hành thanh tra, đoàn thanh tra phải yêu cầu đơn vị được thanh tra cung cấp hồ sơ tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra.

          Khi đơn vị được thanh tra cung cấp hồ sơ, tài liệu, cán bộ thanh tra phải kiểm tra thực trạng tài liệu, chất lượng hồ sơ tài liệu có đúng yêu cầu và đảm bảo đúng quy định của pháp luật không. Khi nhận hồ sơ tài liệu phải lập biên bản giao nhận, đồng thời khẩn trương nghiên cứu khai thác tài liệu đó. Trong quá trình thanh tra, đoàn thanh tra phải trực tiếp quản lý hồ sơ tài liệu nhưng phải yêu cầu đơn vị được thanh tra có các biện pháp bảo vệ an toàn tài liệu. Cán bộ thanh tra tuyệt đối không được để thất lạc, làm hư hỏng cũng như tiết lộ các thông tin tài liệu  của đơn vị được thanh tra. Việc thu giữ hồ sơ tài liệu là rất cần thiết, nhưng đoàn thanh tra cần lưu ý không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đối tượng thanh tra.

          Phương pháp kiểm tra hồ sơ tài liệu rất phong phú, đa dạng. Tuỳ theo yêu cầu và nội dung của mỗi  cuộc thanh tra hay mỗi vấn đề thanh tra áp dụng những biện pháp khác nhau. Để phát hiện ra các hồ sơ có đầy đủ thủ tục hay không ? có hợp lệ hay không ? có hợp lý không ? có mâu thuẫn về thời gian không (ví dụ: đơn xin trẻ đích danh trước khi đứa trẻ được sinh ra) ? thì trước tiên cần thống kê theo các biểu mẫu tại phụ lục số 2 và số 3 kèm theo.

          Qua phân tích, tổng hợp các phiếu nghiên cứu hồ sơ kết hợp với công tác xác minh, Đoàn Thanh tra cần đối chiếu với các sai phạm thường gặp sau:

Các sai phạm thường gặp trong lĩnh vực nuôi con nuôi: 

 - Về Giấy khai sinh

          + Giấy khai sinh giả: Trẻ đã có giấy khai sinh nhưng vì mục đích cho con làm con nuôi nên đương sự đã xin cấp giấy khai sinh khác có nội dung sai sự thật được thể hiện: bản sao Giấy khai sinh không đúng mẫu, không có ngày sao, không có ngày của bản gốc, không có số hoặc số sổ không hợp lý...

          + Về thẩm quyền: Đăng ký khai sinh tại nơi không đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật như: đăng ký khai sinh cho con tại nơi tạm trú vãng lai của người mẹ, hoặc thậm chí chỉ là nơi người mẹ đến sinh đẻ mà không có lý do chính đáng (thực chất là để cho con làm con nuôi người nước ngoài); Sở Tư pháp hoặc Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh ký giấy khai sinh. 

          + Về giấy chứng sinh: Trong thủ tục cấp giấy khai sinh, phải có giấy chứng sinh hoặc giấy tờ hợp lệ thay thế, nhưng cũng vì mục đích cho con làm con nuôi người nước ngoài, đương sự có thể làm giấy chứng sinh tại nơi trẻ em  không được sinh ra.

          + Lưu ý trường hợp người mẹ đẻ đã đem con mình cho một người phụ nữ khác để người này tự nhận là mẹ đẻ và đứng tên khai sinh để cho trẻ đi làm con nuôi người nước ngoài vì lợi ích kinh tế.

- Giấy khám sức khoẻ của trẻ phải đúng thời hạn, đúng nơi khám đa khoa, chi tiết và hợp lệ. Đề phòng trường hợp trẻ có dị tật mà bố mẹ nuôi không biết hoặc trẻ không bị bệnh nan y (viêm gan B) nhưng bị phao tin nhiễm bệnh để tạo tâm lý hoang mang cho gia đình trẻ (đây là thủ đoạn làm giảm bớt mong muốn đòi lại con của bố mẹ đẻ đã xảy ra ở B).

- Đơn xin nhận con nuôi, giấy cam kết thông báo sự phát triển của con nuôi không ghi cụ thể: địa điểm, ngày, tháng, năm viết đơn, đơn xin nhận con nuôi được viết trước thời điểm trẻ em được sinh ra sau đó sang VN liên hệ xin con nuôi; Đơn xin đích danh trẻ trước khi đứa trẻ được sinh ra; Đơn không rõ ngày, tháng; Tẩy xoá ngày đề trong đơn; Chữ ký trong Đơn không giống chữ ký trong Biên bản bàn giao con nuôi; Đơn làm tại Việt Nam trước khi người xin nhận con nuôi nhập cảnh vào Việt Nam..

