Bài 1: Quan niệm đúng, cơ chế yếu…
Xuất khẩu lao động – “cứu cánh” của nền kinh tế?
Sự nghiệp XKLĐ của Việt Nam bắt đầu từ năm 1980 trong bối cảnh đất nước hết sức khó khăn nhằm giải quyết việc làm cho một bộ phận thanh niên và đào tạo đội ngũ lao động có tay nghề. Đến tháng 12/1986, Đại hội Đảng lần thứ VI đã xác định, mở rộng việc đưa NLĐ ra nước ngoài là một bộ phận hữu cơ của chương trình lao động nói chung. Hoạt động XKLĐ lần đầu tiên được luật hoá bằng Bộ luật Lao động ngày 23/6/1994.
Tại Chỉ thị số 41/CT-TW, Bộ Chính trị khẳng định: “XKLĐ và chuyên gia là một hoạt động kinh tế - xã hội góp phần phát triển nguồn nhân lực… Cùng với các giải pháp giải quyết việc làm trong nước là chính, XKLĐ và chuyên gia là một chiến lược quan trọng, lâu dài góp phần xây dựng đội ngũ lao động cho công cuộc xây dựng đất nước trong thời kỳ CNH, HĐH”. Triển khai Chỉ thị số 41/CT-TW, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 152/1999/NĐ-CP quy định việc đưa NLĐ và chuyên gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Theo kịp tiến trình toàn cầu hoá về kinh tế và di dân quốc tế, đáp ứng tình hình kinh tế - xã hội trong nước và thế giới, Luật sửa đổi bổ sung Bộ luật Lao động đối với việc XKLĐ đã được thông qua. Tiếp đó, với việc ban hành Nghị định số 81/2003/NĐ-CP, Việt Nam thực sự đánh giá cao vai trò của XKLĐ về mặt kinh tế - xã hội. Đặc biệt, ngày 29/11/2006, Quốc hội thông qua Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành hàng loạt văn bản hướng dẫn Luật, tạo nên một hành lang pháp lý tương đối đầy đủ và thông thoáng trong lĩnh vực XKLĐ.
Có thể nói, trong từng thời kỳ, Nhà nước luôn quan tâm bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với những biến đổi và phát triển của thị trường lao động quốc tế. Bà Mary Lou Alcid – Giám đốc Trung tâm Lao động xã hội, một tổ chức phi Chính phủ liên quan đến vấn đề NLĐ di trú của Philippine - nhấn mạnh, chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với XKLĐ như vậy là đúng đắn. Bà cho biết, mặc dù khuyến khích cử lao động bản địa ra nước ngoài, song Chính phủ Philippine cũng không quan niệm XKLĐ là “cứu cánh” cho sự phát triển của nền kinh tế.
Một số nước trong khu vực châu Á thường tổ chức thành một hệ thống các cơ quan để thực hiện pháp luật về bảo vệ NLĐ ở nước ngoài. Ví dụ như, ở Nhật Bản, ngoài các cơ quan quản lý nhà nước là các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức sự nghiệp nhà nước, các công ty môi giới…, trong đó có một tổ chức khá quan trọng là Tổ chức Hợp tác Tu nghiệp Quốc tế Nhật Bản (JITCO). Còn ở Malaysia là các Bộ Nguồn nhân lực, Nội vụ, Ngoại giao và Cục Nhập cư. Tại Philippine, cơ quan chịu trách nhiệm chính là Cục Phụ trách việc làm ngoài nước, bên cạnh đó có Cơ quan phúc lợi NLĐ ở nước ngoài và trong Bộ Ngoại giao có Văn phòng Phó Tổng thư ký phụ trách vấn đề NLĐ di trú. Còn tại Việt Nam, chúng ta có Cục Quản lý lao động ngoài nước trực thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) và các cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Nga, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, Ban quản lý lao động ở nước ngoài do ít người nên chưa quản lý được lao động làm việc ở nước sở tại mà chủ yếu là tìm hiểu thị trường, theo dõi và báo cáo tình hình. Cũng theo ông Nga, hiện mới chỉ ở Liên bang Nga là có Ban cán sự Công đoàn nước ngoài, vì vậy, việc theo dõi và bảo vệ quyền lợi của NLĐ đều phó thác