Thực tế đáng báo động.
Mặc dù Luật ban hành VBQPPL của HĐND và UBND được ban hành đã làm chuyển biến không nhỏ công tác ban hành VB ở cấp xã, tuy nhiên hạn chế cũng còn không ít. Theo khảo sát mỗi năm 1 xã ở Nghệ An ban hành trung bình khoảng 8 VB, tức là mỗi năm toàn tỉnh ban hành khoảng 3800 VBQPPL. Chỉ có 20% số xã ban hành trên 10 VB/năm, còn lại phổ biến ở mức dưới 10 VB. Cá biệt có những HĐND, UBND một năm không ban hành một VB nào ngoài 2 Nghị quyết tại kỳ họp HĐND. Trong khi đó, lại ban hành các loại công văn, thông báo, kế hoạch để điều hành kinh tế xã hội tại địa phương.
Theo quy định, VB trước khi ban hành phải được đưa ra lấy ý kiến đóng góp nhưng ở Nghệ An chỉ có khoảng 60% dự thảo VB của HĐND được thảo luận tập thể (chủ yếu là Nghị quyết). Riêng VB của UBND cấp xã thì chủ yếu giao cho bộ phận chuyên môn soạn thảo và trình ký ban hành mà không lấy ý kiến góp ý của các tổ chức, cá nhân, kể cả cán bộ tư pháp. Và chỉ khoảng 50% VB sau khi ban hành được niêm yết công khai hoặc tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông của xã.
Về chất lượng VB, qua khảo sát trong tổng số 72 ngàn VB của 6 xã, phường, thuộc 3 huyện Diễn Châu, Quỳ Châu và TP Vinh ban hành trong 3 năm 2004, 2005 và 2006 thì chỉ có 60 VBQPPL (còn lại là công văn, thông báo). Trong đó có 23% VB ban hành có nội dung trái pháp luật, chủ yếu đặt ra các khoản thu mới, quy định mức phí và lệ phí cao hơn quy định hiện hành, tự đặt ra các quy định sai trái trong việc xử phạt vi phạm hành chính (ví dụ trong vấn đề về kế hoạch hoá gia đình, vệ sinh môi trường, quản lý đất đai..). Về hình thức VB, khoảng 50% VB chưa đúng quy định, chủ yếu là sai thẩm quyền ban hành, căn cứ vào VB của cấp trên đã hết hiệu lực, sai về ngôn từ…
Tình trạng nói trên, theo UBND tỉnh Nghệ An có nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến vấn đề nhận thức và trình độ của cán bộ. Qua khảo sát cho thấy có khoảng 23% lãnh đạo HĐND và 15% lãnh đạo UBND (những người có thẩm quyền ban hành VB) chưa chú trọng đến công tác ban hành VBQPPL. Trong khi đó trình độ cán bộ soạn thảo, tham mưu lại chưa đồng đều, kinh nghiệm và khả năng nắm bắt các vấn đề về kinh tế xã hội còn hạn chế. Trong công tác soạn thảo VB nhiều nơi còn xem nhẹ vai trò của cán bộ tư pháp hoặc chính cán bộ tư pháp chưa đáp ứng yêu cầu về trình độ, đặc biệt là các xã miền núi.
Khắc phục bằng cách nào?
Xây dựng, ban hành VBQPPL là một công việc có tính chất quan trọng, nói cách khác nó là công cụ pháp lý để đưa các chính sách vào đời sống. Việc ban hành các VB sai trái dù là lỗi chủ quan hay khách quan thì cũng ảnh hưởng rất lớn vào việc thực thi các chủ trương của Đảng và nhà nước ở cơ sở. Do vậy, chấn chỉnh hoạt động này là việc làm mang tính cấp bách. UBND tỉnh Nghệ An xác định: trước khi ban hành VB bắt buộc phải có sự tham gia góp ý của Ban Tư pháp hoặc chuyên trách tư pháp – hộ tịch. Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cấp xã, UBND tỉnh đề cao việc tập huấn, bồi dưỡng và đào tạo trình độ nghiệp vụ cho cán bộ cấp xã nói chung, cán bộ tư pháp hộ tịch nói riêng; xác định và quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong chủ trì soạn thảo, cán bộ trực tiếp soạn thảo trong từng giai đoạn. Tiếp tục thực hiện chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp ĐH, CĐ ra trường về công tác tại địa phương. Bên cạnh đó, các vấn đề về cơ sở vật chất, phương tiện, tăng cường hoạt động kiểm tra, xử lý sai phạm cũng được UBND tỉnh coi trọng để dần hướng tới mục tiêu 100% VB do cấp xã ban hành đúng pháp luật. Mục tiêu này- chắc chắn sẽ còn lâu dài nên các ngành cùng phải chung tay gánh vác và sẻ chia trách nhiệm.
Thu Hằng