- Chưa thực hiện đầy đủ việc ghi chú vào sổ hộ tịch đối với việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài theo đúng quy định của Nghị định 158/2006/NĐ-CP, thực hiện việc niêm yết chưa đúng thời hạn quy định và không lưu giữ để báo cáo Sở Tư pháp khi nộp hồ sơ cho trẻ.          

- Thời hạn giải quyết quá thời gian quy định nhưng không có lý do chính đáng.

- Cần nghiên cứu, phát hiện ra một số văn bản của địa phương đang thanh tra có nội dung không phù hợp với pháp luật hiện hành để kiến nghị với UBND tỉnh, thành phố thay đổi hoặc bãi bỏ.

- Về Hồ sơ:

          + Đơn vị không có Sổ thụ lý hồ sơ.     

          + Các phần tự khai trong tờ khai còn bị tẩy, xoá  hoặc chưa ghi ngày, tháng năm, một số hồ sơ giải quyết chậm so với quy định, một số văn bản sử dụng sai biểu mẫu, lệ phí thu chưa đúng quy định.

          + Hồ sơ còn thiếu: Bản sao giấy khai sinh, Giấy khám sức khoẻ của cha mẹ nuôi, Giấy cam kết thông báo sự phát triển của con nuôi, Công văn xác minh của Công an, không có Biên bản giao nhận con nuôi, hồ sơ lưu khai sinh của người khác, Quyết định cho nhận con nuôi không ký tên và không đóng dấu, không có bản thu nhập của cha mẹ nuôi .

          + Hồ sơ lưu trữ đều không đánh bút lục, bìa hồ sơ không in đầy đủ các thông số cần thiết như: số hồ sơ, ngày thụ lý, ngày giải quyết, mà chỉ viết tay một cách tuỳ tiện. Hồ sơ ghi ngày thụ lý, ngày giải quyết mâu thuẫn với các bút lục có trong hồ sơ; Báo cáo các số liệu về hồ sơ chưa chính xác, thiếu thống nhất.

          + Bản sao hộ chiếu không đầy đủ các trang (chỉ có trang bìa, họ tên, không rõ ngày nhập cảnh); Bản sao Hộ chiếu, Visa không công chứng;  Không có Visa hoặc Visa hết hạn trước giao nhận con nuôi; Bản cam  kết thông báo về sự phát triển của con nuôi đến khi đủ 18 tuổi được ký cùng đơn xin nhận con nuôi trước ngày trẻ em  được sinh  ra, không ghi ngày tháng.

- Đối với trẻ em cho làm con nuôi từ các Trung tâm: Giám đốc Trung tâm đồng ý cho trẻ em làm con nuôi trước khi có sự đồng ý của cha mẹ; Trung tâm đề nghị và đồng ý cho trẻ trước khi có đơn của người xin nhận con nuôi; Giám đốc trung tâm  xin ý kiến SLĐTBXH nhưng khi chưa có ý kiến của GĐSLDTB XH thì đã ký giấy đồng ý; Giấy đồng ý cho trẻ em làm con nuôi không ghi ngày tháng.

- Đối với trẻ em bị bỏ rơi:

          + Hồ sơ không có biên bản trẻ bị bỏ rơi;  biên bản được lập trước ngày sinh của đứa trẻ và ngày nhập viện; biên bản trẻ bị bỏ rơi không được lập ngay khi phát hiện có trẻ bị bỏ rơi, lập quá chậm và mang tính hợp thức hoá; Biên bản trẻ em bị bỏ rơi không có xác nhận của công an cơ sở; nội dung biên bản mâu thuẫn với giấy khai sinh; trẻ bị bỏ rơi đều không được thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng sau khi đã lập biên bản trẻ bị bỏ rơi nên những đứa trẻ này đều không có cơ hội được cha mẹ đẻ nhận lại.

          + Khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi: Phần khai về người cha trong giấy khai sinh bị gạch; Khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi, nhưng lại áp dụng thủ tục đăng ký khai sinh quá hạn;  Trong Giấy khai sinh không ghi đầy đủ các thông số như đã thể hiện trong giấy chứng sinh, biên bản trẻ bị bỏ rơi, tài liệu trẻ bị bỏ rơi; Khai sinh cho trẻ em không đúng với ngày thực tế trẻ em được sinh ra; Đã xác minh được địa chỉ người mẹ, nhưng giấy khai sinh trẻ em vẫn ghi là trẻ bị bỏ rơi.