cho các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu. Đã thế, Đại sứ quán của Việt Nam ở các nước có đông lao động Việt Nam làm việc lại chưa thực sự quan tâm đầy đủ đến hoạt động XKLĐ. Ông Phạm Hoàng Tùng, Trưởng Phòng Pháp chế (Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao) cũng thừa nhận, các cơ quan đại diện của ta gặp một số khó khăn nhất định, đặc biệt là về thiếu biên chế và ngân sách cho việc thực hiện công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ Việt Nam ở nước ngoài
Bởi thế, để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của NLĐ Việt Nam ở nước ngoài và sau khi hồi hương, theo ông Nga, một trong những việc cần làm ngay là thành lập các tổ chức công đoàn cho NLĐ Việt Nam ở những nước tập trung đông lao động Việt Nam như ở Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan mới có thể quản lý NLĐ và xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh trong quan hệ lao động. Còn tại những nước có ít NLĐ Việt Nam thì tạo điều kiện cho NLĐ có thể tham gia sinh hoạt Công đoàn của nước bạn. Về phía Bộ Ngoại giao, ông Tùng cho biết, Bộ này đã trình Chính phủ cho lập Quỹ bảo hộ công dân trực thuộc Bộ với số tiền ban đầu 20 tỷ đồng. Quỹ sẽ bổ sung một phần kinh phí cho các cơ quan đại diện Việt Nam trong các hoạt động bảo hộ công dân và trợ giúp cho những công dân rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không thể tự khắc phục được.
Box: Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân: Một trong số giải pháp trọng tâm của Chính phủ Việt nam là đàm phán với các nước nhận lao động Việt Nam để ký kết các thoả thuận và hợp tác trong lĩnh vực tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc. Đối với các nước nhận lao động Việt Nam nhưng không có Hiệp định hoặc Thoả thuận, Chính phủ nước ta đã tiếp xúc, đàm phán và tạo ra sự hợp tác chính thức với Chính phủ các nước trên thực tế nhằm phối hợp quản lý, bảo vệ quyền lợi của NLĐ Việt Nam.
Bài 2: Luật có nhưng thực hiện chưa nghiêm
Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngân – Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH, Chính phủ luôn coi trọng việc thực hiện các giải pháp để phát triển hoạt động đưa NLĐ đi làm ở nước ngoài một cách bền vững, mà quan trọng nhất là hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng được một hành lang pháp lý để bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia, đặc biệt là bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ. Văn bản pháp lý cao nhất của nước ta điều chỉnh vấn đề NLĐ đi làm việc ở nước ngoài hiện nay là Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Sau hơn nửa năm Luật có hiệu lực (từ ngày 1/7/2007), đến nay đã có 10 văn bản hướng dẫn thực hiện đã được ban hành và 04 văn bản chuẩn bị được ban hành.
Cho dù hệ thống pháp luật về lĩnh vực trên đã bắt đầu được hoàn thiện, song thực tế áp dụng cho thấy, các chế tài đối với NLĐ và DN XKLĐ vi phạm hợp đồng, vi phạm qui định của pháp luật vẫn thiếu tính đồng bộ và hạn chế tính thực thi. Ông Nguyễn Xuân Nga (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho biết, vấn đề nổi cộm trong hoạt động đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là tình trạng lao động vi phạm hợp đồng, trốn ra ngoài cư trú và làm việc bất hợp pháp. Tỷ lệ này của lao động Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực như Nhật Bản (30-40%), Hàn Quốc (25-30%), Đài Loan (trên 9%).
