Ngày càng thông thoáng
So với trước đây (Nghị định số 51/CP được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 108/2005/NĐ-CP ngày 14/8/2005 và Thông tư số 11/2005/TT-BCA-C11 ngày 7/10/2005 của Bộ Công an hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 51/CP và Nghị định số 108/2005/NĐ-CP), Luật Cư trú quy định chỗ ở hợp pháp và nhà ở được coi là chỗ ở hợp pháp đều theo hướng rộng hơn - một điều kiện để đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú. Cụ thể, chỗ ở bao gồm “nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú”; còn nhà ở có thể là nhà thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo luật định. Đây là quy định đem lại nhiều phấn khởi cho người dân.
Anh Nguyễn Doãn Thành, hiện tạm trú ở Từ Liêm hồ hởi tâm sự với chúng tôi về kế hoạch của cả gia đình: “Tôi mới ra Hà Nội làm việc được mấy tháng, chưa có điều kiện mua nhà nên đang phải đi ở nhờ. Nhưng tôi biết theo Luật Cư trú thì tôi vẫn sẽ được đăng ký thường trú. Tôi đang đợi thời gian tạm trú của mình đủ 1 năm (giảm 2 năm so với trước đây - PV) để còn làm thủ tục thường trú rồi chuyển hộ khẩu cho vợ và nhập cho đứa con sắp chào đời. Mọi người nói thế nào chứ tôi nghĩ hộ khẩu vẫn quan trọng lắm. Được cái, tôi đi hỏi thủ tục và qua hướng dẫn của cán bộ CA thấy mọi quy định về hộ khẩu bây giờ rất thuận tiện cho dân”.
Để tận mắt thấy sự “thuận tiện” ấy, phóng viên báo Pháp luật Việt Nam đã đến quan sát tại phòng tiếp dân về đăng ký hộ khẩu của CA một số quận huyện. Quả thật, cơ sở vật chất khá khang trang, treo đầy đủ và nghiêm chỉnh các bảng thông báo như Thủ tục đăng ký hộ khẩu di chuyển trong thành phố, Điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc TƯ; Chỗ ở hợp pháp để đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú… Có nơi còn treo thông báo về nội quy phòng tiếp dân (Ba Đình chẳng hạn), trong đó ghi rõ “nếu công dân có thắc mắc thì phản ánh bằng đơn thư và gửi vào hòm thư hoặc đăng ký gặp lãnh đạo tiếp dân vào chiều thứ 5 hàng tuần”. Không những thế, cán bộ tiếp dân cũng rất tận tình, hướng dẫn từng người chu đáo từ cách điền hồ sơ đến liệt kê giúp họ những giấy tờ còn thiếu. Chị Phùng Thị Minh Thu, tiếp dân ở bàn 1 (CA quận Hai Bà Trưng) cho biết: “Đối với đăng ký thường trú, nếu người ở nhờ không có quan hệ ruột thịt với người cho ở nhờ, chúng tôi mới yêu cầu phải có ý kiến đồng ý của người cho ở nhờ. Tuy nhiên, trong quá trình xác minh, chúng tôi sẽ tiếp tục giải thích cho người dân về quy định này để tránh những tranh chấp, khiếu nại đáng tiếc về sau”.
Về vấn đề thu lệ phí đăng ký thường trú, thời gian đầu triển khai Luật Cư trú, Hà Nội thực hiện theo Thông tư số 77 ngày 10/9/2002 của Bộ Tài chính, sau đó là theo Quyết định số 126 ngày 22/10/2007 của UBND thành phố. Và từ ngày 30/11/2007, bằng Công văn số 879 ngày 29/11/2007, CA TP. Hà Nội chỉ đạo CA các quận huyện không thu lệ phí trên. Chị Trần Thế Hồng (Cầu Giấy) thích thú: “Lệ phí này cũng chẳng nhiều gì, chỉ từ 5 – 15 nghìn đồng cho một lần đăng ký song tâm lý của người dân cứ được miễn phí là thấy khoái rồi”.
Vẫn nhiều băn khoăn
Anh Vũ Hữu Đảm, quê Thái Bình thắc mắc: “Luật Cư trú quy định, đối với các trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ nhà của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản. Tôi cũng biết, trên thực tế có một số trường hợp người đi thuê hoặc ở nhờ nhà của người khác nhưng lại có hành vi gây tranh chấp dân sự với chủ nhà như đòi được chia nhà… làm thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ nhà. Tuy nhiên, nếu chủ nhà không đồng ý cho người ở nhờ, thuê nhà, mượn nhà được đăng ký thường trú thì những người dân như chúng tôi sẽ không bao giờ được cơ quan có thẩm quyền giải quyết đăng ký thường trú hay sao?”.
Đội trưởng Đội Quản lý hành chính về trật tự xã hội (CA quận Hai Bà Trưng) Lê Đức Vịnh cho biết: “Theo thống kê của chúng tôi, trên địa bàn quận, hiện có 2.317 trường hợp với 12220 nhân khẩu thuộc dạng KT3. Đến nay, chúng tôi đã giải quyết được 536 trường hợp với 1.642 nhân khẩu. Tỷ lệ này chưa cao có một phần nguyên nhân là thời gian đầu, một số phường gây khó khăn trong việc xác nhận tình trạng nhà ở. Đến khi có Chỉ thị của đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố giao trách nhiệm cho CA thành phố hướng dẫn quận huyện. Trên cơ sở đó, CA quận Hai Bà Trưng đã tham mưu cho UBND và vấn đề đã được cải thiện hơn”.
Thêm nữa, đối với trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ nhà của nhà nước, của các tổ chức chuyên kinh doanh nhà thì không cần phải có sự đồng ý của chủ nhà, bởi vì theo quy định của Bộ luật Dân sự, nhà nước, các tổ chức chuyên kinh doanh nhà, khi đã cho người khác mượn, thuê, cho ở nhờ nhà phải làm hợp đồng. Nội dung của hợp đồng đã thể hiện sự đồng ý cho đăng ký thường trú vào ngôi nhà. Song có trường hợp nhà ở mua bán qua nhiều chủ, nhà do cơ quan phân mà cơ quan lại giải thể thì đến nay, chúng tôi vẫn lúng túng, chưa có cách tháo gỡ. Ông Vịnh kiến nghị: “Đối với loại nhà này, Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất Hà Nội có thể giao cho UBND phường thực hiện luôn việc xác nhận để bảo đảm quyền lợi chính đáng của công dân”.
Đã vậy, không ít người dân lo lắng, tình trạng nhập cư nhiều vào Hà Nội sẽ càng tăng thêm áp lực cho cơ sở hạ tầng vốn chưa đồng bộ của thủ đô. Còn cơ quan CA cảm thấy chưa phục vụ được tốt nhất cho người dân khi mà phương tiện làm việc vẫn thủ công, phải cố gắng bảo quản hàng chồng, hàng chồng hồ sơ khỏi bị mối xông trong khi chờ đợi xây dựng cơ sở dữ liệu về cư trú…
Hương Giang