- Biên bản giao nhận con nuôi: bên nhận là 02 vợ chồng, chỉ có chữ ký 1 người (không có chữ ký của vợ mà không có lý do chính đáng);  Trẻ em còn cha mẹ, nhưng lại làm thủ tục cho làm con nuôi theo diện trẻ bị bỏ rơi;  Giấy xác nhận sức khoẻ của trẻ em được cấp không đúng thẩm quyền và sai về nội dung: Hầu hết các hồ sơ cho trẻ từ các Trung tâm; Nội dung Giấy  xác nhận sức khoẻ của trẻ em cho làm con nuôi mâu thuẫn với Giám định y khoa; Trung tâm có  văn bản đề nghị cho  đích danh người nước ngoài nhận trẻ em làm con nuôi trước khi có đơn xin con nuôi; Một số giấy tờ trong hồ sơ của người xin nhận con nuôi đã hết hạn hoặc chưa được  hợp pháp hoá lãnh sự; Trong hồ sơ theo Hiệp định Việt - Pháp thì STP chỉ dựa vào hồ sơ và ý kiến của Bộ chứ không xác minh.

- Sai phạm trong việc xét duyệt điều kiện cho và nhận con nuôi: trường hợp trẻ còn mẹ đẻ, nhưng không có văn bản đồng ý của người mẹ cho con làm con nuôi; Chưa có sự đồng ý của trẻ từ  9 tuổi trở lên hoặc trẻ đã quá tuổi quy định cho làm con nuôi.

 - Việc nộp hồ sơ xin nhận con nuôi: Có hiện tượng trung gian, môi giới làm thủ tục cho người nước ngoài  nhận con nuôi là trẻ em Việt Nam không ? Phải kiểm tra sổ sách, nghiên cứu hồ sơ và xác minh xem người xin nhận con nuôi có trực tiếp đến Sở Tư pháp nộp hồ sơ và lệ phí không, cha mẹ nuôi có mặt để nộp hồ sơ không ?

- Sai phạm trong Giao nhận con nuôi: Lập Biên bản khống để bàn giao trẻ (như ở Thành phố H).

          Quá trình nghiên cứu, xem xét hồ sơ tài liệu nếu phát hiện những vấn đề sai phạm phải phân tích rõ nguyên nhân, mối quan hệ của vấn đề sai phạm với các nội dung khác, lập biên bản yêu cầu đối tượng thanh tra ký biên bản xác nhận số liệu. Những vấn đề nghi vấn phải tổ chức xác minh kịp thời.

          Cùng với việc kiểm tra hồ sơ tài liệu do đối tượng thanh tra cung cấp, khi cần thiết cần tiến hành thanh tra xác minh thực tế để xác định, củng cố hoặc bổ sung cho kết quả kiểm tra hồ sơ tài liệu. Mọi kết quả làm việc, kiểm tra thực tế đều phải được ghi lại bằng biên bản. Các biên bản làm việc hoặc kiểm tra xác minh khi lập xong, cán bộ thanh tra phải đọc để đối tượng nghe và yêu cầu họ ký vào biên bản.

2.3. Tổ chức nghe ý kiến phản ánh của quần chúng và của công luận báo chí

          Việc tổ chức nghe ý kiến phản ánh của quần chúng trong phạm vi đơn vị được thanh tra cần tập trung vào nội  dung liên quan đến cuộc thanh tra và luôn có ý thức bảo vệ họ để tránh tình trạng họ bị trù úm. Đối với những thông tin do công luận, báo chí đã nêu có liên quan đến nội dung thanh tra, đoàn thanh tra tổ chức gặp gỡ trao đổi làm rõ nguồn thông tin, những căn cứ có thể chứng minh vấn đề đã nêu.

          Việc tổ chức nghe ý kiến kể trên cần tiến hành trên nguyên tắc tôn trọng ý kiến quần chúng và công luận, thực hiện đúng pháp luật theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo và Luật Báo chí. Phát huy quyền dân chủ và tiến hành đúng thủ tục hành chính có ghi biên bản và lấy chữ ký xác nhận của người đã tham gia.

