Tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Trong những năm qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và toàn thể xã hội, rất nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Đảng và Nhà nước đã được ban hành nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác này. Tuy nhiên, việc đánh giá hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hiện nay vẫn chưa có sự thống nhất mà một trong những nguyên nhân là do chúng ta chưa xây dựng được tiêu chí đánh giá hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật một cách toàn diện.

Sự cần thiết phải xây dựng những tiêu chí để đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

- Những tiêu chí này là cơ sở để đánh giá hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vấn đề này có ý nghĩa quan trọng trong việc hướng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đi vào thực chất, tránh tính hình thức, phô trương, từ đó cũng cung cấp cho chúng ta một cái nhìn đúng đắn hơn và toàn diện hơn về công tác phổ biến, giáo dục trên một địa bàn nhất định;

- Xây dựng những tiêu chí này là cơ sở để đặt ra những mục tiêu về phổ biến, giáo dục pháp luật cần đạt được trong các kế hoạch, chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật, đặc biệt là những kế hoạch, chương trình mang tính chiến lược lâu dài;

- Tạo ra sự thống nhất trong việc đánh giá hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong phạm vi cả nước, từ đó xây dựng được mặt bằng chung khi thực hiện hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật.

Thực tế đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong thời gian qua đã cho thấy, hầu hết các tiêu chí được sử dụng để đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của địa phương, bộ, ngành là dựa vào: Số lượng các hình thức, biện pháp phổ biến giáo dục pháp luật đã được thực hiện, số lượng các đối tượng, văn bản pháp luật được tuyên truyền, phổ biến và tình tình hình vi phạm pháp luật trên địa bàn, lĩnh vực. Như vậy, có thể thấy những tiêu chí này chủ yếu mới phản ánh được mặt số lượng – mặt bên ngoài của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật mà chưa đánh giá được hiệu quả thực sự đối với đối tượng được tuyên truyền, tức là hiệu quả về mặt chất lượng, đặc biệt trong chuyển biến nhận thức và hành vi của đối tượng được phổ biến, giáo dục pháp luật.

Một số khó khăn khi thực hiện đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Như vậy, rõ ràng là việc xây dựng những tiêu chí đánh giá hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, do một số đặc thù của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nên trong việc xây dựng những tiêu chí này gặp một số vướng mắc:

Trước hết, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được xác định là “một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng”[1], do vậy hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật được coi là một hoạt động tác động vào đời sống tinh thần. Do đó, để đánh giá hiệu quả của hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật đối với người dân thì phải đánh giá thông qua sự chuyển biến ý thức pháp luật của người dân, nghĩa là ý thức pháp luật của họ thay đổi như thế nào trước và sau khi được tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Ý thức pháp luật của người dân được hình thành từ hai yếu tố, đó là tri thức pháp luật và tình cảm pháp luật, muốn xem xét ý thức pháp luật phải dựa vào hai yếu tố này, tuy nhiên sự thay đổi của tri thức pháp luật và tình cảm pháp luật để nhận biết được không phải là vấn đề dễ dàng. Chính vì vậy, đây là khó khăn rất lớn khi tiến hành xây dựng tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Thứ hai, hệ thống pháp luật của Nhà nước ta đang trong giai đoạn hoàn thiện đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế, khối lượng văn bản được các cấp, các ngành ban hành mỗi ngày một tăng, trong khi đó hai yếu tố định hướng cho hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật là địa bàn và đối tượng lại không thống nhất trên phạm vi cả nước. Mỗi đối tượng, địa bàn có nhu cầu khác nhau về phổ biến, giáo dục pháp luật, chẳng hạn, đối với người dân sống ở vùng biên giới có nhu cầu tìm hiểu về pháp luật liên quan đến biên giới quốc gia, cư trú…, đối với thương nhân có nhu cầu pháp luật về kinh doanh, thương mại… Đối tượng và địa bàn khác nhau khiến cho hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật không thể thực hiện đối với toàn bộ các văn bản pháp luật mà phải căn cứ vào nhu cầu của đối tượng và địa bàn để xác định tuyên truyền nội dung pháp luật cho phù hợp. Chính vì vậy, muốn đánh giá hiệu quả hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật một cách toàn diện không phải là việc dễ thực hiện. 

Thứ ba, như đã nói ở trên, hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật là một hoạt động tác động tới đời sống tinh thần nên kết quả của sự tác động phải qua một thời gian lâu dài mới có thể nhận biết và đánh giá được, đây cũng là một khó khăn phải xem xét khi xây dựng tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Như vậy, để có thể xây dựng nên những tiêu chí đánh giá hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, thiết nghĩ chúng ta nên quan tâm tới một số vấn đề:

Một là, các tiêu chí đưa ra cần kết hợp được nội dung đánh giá về chất và lượng của hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, nghĩa là kết hợp được việc đánh giá dựa trên số lượng các hình thức, văn bản, đối tượng được tuyên truyền với sự chuyển biến trong ý thức pháp luật của chính đối tượng được tuyên truyền;

Hai là, các tiêu chí đánh giá nên phản ánh được yếu tố địa bàn và đối tượng của hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật. Hoạt động đánh giá nên có sự phân nhóm theo đối tượng, địa bàn thì mới đảm bảo sự chính xác và toàn diện, do đó những tiêu chí này nên được xây dựng trên các yếu tố địa bàn và đối tượng;

Ba là, nên coi số liệu về tình hình vi phạm pháp luật trong một khoảng thời gian và trên một địa bàn nhất định làm một tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Mặc dù tình hình vi phạm pháp luật và ý thức pháp luật không phải lúc nào cũng là những thông số tỉ lệ thuận nhưng tình hình vi phạm pháp luật lại là biểu hiện bên ngoài – căn cứ để nhận biết sự chuyển biến ý thức pháp luật của đối tượng được tuyên truyền, phổ biến;

Thứ tư, cần xác định những nội dung pháp luật cơ bản làm mặt bằng chung trong việc xây dựng tiêu chí đánh giá, tức là những nội dung pháp luật có tính chất yêu cầu phải biết đối với mọi công dân, việc làm này cũng tương tự như việc tìm ra nội dung để đánh giá một trình độ có tính chất phổ cập trong giáo dục.

Cuối cùng, các tiêu chí này cũng nên được thể chế hóa trong một văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao để làm cơ sở chung, thống nhất trong việc đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên toàn quốc./.   


NVD