Nguyên nhân chủ yếu là do NLĐ không hiểu về pháp luật, có suy nghĩ phiến diện, nặng về lợi ích cá nhân, không thực hiện các qui định của hợp đồng lao động. Tuy nhiên, cũng có một phần lỗi thuộc về phía người sử dụng lao động vì đã vi phạm hợp đồng (như thường là không đưa cho NLĐ những công việc đúng theo các điều kiện trong hợp đồng đã thỏa thuận) hoặc thu phí XKLĐ quá bất hợp lý khiến NLĐ khi đã ra được nước ngoài liền tìm cách ra ngoài để kiếm những công việc khác với hy vọng có thu nhập cao hơn. Không những thế, ngoài các khoản đóng góp do Nhà nước qui định, NLĐ còn phải chi trả rất nhiều khoản phí không công khai khác cho công ty XKLĐ và thậm chí cho những kẻ môi giới. Chẳng hạn, theo qui định của công ty XKLĐ, để được đi lao động ở Nhật Bản, NLĐ phải chi phí ít nhất 10.500 USD, hay từ 8.000 – 10.000 USD cho việc sang làm việc tại Hàn Quốc.
Cần những giải pháp đồng bộ và quyết liệt
Trước hết, Nhà nước cần sắp xếp lại các DN XKLĐ đủ năng lực, đáp ứng được yêu cầu của hoạt động XKLĐ. Theo thống kê của Bộ LĐTB&XH, cả nước hiện có khoảng 150 DN XKLĐ, nhưng ngoài những DN đã hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động quốc tế thì vẫn còn nhiều DN mỗi năm chỉ đưa được khoảng 200 NLĐ ra nước ngoài làm việc nên doanh thu thấp, không đủ khả năng tự tiếp cận thị trường.
XKLĐ là một hoạt động thu hút được sự quan tâm của NLĐ, đặc biệt là lao động ở nông thôn. Tuy nhiên, thời gian qua, nắm được nhu cầu của NLĐ muốn được ra nước ngoài để làm việc nên nhiều tổ chức, cá nhân đã lợi dụng công tác tuyển chọn NLĐ để phát sinh tiêu cực, gây thiệt hại cho NLĐ và Nhà nước. Vì vậy, Nhà nước cần tăng cường giám sát, kiểm tra chặt chẽ, xử lý kịp thời, nghiêm khắc đối với những đường dây đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài bất hợp pháp; ngăn chặn các hoạt động buôn bán người dưới hình thức XKLĐ.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần tạo mọi điều kiện để NLĐ có thể chuyển tiền về nước một cách thuận tiện, nhanh chóng và an toàn; ban hành chính sách vay tín dụng ưu đãi đối với NLĐ thuộc diện chính sách xã hội khi đi làm việc ở nước ngoài; có chính sách bố trí việc làm khi họ trở về cơ quan, đơn vị, DN cũ hoặc có chính sách hỗ trợ vốn, đất đai, thủ tục… để họ có cơ hội phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm sau hồi hương, ổn định cho cuộc sống bản thân và xã hội.
Tóm lại, để khắc phục được những bất cập do việc chưa thống nhất, đồng bộ trong quá trình thực hiện các qui định pháp luật về XKLĐ không phải là vấn đề “một sớm một chiều” mà cần phải có quá trình và sự nỗ lực của tất cả các bên: NLĐ, DN XKLĐ, cơ quan quản lý lao động, các cơ quan chức năng của Việt Nam ở trong và ngoài nước, trong đó đáng kể nhất là sự thực hiện thống nhất các qui định của pháp luật về hoạt động XKLĐ./.
Hương Giang
Box: Đến nay, Việt Nam đã ký các hiệp định hợp tác trong lĩnh vực tiếp nhận lao động với Hàn Quốc, Malaysia, Lào, Oman, Qatar; đang đàm phán và chuẩn bị ký kết các Hiệp định với các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Bahrain, Libya, Nga.
Hiện Việt Nam đã ổn định và phát triển các thị trường như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc; khai thông một số thị trường tiềm năng thu hút số lượng lớn lao động nước ngoài như Malaysia và Trung Đông; đã tiếp cận và thí điểm đưa lao động sang những thị trường có thu nhập cao như Australia, Canada, Mỹ…
Hoàng Thư