2.4. Thu thập thông tin từ các cơ quan, đơn vị hữu quan, các cơ quan đã thanh tra, kiểm tra, giám sát

          Đoàn thanh tra hoặc thanh tra viên cần nghe ý  kiến của cơ quan chức năng có liên quan đến nội dung thanh tra.

          Khai thác sử dụng những hồ sơ tài liệu của cơ quan đã kiểm tra, thanh tra, giám sát hoặc của cơ quan hữu quan khác để tránh đi vào những vấn đề đã có kết luận đúng đắn hoặc vô tình hợp pháp hoá các hành vi sai phạm. Thanh tra viên cần đi sâu, sử dụng có chọn lọc những tài liệu phục vụ cho kết luận của mình. Ví dụ, khi thanh tra ở B, Đoàn Thanh tra đã sử dụng nhiều tài liệu xác minh của Đoàn Thanh tra tỉnh.

          Để nắm vững cơ chế quản lý chuyên ngành và các vấn đề nghiệp vụ chuyên ngành, Đoàn thanh tra cần tranh thủ nghe ý kiến của Cục Con nuôi quốc tế. Đoàn thanh tra có thể sử dụng những ý kiến đánh giá (phát biểu chính thức bằng văn bản)  đó là một căn cứ khi kết luận. Trong các Đoàn thanh tra liên ngành, liên vụ do Thanh tra Bộ Tư pháp chủ trì thường có sự tham gia của một số cán bộ thuộc các đơn vị trong và ngoài Bộ Tư pháp có liên quan đến nội dung thanh tra.

2.5. Tổ chức đối thoại, chất vấn

          Trước khi kết luận, đoàn thanh tra có thể tổ chức đối thoại hoặc chất vấn đối tượng.

          Đối thoại là hình thức tổ chức tranh luận, hội thảo hoặc trao đổi ý kiến chủ yếu với những vấn đề không có dấu hiệu sai phạm nhưng cần làm sáng tỏ như: cơ chế quản lý, phương pháp chỉ đạo,.điều hành.v.v...Chất vấn là hình thức tổ chức có tính chất bắt buộc đối tượng phải trả lời những câu hỏi để làm rõ những vấn đề mà đoàn thanh tra yêu cầu, cũng là hình thức cho đối tượng thanh tra giải trình với đoàn.

          Đối thoại và chất vấn thực chất là để làm rõ đúng – sai, thấy rõ trách nhiệm của đối tượng, nên rất phức tạp. Đoàn thanh tra, Trưởng Đoàn thanh tra cần chuẩn bị chu đáo, đưa ra những câu hỏi (có khi cả chứng cứ) có trọng tâm để đối tượng trả lời. Đoàn thanh tra phải chủ động trong suốt quá trình tiến hành đối thoại, chất vấn.

          Trong khi đối thoại hoặc chất vấn, thanh tra viên cần thực sự vận dụng nguyên tắc phát huy cao quyền dân chủ của mọi người, tránh những lệch lạc như áp đặt quan điểm, gợi ý theo chủ quan của mình. Chỉ đưa ra kết luận khi đối tượng thanh tra không đủ chứng cứ bảo vệ hoặc khi đoàn thanh tra đã có chứng cứ được thẩm tra, xác minh. Ví dụ, tại Thành phố H, khi đối thoại với Đoàn Thanh tra, Sở Tư pháp đã khẳng định là có giao nhận 7 trẻ em tại Sở Tư pháp. Nhưng khi Đoàn Thanh tra đưa tài liệu, chứng cứ do Cục quản lý xuất nhập cảnh – Bộ Công an cung cấp thì Sở Tư pháp mới thừa nhận kết luận của Đoàn Thanh tra.

          Việc tiến hành đối thoại hoặc chất vấn phải làm đúng thủ tục hành chính, có biên bản ghi câu hỏi và trả lời, những ý kiến tiếp nhận hoặc giải trình của đối tượng, có thể kèm theo băng ghi âm. Biên bản đối thoại chất vấn được đọc lại cho đối tượng nghe và ký tên. Việc làm này rất cần thiết vì bảo đảm giá trị pháp lý của hồ sơ. Ví dụ, khi làm việc với Sở Tư pháp Thành phố H, Sở Tư pháp tỉnh B, Đoàn thanh tra đã ghi âm, quay phim, chụp ảnh để thu thập chứng cứ thanh tra.

2.6. Xử lý các hành vi chống đối

          Hành vi chống đối thường xảy ra khi sự việc vi phạm nhưng đối tượng không thành khẩn. Người thanh tra phải phân biệt rõ giữa hành vi chống đối với quyền được giải trình, khiếu nại của đối tượng. Chống đối là sự cố ý vi phạm  quy định của pháp luật bằng những thủ đoạn gian trá, thâm hiểm để cản trở hoặc chống đối hoạt động của đoàn thanh tra. Quyền giải trình, khiếu nại được đặc trưng bằng ý thức tôn trọng pháp luật, có tổ chức, có kỷ luật.

- Biểu hiện của hành vi chống đối thường bộc lộ ra như sau:

          + Cố tình làm chậm trễ hoặc không cung cấp tài liệu, báo cáo.

          + Sửa chữa hoặc thay đổi hiện vật, chứng từ, làm chứng từ giả hoặc huỷ bỏ chứng cứ tài liệu.

          + Cố ý  thuyên chuyển, kỷ luật, điều động... hoặc trù dập, đe doạ để cản người muốn tố cáo với đoàn thanh tra hoặc người có ý thức công tác với đoàn thanh tra.

          + Hối lộ, mua chuộc, đe doạ cán bộ thanh tra hoặc hối lộ cấp trên để che đỡ khuyết điểm, sai phạm cho mình hoặc can thiệp trái pháp luật vào cuộc thanh tra.

          + Xúi giục, xuyên tạc để kích động quần chúng hiểu sai sự thật, hiểu sai cuộc thanh tra và có khi dùng cả bạo lực chống đối lại người thi hành công vụ.

          Khi có sự chống đối, đoàn thanh tra phải làm tốt công tác tư tưởng, củng cố hồ sơ tài liệu, chứng cứ vững chắc, phối hợp nhiều biện pháp với sự tham gia của các cơ quan chức năng và khi cần thiết phải vận dụng các quyền thanh tra quy định tại Nghị định 74/2006/NĐ-CP. Nếu nghiêm trọng phải có biện pháp mạnh, chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra xử lý nghiêm theo pháp luật. Ví dụ, khi Đoàn thanh tra tại B tiến hành xác minh tại gia đình cháu Trịnh Văn C thì bố cháu Chung đã không chịu tiếp Đoàn Thanh tra với lý do “Ông T, Thượng tá công an tỉnh đã dặn là không tiếp ai, không trả lời với ai”. Đoàn thanh tra đã làm công tác tư tưởng và thuyết phục được bố cháu C cung cấp thông tin cho Đoàn.

          Cũng cần phân biệt hành vi chống đối với quyền giải trình, khiếu nại của đối tượng thanh tra. Quyền giải trình, khiếu nại được đặc trưng bằng ý thức tôn trọng pháp luật, có tổ chức, có kỷ luật.

2.7. Phải xử lý tốt các mối quan hệ

- Trong khi tiến hành cuộc thanh tra, phải  quan tâm giải quyết tốt các mối quan hệ:

          + Quan hệ nội bộ đoàn thanh tra: đoàn thanh tra phải đoàn kết nhất trí, bảo đảm tôn trọng nguyên tắc cơ bản nhất là tập trung dân chủ và ý thức kỷ luật cao. Trưởng Đoàn thanh tra phải là hạt nhân đoàn kết thống nhất, thể hiện vai trò trách nhiệm cao, quyết đoán và dám chịu trách nhiệm.

          + Quan hệ với lãnh đạo (người ra quyết định thanh tra): Trong quan hệ này, nguyên tắc cơ bản nhất là phải tôn trọng kỷ luật, chế độ báo cáo, thỉnh thị và chấp hành nghiêm chỉnh sự chỉ đạo điều hành của cấp trên.

          + Quan hệ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng: Trong quan hệ này, cần chú ý mối quan hệ giữa đoàn thanh tra với cơ quan trong khối nội chính như công an, viện kiểm sát nhân dân, toà án và các mối quan hệ giữa thanh tra với các cơ quan quản lý tổng hợp như kế hoạch, tài chính, thống kê, cơ quan kiểm tra Đảng. Những quan hệ phối hợp chủ yếu là: cung cấp thông tin, phối hợp xác minh, điều tra, nhất là việc phối hợp xử lý các vi phạm pháp luật bằng các hình thức xử lý kinh tế, hành chính hoặc hình sự, xử lý Đảng viên có chức vụ.

2.8. Lập biên bản, kết luận và hoàn chỉnh hồ sơ từng phần của cuộc thanh tra

          Mỗi thanh tra viên phải phụ trách từng phần việc được Trưởng đoàn giao, phải kết luận và lập hồ sơ từng phần theo mục đích, yêu cầu, nội dung mà kế hoạch cuộc thanh tra đã đề ra.

- Hồ sơ báo cáo phải gồm đầy đủ các tài liệu sau:

          + Báo cáo tường trình , kiểm điểm cá nhân hay đơn vị.

          + Biên bản đối thoại, chất vấn đối tượng.

          + Biên bản kiểm tra, kiểm kê, biên bản xác minh đối chiếu.

          + Biên bản hội nghị kết luận từng phần.

          Kinh nghiệm cho thấy, nếu kết luận từng phần có đầy đủ hồ sơ, chứng cứ đầy đủ thì kết luận cuối cùng của cuộc thanh tra sẽ đạt chất lượng cao, đối tượng thanh tra ít có giải trình, khiếu nại.

3. Kết thúc cuộc thanh tra

          Những căn cứ để kết thúc cuộc thanh tra

- Đối  chiếu với yêu cầu cuộc thanh tra

- Đối  chiếu nội dung đoàn thanh tra triển khai thực hiện

- Đối  chiếu các thủ tục đoàn thanh tra đã thực hiện trong quá trình thẩm tra, xác minh.

- Sự đòi hỏi bức xúc kết luận sớm nhằm phục vụ kịp thời yêu cầu công tác quản lý, yêu cầu công luận... ở thời điểm có các sự kiện chính trị xã hội quan trọng (họp Quốc hội, Đại hội  Đảng...)

Kết thúc cuộc thanh tra được thể hiện bằng việc đoàn thanh tra công bố kết luận thanh tra. 

Việc kết thúc cuộc thanh tra, phải tuân thủ một số yêu cầu cụ thể sau: 

- Phải tổng hợp phân tích chứng cứ, đối chiếu với quy định của pháp luật để kết luận sự việc đúng-sai  một cách chính xác, trung thực, khách quan. Phải xem kết luận thanh tra trong bối cảnh, đặc điểm cụ thể của đối tượng, bảo đảm cho kết luận không những hợp pháp mà còn hợp lý, khả thi.

- Kết luận thanh tra phải nêu rõ được đúng sai (cả về tính chất, mức độ và tác hại) nêu rõ nguyên nhân ( khách quan, chủ quan) quy rõ trách nhiệm (trách nhiệm tập thể và trách nhiệm cá nhân; trách nhiệm của cấp trên và của cấp dưới), kiến nghị các giải  pháp sửa chữa (của đối tượng và của cấp trên), kiến nghị hoặc quyết định các hình thức xử  lý kinh tế, hành chính và hình sự  (nếu có).

- Kết luận thanh tra phải có sức thuyết  phục cao, biểu hiện ở tính đứng đắn, khách quan trong kết luận và giá trị thiết thực bao gồm ngăn chặn, phòng ngừa sai phạm, xử lý nghiêm minh các vi phạm pháp luật để góp phần nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước.

- Phải tuân thủ các thủ tục hành chính đã quy định.

          Nội dung bước kết thúc thanh tra bao gồm:

3.1. Dự thảo văn bản “Kết luận thanh tra”

          Nội dung văn bản kết luận thanh tra:

- Phần mở đầu: Phải nêu được xuất xứ cuộc thanh tra, tóm tắt hoạt động thanh tra là nhận xét chung về tinh thần hợp tác của đối tượng thanh tra (khi cần).

- Phần nội dung: Đây là phần chính của kết luận thanh tra, phải nêu được khái quát đặc điểm tình hình, tóm tắt diễn biến những sự việc thanh tra đã xem xét, những kết luận của thanh tra, ưu điểm, khuyết điểm sai phạm; tính chất mức độ, tác hại của từng sai phạm; nguyên nhân khách quan và chủ quan, trách nhiệm của đối tượng và của cấp trên, trách nhiệm của tập thể và cá nhân.

Kết thúc phần nội dung còn cần phải nêu được các kiến nghị như:

- Kiến nghị với đối tượng thanh tra:

            + Những kiến nghị đối tượng thanh tra cần chấn chỉnh, sửa chữa trong công tác quản lý.

          + Những quyết định xử lý theo thẩm quyền của đoàn thanh tra hoặc thanh tra viên với đối tượng.

          + Những yêu cầu xử lý thuộc thẩm quyền đối tượng phải tiến hành.

- Kiến nghị với cơ quan cấp trên.

          + Những kiến nghị về xử lý kinh tế, hành chính thuộc thẩm quyền cơ quan cấp trên.

          + Những kiến nghị huỷ bỏ, bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành mới các chính sách, cơ chế quản lý. Ví dụ tại Thành phố H, tỉnh Đồng Tháp, ngay trong quá trình thanh tra, Đoàn thanh tra đã có văn bản kiến nghị gửi UBND tỉnh, thành phố sửa đổi ngay một số sai sót trong công tác hộ tịch có yếu tố nước ngoài. Các địa phương đã tiếp thu và triển khai ngay các biện pháp khắc phục, chấn chỉnh kịp thời và đưa công tác này vào nền nếp, quy củ hơn.

+ Trong quá trình thanh tra, điều cốt yếu là phải đúc rút được các bài học kinh nghiệm, phát hiện những kẽ hở của cơ chế quản lý và sự bất cập của các văn bản pháp luật để có kiến nghị ở tầm vĩ mô. Ví dụ như trong một số cuộc thanh tra ở Thành phố H, tỉnh Đồng Tháp, Hoà Bình, B, Đoàn thanh tra đã có một số kiến nghị sau:

“ Xuất phát từ thực tế hiện nay, số lượng người nước ngoài xin trẻ em Việt Nam làm con nuôi, đây lại là một lĩnh vực nhạy cảm về mặt chính trị và dễ phát sinh tiêu cực; cho nên đề nghị:

Đối với Lãnh đạo Bộ Tư pháp:

- Giao cho các đơn vị chức năng như Cục con nuôi quốc tế, Vụ hành chính Tư pháp xây dựng Thông tư hướng dẫn bổ sung Nghị định 68/2002/NĐ-CP, Nghị định 69/2006/NĐ-CP vì qua thanh tra, thấy nổi lên một số vấn đề cần tháo gỡ như sau:

          + Trẻ bị bỏ rơi ở cơ sở y tế, người mẹ để lại địa chỉ giả, không xác minh được nguồn gốc trẻ thì có cần phải thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng không ? kinh phí thông báo lấy từ đâu ? ai có trách nhiệm phải thông báo ?

          + Trẻ bị bỏ rơi có cha mẹ, có địa chỉ rõ ràng nhưng cán bộ xác minh không thể gặp được cha mẹ đẻ của trẻ (vì nhiều lý do), không thể lấy được giấy cam kết cho con làm con nuôi người nước ngoài thì phải xử lý như thế nào ?

          + Hướng dẫn thống nhất các biểu mẫu trong hồ sơ như: Giấy  cam kết cho con làm con nuôi người nước ngoài, công văn đề nghị cơ quan công an xác minh phải đặt ra các yêu cầu xác minh, các văn bản xin phép cấp trên và giấy đồng ý cho trẻ em làm con nuôi người nước ngoài tại các cơ sở nuôi dưỡng, bản sao hộ chiếu phải thể hiện được ngày nhập và xuất cảnh để chứng đương sự có mặt tại Việt Nam vào thời điểm làm thủ tục...

          - Đề nghị Bộ Tài chính  giải quyết những vấn đề sau:

          + Ban hành thông tư quy định về vấn đề thu, chi, trích nộp và sử dụng số tiền được trích lại đối với số tiền hỗ trợ nhân đạo của các tổ chức con nuôi cho các cơ sở nuôi dưỡng trẻ.”... 

          Dự thảo văn bản “kết luận thanh tra ” phải được thực hiện theo một trình tự nghiêm ngặt: Tập thể đoàn thanh tra phải thảo luận để phân tích làm rõ cơ sở, căn cứ của những nội dung kết luận. Trưởng Đoàn thanh tra phải phát huy cao trí tuệ tập thể trong đoàn và phải tranh thủ sự chỉ đạo của người ra quyết định thanh tra, lắng nghe ý kiến của các cơ quan liên quan để dự thảo kết luận có chất lượng cao. Việc thảo luận tại đoàn thanh tra phải lập thành biên bản theo quy định của quy chế đoàn thanh tra.

           Sau khi đã có văn bản dự thảo kết luận thanh tra, dự thảo này có thể được thông báo cho đối tượng biết. Đối tượng được quyền giải trình. Đoàn thanh tra có thể mở hội nghị nghe ý kiến của đối tượng thanh tra và lắng nghe ý kiến của tổ chức Đảng, các đoàn thể quần chúng trong đơn vị được thanh tra.

          Sau khi xem xét kỹ những giải trình của đối tượng và các ý kiến khác đã thu thập, đoàn thanh tra phải tiếp thu và có thể kiểm tra bổ sung những vấn đề chưa rõ, sau đó bổ sung sửa chữa dự thảo kết luận, xin ý kiến của người ký quyết định thanh tra. sau đó công bố kết luận thanh tra với đối tượng thanh tra.

3.2. Công bố kết luận thanh tra

          Kết  luận thanh tra phải được chính thức công bố công khai tại đơn vị được thanh tra. Tham dự hội nghị công bố kết luận có: thủ trưởng đơn vị đối tượng, đại diện các phòng, ban, đơn vị cấp dưới của đối tượng có liên quan, có thể mở rộng đến đại diện tổ chức Đảng, đoàn thể, Ban thanh tra nhân dân của các đơn vị thanh tra.

          Việc công bố kết luận thanh tra có thể kèm theo công bố những quyết định xử lý của đoàn thanh tra (nếu có).

          Đối tượng thanh tra được giải trình và khiếu nại những vấn đề kết luận chưa thoả đáng. Các đại biểu tham dự được phát biểu ý kiến tham gia.

          Hội nghị công bố kết luận thanh tra được ghi thanh biên bản đầy đủ, có Trưởng Đoàn thanh tra ký tên và thủ trưởng đơn vị đối tượng thanh tra ký tên, đóng dấu. Hai bên đoàn thanh tra và thủ trưởng cơ quan là đối tượng thanh tra giữ văn bản kết luận và biên bản công bố kết luận thanh tra. Ví dụ tại các cuộc thanh tra ở Thành phố H, tỉnh B, Đồng Tháp, Hoà Bình...khi công bố kết luận thanh tra, đều có sự tham gia của lãnh đạo UBND tỉnh, Công an tỉnh, UBDSGĐ & TE, Sở Lao động, thương binh và xã hội...

3.3. Hoàn tất hồ sơ cuộc thanh tra

          Đoàn thanh tra hoặc thanh tra viên có trách nhiệm hoàn tất hồ sơ cuộc thanh tra.

          Hồ sơ cuộc thanh tra gồm có các tài liệu sau:

- Quyết định  và kế hoạch tiến hành cuộc thanh tra. Kèm theo các văn bản chính, còn có văn bản cấp trên giao tiến hành thanh tra, đơn thư khiếu nại, tố cáo (nếu có).

- Báo cáo của đối tượng thanh tra có kèm theo những tài liệu bổ sung hoặc thuyết minh, các biểu, bảng thống kê số liệu do đối tượng thanh tra cung cấp.

- Văn bản kết luận chính thức của đoàn thanh tra, có kèm theo các tài liệu, biên bản, bản xác minh, giám định v. v... để làm chứng cứ cho kết luận thanh tra.

- Các quyết định xử lý (nếu có).

- Biên bản công bố kết luận  thanh tra. Văn bản giải trình, khiếu nại của đối tượng (nếu có).

          Chú ý: Hồ sơ một cuộc thanh tra thì số lượng văn bản nhiều, rất nhiều loại và phức tạp nên phải lập một bản sơ đồ tổng hợp lưu giữ hồ sơ để dễ tìm, dễ thấy và dễ lấy.

3.4. Báo cáo kết quả thanh tra

          Đoàn thanh tra hoặc thanh tra viên báo cáo kết quả thanh tra với người ra quyết định thanh tra, đoàn thanh tra hoặc thanh tra viên báo cáo với cấp trên khi người ra quyết định thanh tra yêu cầu.

          Đoàn thanh tra tổ chức rút kinh nghiệm trong Đoàn về nghiệp vụ thanh tra, đề nghị người ra quyết định thanh tra khen thưởng hay kỷ luật đối với cá nhân hoặc tập thể (nếu có).

          Trên đây là Quy trình thực hiện thanh tra về việc cho người nước ngoài nhận con nuôi là trẻ em Việt Nam để các cán bộ tham khảo khi tham gia Đoàn thanh tra về lĩnh vực này, rất mong tiếp nhận những ý kiến phản hồi, trao đổi của đồng chí, đồng nghiệp để cùng nhau xây dựng nghiệp vụ cho Ngành ngày càng hoàn thiện hơn. Mọi chia sẻ thông tin, kiến thức hoặc hỏi đáp, thắc mắc về nghiệp vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo xin liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ của tác giả: Hoàng Quốc Hùng - Thanh tra Bộ Tư pháp, Tel: 8231127 & 0913001513 & Email: Hunghq@moj.gov.vn./.